Thứ sáu,  20/09/2024

Cao Lộc tập trung phòng chống sâu róm hại thông

(LSO) – Hiện nay trên 800 ha thông tại một số xã trên địa bàn huyện Cao Lộc bị sâu róm gây hại. Trong đó, trên 140 ha có diện tích nhiễm nặng. Để phòng trừ hiệu quả, cơ quan chuyên môn và người dân đang khẩn trương triển khai các biện pháp.

Tại thôn Bó Khuông (xã Hải Yến) những ngày này, người dân chủ động phun phòng trừ sâu róm hại thông. Theo ông Long Văn Sinh, trưởng thôn Bó Khuông, sau khi phát hiện sâu róm hại thông với mật độ (giữa tháng 5/2020), ngày 20/5, cơ quan chuyên môn của huyện trực tiếp xuống thôn kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ. Ngay sau đó, thôn thông báo cho bà con triển khai các biện pháp phun phòng trừ. Theo đó, các hộ có rừng gần nhau thành lập các tổ phun có từ 4 người đến 11 người (thôn thành lập 5 tổ), thực hiện phun đồng loạt trên diện tích rừng bị sâu gây hại.

Ông Sinh cho biết: Theo kinh nghiệm, khi trời mát sâu sẽ tập trung ở khu vực từ nửa thân cây trở xuống đến gốc (dễ phun hơn), khi nắng lên sâu sẽ bò ngược lên trên phần ngọn cây. Vì vậy, để diệt trừ sâu hiệu quả, bà con đã dậy sớm để tập trung phun từ 5 giờ đến 9 giờ hằng ngày. Thôn có trên 100 ha thông, đến nay bà con đã phun được 50 ha. Những diện tích đã phun, sâu bị chết nhiều, mức độ gây hại giảm hẳn. Hiện người dân đang tiếp tục phun toàn bộ diện tích còn lại bị nhiễm.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, trưởng thôn Bó Khuông (xã Hải Yến) kiểm tra tình hình sâu róm gây hại thông

Xã Hải Yến có 6 thôn với khoảng 1.200 ha rừng thông, trong đó thôn Bó Khuông và Co Riềng có rừng thông bị sâu róm gây hại nặng với khoảng 50 ha. Để phòng trừ sâu hại hiệu quả, UBND xã phối hợp với cơ quan chuyên môn huyện kiểm tra rừng thông, thông báo tới các thôn hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ. Trong đó, chủ yếu là dùng biện pháp phun thuốc diệt trừ. Những diện tích phun, đến nay mức độ gây hại giảm rõ rệt.

Tại xã Cao Lâu, toàn xã có khoảng 3.800 ha rừng thông, hiện nay có 600 ha rừng thông bị sâu róm gây hại, trong đó có 50 ha diện tích bị gây hại nặng tại các thôn: Bản Vàng, Bản Đon, Pắc Cuống, Sông Ranh. Ông Lương Văn Mao, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện người dân có rừng bị sâu gây hại nặng đã và đang tiến hành phun diệt trừ. Trong đó, ngoài bình phun của người dân, xã thông qua Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện mượn máy phun chuyên dụng của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh để hỗ trợ người dân. Cùng với đó, xã chỉ đạo các thôn, tổ chức đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Không để tình trạng sâu hại nặng trên diện rộng.

Theo thống kê của huyện, trên địa bàn có trên 24.000 ha  thông. Hiện nay, sâu róm thông thế hệ 1 năm 2020 phát sinh gây hại, mật độ sâu non trung bình 80 con đến 150 con/cây, nơi cao trên 200 con/cây. Đặc biệt, cục bộ có nơi sâu gây hại với mật độ trên 400 con/cây, chủ yếu sâu non tuổi 2, 3. Tổng diện tích nhiễm trên 800 ha (trong đó, 140 ha nhiễm nặng tại các xã: Hải Yến, Cao Lâu, Xuất Lễ, Lộc Yên).

Để phòng trừ sâu róm gây hại, UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, cảnh báo diễn biến sâu gây hại để người dân theo dõi, phòng trừ; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tiếp tục theo dõi tình hình sâu bệnh gây hại, phối hợp với các xã, thị trấn hướng dẫn người dân các biện pháp diệt trừ.

Ông Hoàng Quy, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc cho biết: UBND huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt từ huyện đến cơ sở, kiểm tra, xử lý tại địa bàn trọng điểm về sâu gây hại để xử lý phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Hiện nay, huyện đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn triển khai phương pháp dùng bẫy đèn để thử nghiệm, nếu hiệu quả sẽ cho nhân rộng. Đồng thời, rà soát các hộ nghèo, cận nghèo có diện tích rừng thông bị sâu róm gây hại nặng để có thể hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện các biện phòng chống. Qua đó, không để sâu róm hại thông thành dịch trên diện rộng.

ĐỖ HOẠT