Thứ sáu,  20/09/2024

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: Hiệu quả ở Hữu Lũng

(LSO) – Giai đoạn 2016 – 2020, cấp ủy, chính quyền huyện Hữu Lũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (chương trình 135). Qua đây, diện mạo thông thôn thay đổi, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn được giảm đáng kể.

Yên Sơn là một trong những xã ở huyện Hữu Lũng thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Từ năm 2016 đến hết năm 2019, từ nguồn vốn chương trình 135 lồng ghép với nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, toàn xã đã làm được 7 km đường giao thông nông thôn với chiều rộng 3 m trở lên; 2 công trình thủy lợi; 4 nhà văn hóa thôn, làm cho diện mạo nông thôn nơi đây thay đổi hơn so với gần 5 năm trước. Về phát triển sản xuất, xã đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như: mô hình trồng nấm, trồng cây ăn quả, chăn nuôi cá, trâu bò. Đặc biệt, diện tích cây ăn quả của xã đã đạt 288 ha, vượt 150% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2016 – 2020 đề ra. Tính đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 24 triệu đồng/người/năm. Ông Vi Văn Đua, Chủ tịch UBND xã Yên Sơn cho biết: Giai đoạn 2016 – 2020, xã được ưu tiên nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Với nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã giảm đáng kể qua từng năm. Cụ thể năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã là 32,9% (225/682 hộ) thì đến hết năm 2019, giảm còn 16,6% (114/685 hộ).

Mô hình trồng cây ăn quả tại xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng

Không riêng xã Yên Sơn, trên địa bàn huyện Hữu Lũng còn có nhiều xã đặc biệt khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu nhờ thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020. Ví dụ như: xã Quyết Thắng có tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 50% năm 2016 xuống còn 23% năm 2019; tỷ lệ hộ nghèo ở xã Yên Bình giảm từ 50% năm 2016 xuống còn 16,4% năm 2019… Theo báo cáo của UBND huyện, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 – 2020, các xã, thôn đặc biệt khó khăn của huyện đã được đầu tư xây dựng 120 công trình giao thông nông thôn, 13 công trình trường học; 5 công trình thủy lợi và 11 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng. Đối với chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế đã có 18.695 lượt hộ nghèo được hỗ trợ vật tư, cây, con giống với giá trị hơn 13 tỷ đồng. Cũng trong giai đoạn này, toàn huyện đã xây dựng được 8 mô hình giảm nghèo, trong đó có 6 mô hình chăn nuôi trâu, bò, dê sinh sản và thương phẩm, 2 mô hình trồng dứa và rau sạch.

Ông Đặng Xuân Tuấn, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh Xã hội và Dân tộc huyện Hữu Lũng cho biết: Những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đã được giảm sâu. Cụ thể năm 2016, toàn huyện có 7.512 hộ nghèo đa chiều, chiếm 25,74% tổng số hộ toàn huyện, đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,97% với 3.018 hộ. Có được kết quả này là do các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện, nhất là tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020; chỉ đạo, điều hành quyết liệt việc phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, thủy lợi phục vụ phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, công tác truyền thông, tuyên truyền của hệ thống chính trị về nêu cao tinh thần tự vươn lên thoát nghèo cho chính người dân cũng được đẩy mạnh thực hiện. Về phía người dân đã kết hợp tốt giữa sự hỗ trợ của Nhà nước với tinh thần tự lực của bản thân, phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

TRANG NINH