Thứ sáu,  20/09/2024

Các địa phương phải tạo ra sự đột phá cho phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn tới

LSO-Sáng nay (26/8), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và năm 2021 vùng trung du, miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng.

Tham dự có đại diện Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc Hội, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.


Lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành dự hội nghị
tại điểm cầu Lạng Sơn

Dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn có đồng chí Nguyễn Long Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đại diện các sở, ngành.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, đến nay, các địa phương vùng trung du, miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư công gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên còn nhiều địa phương gửi chậm so với yêu cầu.

Qua số liệu tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy: các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng xây dựng tốc độ tăng trưởng GRDP từ 9% đến 9,2% cho giai đoạn 2021-2025; các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc xác định tốc độ tăng trưởng GRDP từ 8% đến 9% năm.

Nhu cầu vốn đầu tư công trung hạn cho các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc giai đoạn 2021-2025 là hơn 394 nghìn tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương hơn 118,5 nghìn tỷ đồng; nguồn cân đối theo điểm và tiêu chí hơn 54,4 nghìn tỷ đồng; vốn ngân sách trung ương trong nước hơn 235,1 nghìn tỷ đồng và vốn nước ngoài (ODA) hơn 41 nghìn tỷ đồng…

Thảo luận tại hội nghị, đại biểu các địa phương đều kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tham mưu cho Chính phủ sớm ban hành thông báo kế hoạch vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương, nhất là kế hoạch vốn năm 2021; hướng dẫn các tỉnh xây dựng quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch; hỗ trợ vốn từ ngân sách trung ương cho các địa phương thực hiện các dự án đầu tư có sức lan tỏa; cho phép một số địa phương được phép phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để huy động vốn xây dựng kết cấu hạ tầng, sớm có hướng dẫn quy định về tiêu chí định mức phân bổ vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025…


Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, tỉnh Lạng Sơn đã kiến nghị 4 nội dung liên quan đến thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, tỉnh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu cho Chính phủ đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn tới và hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện dự án cao tốc đoạn Chi Lăng – Hữu Nghị; bổ sung hơn 600 tỷ đồng vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 còn thiếu của tỉnh để thực hiện các dự án.

Các kiến nghị của các địa phương đã được đại diện các vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin, giải đáp.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị: Các địa phương trong quá trình hoàn thiện  kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025, năm 2021 và kế hoạch đầu tư công trung hạn cần nhất quán, bám sát định hướng phát triển kinh tế mà đại hội đảng bộ các địa phương đề ra trong giai đoạn 2020-2025.

Đặc biệt, các địa phương khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội phải bảo đảm tính liên kết vùng và tạo được sự đột phá cho phát triển. Ngoài ra, các địa phương cần có kế hoạch cụ thể về huy động nguồn lực thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, chương trình dự án đã đề ra, đẩy mạnh thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công-tư. Các tỉnh chú ý nghiên cứu áp dụng các mô hình kinh tế mới như: kinh tế tuần hoàn, kinh tế đêm, kinh tế xanh phù hợp với đặc điểm của từng địa phương.

Đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, các tỉnh cần xác định rõ danh mục dự án theo thứ tự ưu tiên, không đầu tư dàn trải, tập trung thực hiện các dự án có sức lan tỏa mạnh. Bên cạnh đó, các địa phương cần đặc biệt quan tâm công tác chuẩn bị dự án, phương án giải phóng mặt bằng nhằm tháo gỡ điểm nghẽn trong quá trình thực hiện.

 Liên quan đến một số kiến nghị của các tỉnh, Bộ trưởng yêu cầu các vụ tiếp thu, nghiên cứu trả lời hoặc tham mưu cho bộ để báo cáo Chính phủ. Bộ trưởng đề nghị Tổng cục Thống kê rà soát lại toàn bộ số liệu để cung cấp cho các địa phương để làm căn cứ xây dựng chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025.

CÔNG QUÂN