Thứ sáu,  20/09/2024

Thành phố phát triển nghề sinh vật cảnh

(LSO) – Với nhiều ưu điểm như không tốn diện tích đất, hiệu quả kinh tế cao; tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp… thời gian qua, nghề sinh vật cảnh tại thành phố Lạng Sơn ngày càng phát triển. Hướng đi này đã và đang góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho những người làm nghề.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có gần 100 nhà vườn cây cảnh. Trong đó, có khoảng 50 nhà vườn trồng hoa lan, số còn lại là vườn trồng các cây cảnh, hoa cảnh từ mini đến cổ thụ với nhiều loại cây khác nhau.

Trước đây,  xu hướng chọn cây cảnh của người dân chủ yếu chọn các cây đại cảnh như: xanh, tùng, sung, lộc vừng… Khoảng 5 năm trở lại đây, khách hàng lại chọn mua các loại hoa cảnh, cây văn phòng; tiểu cảnh mini để trang trí như: hoa hồng, hoa giấy, cây kim tiền, hoa mẫu đơn, hồng môn…

Ông Hà Hiển Quý, Chủ tịch Hội sinh vật cảnh thành phố cho biết: Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, các hội viên trong hội sinh vật cảnh thành phố thường xuyên cập nhật các xu hướng chơi cây cảnh mới. Đồng thời, để nâng cao tay nghề cho các hội viên, hằng năm, hội tổ chức cho hội viên tham quan các nhà vườn trồng cây cảnh nổi tiếng ở trong và ngoài tỉnh; tổ chức sinh hoạt chuyên đề trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây cảnh. Qua đó, nhiều hội viên đã nắm bắt được kỹ thuật tạo thế, tỉa cành cho cây để áp dụng tại mô hình của mình.

Nhân viên nhà vườn Nguyễn Nam, thôn Đồng Én, xã Hoàng Đồng thành phố Lạng Sơn chăm sóc cây hoa cảnh

Bên cạnh việc phát triển các loại cây, hoa trang trí, từ năm 2015 đến nay, một số nhà vườn lớn đã mở thêm dịch vụ thiết kế mô hình sân vườn. Đi đầu ở dịch vụ này phải kể đến nhà vườn Minh Long với hàng trăm mô hình thiết kế cho khách/năm.

Anh Đỗ Văn Long, chủ nhà vườn Minh Long, số 50 Lê Đại Hành chia sẻ: Nắm bắt nhu cầu thị trường, từ năm 2015, tôi mở thêm dịch vụ thiết kế mô hình sân vườn bao gồm: thiết kế cảnh quan, cung cấp các loại cây cảnh, bon sai, cây bóng mát, tiểu cảnh, cây cảnh mini… Giá thiết kế của mô hình sân vườn trung bình từ 8 – 10 triệu đồng/m2 (bao gồm cả cây cảnh, tiểu cảnh, phụ kiện). Khách hàng chủ yếu là các công ty, doanh nghiệp thiết kế khuôn viên hay các hộ gia đình thiết kế vườn nhà… Doanh thu bình quân của nhà vườn khoảng 10 tỷ đồng/năm, trừ chi phí, lợi nhuận đạt từ 2 đến 2,5 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh việc trồng và bán cây cảnh, hiện nay, tất cả các nhà vườn đều có dịch vụ chăm sóc cắt tỉa tại nhà, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Đặc biệt, để thu hút khách, các nhà vườn áp dụng nhiều chương trình ưu đãi như: bảo hành công trình; mua cây sẽ giảm 10% chi phí cắt tỉa trong thời gian từ 1 đến 2 năm; hướng dẫn khách hàng cách chăm sóc, cắt tỉa…

Tại thành phố Lạng Sơn, nghề sinh vật cảnh đã và đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần tô điểm cho không gian sống thêm trong xanh, dịu mát và mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Bình quân mỗi nhà vườn cây cảnh có thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/năm; một số nhà vườn quy mô lớn có thu nhập từ 1 đến 2 tỷ đồng/năm.

Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh cho biết: Thời gian qua, với hoạt động đa dạng, các hội viên và các nhà vườn trên địa bàn thành phố đã tích cực, chủ động sáng tạo để làm mới mô hình của mình đáp ứng nhu cầu, thị hiếu, thẩm mỹ của người tiêu dùng. Tới đây, để chung tay cùng UBND thành phố xây dựng thành phố Lạng Sơn trở thành thành phố du lịch, Hội Sinh vật cảnh tỉnh định hướng cho các hội viên, các nhà vườn của thành phố phối hợp với ban quản lý các điểm du lịch trên địa bàn lựa chọn các loại hoa, cây cảnh phù hợp với điều kiện tự nhiên để trồng tại các điểm du lịch. Từ đó, vừa tạo cảnh quan đẹp, cân bằng môi trường sống, vừa tạo việc làm ổn định cho các nhà vườn.

NGUYỄN PHƯƠNG