Thứ sáu,  20/09/2024

Hiệu quả từ nguồn vốn khuyến công

(LSO) – Trong những năm qua, từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại, góp phần tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Năm 2019, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại hỗ trợ Hợp tác xã Nông sản sạch Tràng Định (thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định) 170 triệu đồng để đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất theo đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị chế biến gạo đặc sản bao thai hồng”.

Ông Hoàng Văn Hải, Giám đốc HTX cho biết: Được hỗ trợ kinh phí, cùng với số vốn đối ứng của HTX, chúng tôi đã đầu tư máy xay xát, máy sấy, máy lọc sạn, máy tách màu để thực hiện chuỗi khép kín trong sản xuất gạo, với tổng kinh phí trên 600 triệu đồng. Qua đó, tăng năng suất lao động, sản phẩm đầu ra được phân loại, đảm bảo chất lượng và được bày bán tại một số siêu thị, từng bước tạo thương hiệu trên thị trường. Năm 2019, doanh thu của HTX đạt hơn 2 tỷ đồng.

Nguồn vốn khuyến công hỗ trợ Công ty TNHH MTV Thanh Bình, huyện Bắc Sơn ứng dụng máy móc thiết bị sản xuất và gia công các loại túi

Tương tự, năm 2019, cơ sở sản xuất bún ngô Thuận Anh, thôn Bình Chương 1, xã Đình Lập cũng đã được hỗ trợ từ nguồn khuyến công địa phương 90 triệu đồng để đầu tư máy móc thiết bị làm bún ngô. Chị Bế Thị Lan Anh, chủ cơ sở sản xuất bún ngô cho biết: Trước đây, tôi làm bún ngô bằng phương pháp thủ công, năng suất thấp, mỗi ngày chỉ được 2-3 tạ. Nhờ có sự hỗ trợ từ chương trình khuyến công, tôi đầu tư mua máy xát, máy nghiền, nhào, máy vo gạo, đùn bún và đóng gói sản phẩm, nhờ đó năng suất tăng lên 1 – 1,5 tấn/ ngày, thị trường mở rộng ra các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội..

Đây chỉ là 2 trong 11 cơ sở được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương trong năm 2019. Để khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư thiết bị máy móc, đổi mới công nghệ sản xuất, giai đoạn 2015 – 2019, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 60 cơ sở được hỗ trợ với tổng kinh phí trên 5,6 tỷ đồng. Trong đó, tập trung vào hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn chuyển giao công nghệ và khoa học kỹ thuật như: ứng dụng máy móc thiết bị sản xuất gỗ bóc, gia công các loại túi, sản xuất chè khô, gia công cơ khí…

Ông Trần Anh Thuần, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại cho biết: Qua triển khai thực hiện, các cơ sở sản xuất đã hoạt động hiệu quả hơn, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tạo việc làm cho nhiều lao động, không ít trong số đó có sản phẩm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Qua các năm, kinh phí cho các đề án khuyến công địa phương được nâng lên, năm 2015, nguồn kinh phí dành cho khuyến công địa phương là 700 triệu đồng, đến nay, nguồn vốn đã tăng lên 1,3 tỷ đồng, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư nâng cấp máy móc, thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất.

Năm 2020, Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại sẽ triển khai 8 đề án với nguồn kinh phí từ khuyến công địa phương là 1,3 tỷ đồng, với các đề án như: hỗ trợ thiết bị chế biến quả chanh leo; hỗ trợ máy móc, thiết bị sản xuất gỗ bóc, gỗ băm; hỗ trợ thiết bị sản xuất mì gạo (cao khô) Vạn Linh…

“Để phát huy hơn nữa hiệu quả, thời gian tới, trung tâm tiếp tục huy động các nguồn tài chính cho hoạt động khuyến công, khuyến khích hỗ trợ cải tiến, đổi mới công nghệ vào sản xuất công nghiệp nông thôn, qua đó tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường” –  Ông Trần Anh Thuần cho biết thêm.

NGỌC MAI