Thứ sáu,  20/09/2024
Phát triển kinh tế hợp tác xã tại Bắc Sơn:

Năng động vượt khó

LSO-Sự nỗ lực, linh hoạt trong hoạt động sản xuất kinh doanh đã giúp các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Bắc Sơn từng bước khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển.


Thành viên HTX thuỷ sản Lê Hồng Phong cho cá ăn

Thực tế ở nhiều nơi, nhiều HTX vẫn còn tình trạng đăng ký hoạt động theo kiểu “hình thức”, cũng không ít HTX hoạt động cầm chừng, trông chờ hoàn toàn vào sự hỗ trợ, đầu tư của nhà nước. Tuy nhiên, ở Bắc Sơn, nhiều HTX đã chủ động tìm hướng đi phù hợp, qua đó mang lại những kết quả rõ nét. Câu chuyện ở HTX Cường Thịnh, xã Trấn Yên là một ví dụ.

Năm 2011, HTX đi vào hoạt động ngành nghề chính là nuôi cá trên hồ Phai Thuống, xã Trấn Yên. Tuy nhiên, diện tích mặt nước rộng dẫn đến việc chăm sóc, khai thác không hiệu quả, doanh thu chỉ đạt vài chục triệu đồng/năm. Từ hạn chế như vậy, HTX đã chủ động tìm tòi, học hỏi và đến năm 2018, HTX chuyển sang hình thức chăn nuôi cá lồng. Ông Bế Văn Kiểu, Giám đốc HTX cho biết: Hình thức chăn nuôi mới vừa tận dụng được diện tích mặt nước, vừa tiện chăm sóc, khai thác nên hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Hiện nay, HTX có 11 lồng cá, trung bình mỗi năm, trừ chi phí, mỗi lồng cá cho thu nhập từ 20-30 triệu đồng.

Tương tự HTX Cường Thịnh, HTX Thuỷ sản Lê Hồng Phong cũng tập trung phát triển mô hình nuôi cá lồng. Ông Dương Hữu Chức, Giám đốc HTX cho biết: Hiện nay, HTX có 36 lồng cá. Để nâng cao giá trị sản phẩm, HTX đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh để tìm nguồn cung ứng thức ăn cũng như quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Doanh thu hằng năm bình quân đạt từ 1 đến 2 tỷ đồng, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động HTX đạt từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng, cao gần gấp đôi thu nhập bình quân của người lao động trong HTX trên địa bàn tỉnh.

Không dừng lại ở đó, năm 2019, tận dụng những diện tích đất trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp, HTX đã tìm hiểu và đưa vào trồng cây cà gai leo trên diện tích 2,5 ha. Khi tham gia mô hình trồng cây cà gai leo của HTX, các hộ dân yên tâm tập trung sản xuất, còn khâu cung ứng giống, vật tư cũng như tiêu thụ sản phẩm được bao tiêu hoàn toàn. Do HTX mới triển khai trồng còn thiếu kinh nghiệm, chưa tập trung cao cho việc chăm sóc nên thu nhập từ trồng cây cà gai leo năm đầu đạt trên 140 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, mức thu nhập như vậy vẫn cao hơn trồng lúa. Hơn nữa, cây trồng này chỉ cần trồng 1 lần cho thu hoạch 3 năm, như vậy tiết giảm rất nhiều chi phí giống, công chăm sóc. Với việc phát huy tiềm năng, lợi thế của cơ sở cộng với sự chủ động, linh hoạt trong xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh, hiện nay, HTX Thuỷ sản Lê Hồng Phong trở thành một trong những HTX nông, lâm nghiệp, thuỷ sản phát triển hàng đầu của tỉnh.

Cùng với 2 HTX kể trên, trong những năm qua, bên cạnh sự tạo điều kiện, hỗ trợ của nhà nước, đa số các HTX trên địa bàn huyện Bắc Sơn đã không ngừng nỗ lực vượt khó vươn lên phát triển. Ông Vy Kim Truyền, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Những năm gần đây, nhiều HTX trên địa bàn huyện Bắc Sơn đã phát huy nội lực, năng động trong sản xuất kinh doanh để nâng cao hiệu quả. Qua đó giúp Bắc Sơn trở thành một trong những huyện có nhiều HTX hoạt động ổn định, hiệu quả nhất trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh sự nỗ lực, chủ động từ các HTX, trong những năm qua, huyện đã tạo điều kiện để các HTX vươn lên phát triển như phối hợp trong công tác tuyên truyền, đào tạo tập huấn; hỗ trợ tham gia các chương trình, dự án phát triển sản xuất; xúc tiến thương mại….Đến nay, trên địa bàn huyện có 31 HTX đang hoạt động. Trong đó có 22 HTX nông, lâm nghiệp, thuỷ sản; 5 HTX thương mại; 2 HTX vận tải và 2 HTX trong lĩnh vực xây dựng, môi trường. Tổng số thành viên trong các HTX trên 450 người. Doanh thu bình quân hiện nay của 1 HTX trên địa bàn đạt 880 triệu đồng/năm, tăng hơn 100 triệu đồng so với năm 2016; thu nhập bình quân của thành viên, người lao động trong HTX đạt 50,4 triệu đồng/người/năm, cao hơn 10 triệu đồng so với năm 2016.

TÂN AN