Thứ sáu,  20/09/2024

Tổ chức chính trị – xã hội: “Cầu nối” đưa vốn tín dụng chính sách đến người dân

(LSO) – Những năm qua, hoạt động ủy thác nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến người dân thông qua các tổ chức chính trị – xã hội (CTXH) đóng vai trò quan trọng. Đồng hành cùng hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), các tổ chức CTXH được ví như “cầu nối” dẫn vốn ưu đãi đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác nhanh chóng, kịp thời hơn.

Gia đình ông Hoàng Văn Hùng, thôn Nà Mạ, xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình trước đây thuộc diện hộ nghèo. Năm 2016, được sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, hội nông dân xã và NHCSXH, gia đình ông được vay 50 triệu đồng để chăm sóc rừng thông sắp đến tuổi khai thác. Ông Hùng cho biết: Khi vay vốn, tôi được cán bộ hội nông dân xã quan tâm, hướng dẫn làm thủ tục vay vốn và sử dụng vốn vay sao cho phù hợp. Sau đó, tôi đầu tư chăm sóc rừng thông, gia đình đã có thu nhập một phần từ nhựa thông và trả được tiền ngân hàng. Tôi tiếp tục vay vốn để đầu tư chăm sóc và trồng mới rừng thông kết hợp với chăn nuôi, thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/năm. Hiện gia đình tôi đã thoát nghèo và xây dựng được nhà cửa khang trang.

Cán bộ Hội Nông dân xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng kiểm tra mô hình trồng cây ăn quả của hộ vay

Ông Hùng chỉ là một trong hàng nghìn hội viên nông dân được tiếp cận vốn NHCSXH đầu tư sản xuất, kinh doanh, vươn lên ổn định cuộc sống. Hiện NHCSXH tỉnh đang triển khai 15 chương trình tín dụng ưu đãi với dư nợ trên 3.079 tỷ đồng. Trong đó, 4 tổ chức hội, đoàn thể của tỉnh (hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên) đang quản lý 2.200 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) với 68.562 lượt hộ vay; dư nợ ủy thác cho vay trên 3.073 tỷ đồng, chiếm 99,8% tổng dư nợ của NHCSXH, tăng 1.240 tỷ đồng so với thời điểm năm 2014, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm là 11,2%.

Trong giai đoạn 2015 – 2020, NHCSXH đã phối hợp với các tổ chức CTXH nhận ủy thác giải ngân cho 110.864 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách với tổng số tiền 5.242 tỷ đồng. Thông qua phương thức cho vay ủy thác đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ để đầu tư, phát triển các mô hình: chăn nuôi; trồng, chăm sóc rừng, cây ăn quả; kinh doanh dịch vụ; xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh; xây dựng nhà ở…

Bà Phạm Thị Thương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bình Gia cho biết: Thời gian qua, Hội phụ nữ huyện đã thực hiện tốt các công đoạn nhận ủy thác với NHCSXH huyện. Theo đó, hội tuyên truyền, phổ biến đến hội viên, Nhân dân trên địa bàn huyện về các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH thông qua tổ chức hội phụ nữ ở cơ sở, các tổ TK&VV. Chỉ đạo hội phụ nữ cơ sở chủ động phối hợp với UBND, trưởng thôn, các tổ trưởng triển khai bình xét cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của bà con để phát triển sản xuất, bình xét đúng đối tượng vay và rà soát khả năng phát triển kinh tế của từng hộ được vay mới. Nhờ vậy, đến nay, dư nợ ủy thác do hội quản lý đạt 98,5 tỷ đồng thông qua 76 tổ TK&VV với 2.346 lượt hộ vay.

Để làm tốt nhiệm vụ ủy thác vốn, các tổ chức CTXH các cấp chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát. Trong giai đoạn 2015 – 2020, các hội, đoàn thể cấp tỉnh kiểm tra được 234 lượt hội cấp huyện, 264 lượt hội cấp xã, 388 lượt tổ TK&VV, 1.364 lượt hộ vay vốn. Hội, đoàn thể cấp huyện đã kiểm tra được 4.409 lượt hội cấp xã, 6.454 lượt tổ TK&VV, 32.479 lượt hộ vay. Hội, đoàn thể cấp xã thực hiện công tác kiểm tra sau cho vay 30 ngày đối với tất cả hội viên vay vốn theo đúng quy định. Qua đánh giá, các hội viên được vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả.

Cùng với đó, NHCSXH tỉnh luôn quan tâm phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ ủy thác. Trong 5 năm qua, đơn vị đã phối hợp với tổ chức CTXH nhận ủy thác các cấp tổ chức tập huấn cho 34.044 lượt cán bộ ban giảm nghèo cấp xã, cán bộ hội, đoàn thể các cấp, trưởng thôn, bản, khối phố và ban quản lý tổ TK&VV. Qua đó, giúp đội ngũ cán bộ hội các cấp và tổ trưởng tổ TK&VV nâng cao nhận thức, kỹ năng điều hành, quản lý đảm bảo hiệu quả nguồn vốn cho vay.

Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Những năm qua, hoạt động cho vay vốn của NHCSXH tỉnh thông qua các tổ chức CTXH luôn được thực hiện có hiệu quả. Nhờ đó, nguồn vốn được quản lý chặt chẽ, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng. Hiện tỷ lệ thu lãi đạt 99% trở lên, thu nợ đến hạn đạt 96%; tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,07% tổng dư nợ.

Hiệu quả nguồn vốn tín dụng đã góp phần thiết thực vào công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 25,95% năm 2015 xuống còn 10,89% cuối năm 2019; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 44,5 triệu đồng/người/năm, gấp 1,44 lần so với năm 2015.

KIM HUYÊN