Thứ sáu,  20/09/2024

Giá ớt bấp bênh, nhà nông thấp thỏm

(LSO) – Năm nay, diện tích trồng ớt tăng gần gấp đôi so với năm 2019, tuy nhiên, mới đầu vụ thu hoạch, giá ớt chỉ bằng 1/5 so với cùng kỳ vụ ớt năm ngoái khiến không ít nông dân lo lắng.

Những ngày giữa tháng 5/2020, chúng tôi có mặt tại các cánh đồng thuộc các xã: Khánh Xuân, Đồng Bục, Sàn Viên, Tú Đoạn… của huyện Lộc Bình. Trên những thửa ruộng, người dân đang tranh thủ hái những quả ớt chín đầu mùa bán cho thương lái. Năm 2020, thời tiết có diễn biến phức tạp, đầu năm xảy ra mưa lớn, mưa thường xuyên ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng và phát triển của cây ớt. Để có những cây ớt xanh tốt, sai quả , người nông dân đã bỏ không ít công sức chăm sóc, phòng bệnh, ngăn ngừa ngập úng, chính vì vậy, chi phí sản xuất tăng.

Nông dân huyện Lộc Bình thu hoạch ớt

Nếu như năm 2019, giá ớt đầu vụ tăng đến 100.000 đồng/kg, cuối vụ khoảng 50.000 đồng/kg, giá trung bình cả vụ 70.000 đồng/kg, thì năm 2020, ngay từ đầu vụ, giá ớt loại 1 (ớt xuất khẩu) mới được 18.000 đồng đến 25.000 đồng/kg; loại 2 (tiêu thụ nội địa) từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/kg. Với giá ớt thu mua thấp như những ngày gần đây, nông dân không khỏi lo lắng. Anh Lý Văn Thị, thôn Kéo Mật, xã Khánh Xuân, huyện Lộc Bình, cho biết: Năm ngoái, gia đình tôi trồng 2 sào ớt, bán với giá từ 70.000 – 100.000 đồng/kg, trừ chi phí có lãi trên 40 triệu đồng. Vụ ớt năm nay tôi trồng 4 sào. Nếu giá thu mua thấp như hiện nay thì vụ này coi như lỗ vốn vì tôi bỏ tiền mua giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vào khoảng 12 triệu đồng cho 4 sào. Đấy là chưa kể 3 lao động của gia đình thường xuyên chăm sóc, thu hái ớt cả vụ ròng rã 3 tháng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, ớt trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu xuất tươi sang thị trường Trung Quốc. Trên địa bàn tỉnh có nhiều giống ớt khác nhau được nhập từ Trung Quốc hoặc Thái Lan. Chị Hoàng Thị Diệp, thương lái thu mua ớt tại huyện Chi Lăng cho biết: Đối tác chỉ thu mua một số giống ớt đáp ứng được những yêu cầu của họ. Năm nay, diện tích trồng ớt tăng cao, sản lượng dồi dào, trong khi phía Trung Quốc thu mua hạn chế nên giá thấp. Thương lái chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2020, diện tích gieo trồng ớt toàn tỉnh cao nhất từ trước đến nay với 1.389 ha, tăng gần 620 ha so với năm 2019. Trong đó, riêng huyện Chi Lăng có diện tích trồng ớt là 826 ha, tăng 326 ha so với năm 2019; huyện Lộc Bình 298 ha, tăng trên 100 ha so với năm 2019. Ông Lương Thành Trung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng cho biết: Năm 2019, ớt có giá cao, vì thế, năm 2020, nông dân tập trung phát triển loại cây này. Dự báo được điều này, ngay từ đầu vụ gieo trồng, phòng đã có văn bản gửi các xã, thị trấn khuyến cáo nông dân không nên mở rộng diện tích. Tuy nhiên, người dân vẫn ồ ạt trồng ớt.

Theo thông tin từ cơ quan chuyên môn, giá ớt khoảng 20.000 đồng/kg thì nông dân vẫn có lãi song hiệu quả kinh tế không cao so với những cây trồng khác. Trước tình trạng giá thu mua ớt thấp, một số loại ớt chỉ tiêu thụ được tại nội địa nên một số huyện đã chủ động mời gọi các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản vào cuộc nhưng, vẫn chưa tìm được đầu ra ổn định.

Từ nhiều năm nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tình trạng nông sản (trong đó có ớt) năm trước được mùa, được giá thì năm sau người dân mở rộng diện tích gieo trồng ồ ạt một cách tự phát dẫn đến cung vượt cầu. Để hạn chế rủi ro trong sản xuất, các cấp, ngành, cơ quan chuyên môn cần tích cực hơn nữa trong tuyên truyền, định hướng sản xuất một cách hợp lý. Quan trọng hơn cả là nông dân cần tìm hiểu kỹ thị trường trước khi đầu tư, tránh gieo trồng ồ ạt dẫn đến dư thừa sản phẩm, khó tiêu thụ, bấp bênh về giá.

HOÀNG VƯƠNG - ĐĂNG THÙY