Thứ sáu,  20/09/2024

Quảng Lạc: Tăng thu nhập từ nuôi ong lấy mật

(LSO) – Những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn đã phát triển mạnh mô hình nuôi ong lấy mật đem lại hiệu quả kinh tế cao, qua đó tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Anh Lâm Văn Hùng, thôn Quảng Trung 2, xã Quảng Lạc gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật từ năm 2016 với số lượng đàn ong ban đầu là 20 đàn. Sau khi bán mật ong, thấy giá trị kinh tế cao, từ năm 2017 đến nay, gia đình anh đã nhân rộng số lượng đàn, hiện anh duy trì nuôi 70 đàn ong nội là ong rừng, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng. Anh Hùng cho biết: Nghề nuôi ong lấy mật chi phí đầu tư thấp, chỉ hơn 1 triệu đồng cho một đàn ong gồm ong giống và các dụng cụ nuôi ong mà lại cho hiệu quả kinh tế cao. Vào những năm thời tiết thuận lợi như trời nắng đẹp, điển hình như năm 2017, 70 đàn ong của gia đình tôi có thể cho thu đến 500 lít mật, với giá bán từ 250 – 300 nghìn đồng/ lít, đã đem lại cho gia đình tôi khoản thu nhập khá. Hướng đến làm giàu từ nghề nuôi ong lấy mật, năm 2020, tôi dự kiến nhân thêm 20 – 30 đàn ong.

Người dân xã Quảng Lạc kiểm tra đàn ong

Ngoài gia đình anh Hùng, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Quảng Lạc cũng gây và nhân rộng đàn ong. Theo số liệu của UBND xã Quảng Lạc, hiện trên địa bàn xã có gần 1 nghìn đàn ong đang được các hộ dân nuôi lấy mật. Một điểm đáng mừng, đó là 8 hộ có số lượng đàn ong lớn trong xã đã tập hợp cùng với 7 hộ trồng rau thành lập Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Quảng Hồng (chuyên về trồng rau an toàn và nuôi ong lấy mật) vào cuối năm 2017. Mô hình nuôi ong lấy mật của HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Quảng Hồng đang duy trì hơn 300 đàn, sản lượng mật mỗi năm đạt khoảng 2 nghìn lít. Với giá bán mật ong trên thị trường hiện là 250 – 300 nghìn đồng/ lít, nhiều hộ dân xã Quảng Lạc đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Hoàng Văn Cương, Phó Giám đốc HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Quảng Hồng, xã Quảng Lạc cho biết: Để nâng cao giá trị sản phẩm, năm 2018, được sự hỗ trợ kinh phí từ xã và vốn đối ứng, HTX đã đăng ký và xây dựng thương hiệu “Mật ong hương rừng Xứ Lạng”, mỗi sản phẩm đều có tem, mã vạch riêng truy xuất nguồn gốc, được cơ quan chức năng chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ khâu đầu vào đến xuất bán, các bước khai thác mật được xử lý chặt chẽ với hệ thống lọc thô để lắng đọng rồi lọc tinh, sau đó đóng chai, hũ sản phẩm đưa ra thị trường. Hiện nay, mật ong của HTX không chỉ phục vụ khách hàng trong tỉnh mà đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước như Hà Nội, Đà Nẵng, nhận được đanh giá tốt từ người tiêu dùng.

Ông Phạm Đình Duy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Lạc cho biết: Nuôi ong ở xã Quảng Lạc ban đầu chỉ là những hộ nhỏ lẻ nuôi theo phương pháp truyền thống, chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình. Vài năm trở lại đây, trên cơ sở khai thác tiềm năng thế mạnh của xã với hơn 80% diện tích đất là đồi rừng với nhiều loại cây rừng có hoa, nên nhiều hộ dân đã thực hiện mô hình nuôi ong lấy mật. Cùng đó, nuôi ong chi phí đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế cao, UBND xã đã và đang khuyến khích người dân nhân rộng đàn ong và từng bước phát triển nghề nuôi ong lấy mật trên địa bàn xã.

Mô hình nuôi ong trên địa bàn xã đã góp phần phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Đặc biệt, sản phẩm mật ong hương rừng Xứ Lạng của HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Quảng Hồng đã xây dựng được thương hiệu, và được công nhận phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn đạt tiêu chuẩn 3 sao. Qua đó, khích lệ người nuôi ong yên tâm sản xuất, mở rộng quy mô liên kết, thâm nhập sâu vào thị trường, góp phần nâng cao giá trị để nghề nuôi ong phát triển bền vững.

NGỌC MAI