Thứ sáu,  20/09/2024

Tràng Định: Nỗ lực đưa nước sạch về nông thôn

(LSO) – Năm 2019, tỷ lệ người dân vùng nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn huyện Tràng Định đạt 77% (thấp nhất so với các huyện khác trên địa bàn tỉnh). Để nâng cao tỷ lệ này, các cấp, ngành chức năng của huyện đã tăng cường phối hợp triển khai đồng bộ các biện pháp, phát huy hiệu quả các công trình cấp nước, nâng cao ý thức của người dân trong sử dụng và bảo vệ nguồn nước.

Hùng Sơn là xã có tỷ lệ người dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt thấp (69,3%). Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), UBND huyện đã chỉ đạo tập trung cải tạo, sửa chữa các công trình cấp nước tại xã. Theo đó, trong năm 2019, xã đã được đầu tư 2 công trình với tổng số vốn hơn 4 tỷ đồng. Đến nay, các công trình đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng, cấp nước cho trụ sở UBND xã, trường THCS xã, trạm y tế xã và hơn 1.000 người dân trên địa bàn.

Ông Hoàng Văn Hiệt, thôn Thâm Luông, xã Hùng Sơn cho biết: Trước đây, muốn có nước sinh hoạt phải đi gần 1 km đường đồi. Từ khi nhà nước đầu tư công trình, nước chảy về tận nhà, nguồn nước ổn định, đảm bảo vệ sinh và an toàn cho sức khỏe cả nhà. Dân thôn chúng tôi ai cũng phấn khởi và luôn nhắc nhở nhau bảo vệ nguồn nước và công trình cấp nước để sử dụng lâu dài.

Người dân thôn Nà Pài, xã Đề Thám sử dụng nước sinh hoạt từ công trình cấp nước của thôn

Ngoài Hùng Sơn, từ năm 2018 đến nay, huyện đã quan tâm tu sửa, cải tạo để nâng cao hiệu quả hoạt động các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại các xã như: Cao Minh, Đề Thám, Hùng Việt. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng, cải tạo các công trình cấp nước, huyện còn hỗ trợ các gia đình vay vốn xây dựng các công trình cấp nước nhỏ lẻ. Tính đến nay, tổng dư nợ Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện là hơn 24 tỷ đồng với 1.703 hộ đang sử dụng nguồn vốn. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, ngân hàng đã giải ngân cho vay 2,4 tỷ đồng cho 101 hộ, trong đó, một số xã có dư nợ cao như: Đại Đồng, Đề Thám…

Như tại thôn Nà Pài, xã Đề Thám có hơn 60 hộ dân sử dụng nước sinh hoạt từ công trình cấp nước nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình. Bà Đàm Thị Lóng, người dân trong thôn cho biết: Năm 2019, khi công trình cấp nước bị hỏng, chúng tôi không trông chờ, ỷ lại, đợi nhà nước tu sửa mà thay vào đó, mỗi nhóm gia đình từ 5 đến 6 hộ đã tự vay vốn mua đường ống để dẫn nước về nhà. Chúng tôi thường xuyên thay nhau kiểm tra nguồn nước và hệ thống đường dẫn để đảm bảo việc cấp nước duy trì ổn định, lâu dài.

Như vậy, cùng với các công trình cấp nước tập trung, các công trình cấp nước nhỏ lẻ như: giếng khoan, hệ thống dẫn nước tự chảy quy mô hộ gia đình, nhóm hộ gia đình đang phát huy hiệu quả, cung cấp nước sinh hoạt cho gần 50% dân cư nông thôn trên địa bàn huyện. Bằng việc triển khai đồng bộ các biện pháp, từ cuối năm 2019 đến nay, trên địa bàn huyện đã có thêm một trụ sở xã và hơn 3.000 người dân nông thôn được sử dụng nước từ các công trình cấp nước tập trung và công trình cấp nước nhỏ lẻ.

Ông Từ Trọng Hiếu, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Trong năm 2020, huyện phấn đấu nâng tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh lên 80%. Để nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh, thời gian tới, phòng sẽ tham mưu cải tạo, sửa chữa một số công trình cấp nước quan trọng, thay đổi mô hình quản lý để nâng cao hiệu quả, kéo dài “tuổi thọ” các công trình. Cùng với đó, phòng tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành, đoàn thể tổ chức các buổi tuyên truyền, tăng cường kiểm tra nguồn nước tại công trình để đảm bảo chất lượng nước phục vụ người dân.

PHƯƠNG DUNG