Thứ sáu,  20/09/2024
Cho vay theo Quyết định 2085:

Tạo sinh kế cho hộ dân tộc thiểu số nghèo ở Chi Lăng

LSO- Những năm qua, huyện Chi Lăng đã thực hiện tốt các chương trình vốn ưu đãi đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Tiêu biểu là chương trình cho vay phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS và miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg, ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn giai đoạn 2017 – 2020 được triển khai qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).


Gia đình ông Hoàng Văn Chiến, thôn Trung Tâm, xã Vân An
sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi để trồng rừng

Huyện Chi Lăng có 20 xã, thị trấn, trong đó có 7 xã vùng 3, 7 xã vùng 2 có thôn đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có 11 dân tộc cùng sinh sống, số hộ DTTS nghèo chiếm 94,67% số hộ nghèo toàn huyện. Do vậy, việc triển khai chương trình cho vay phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS và miền núi theo Quyết định 2085 có ý nghĩa quan trọng, giúp hộ nghèo là người DTTS trên địa bàn huyện có điều kiện tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Gia đình ông Hoàng Văn Chiến, thôn Trung Tâm, xã Vân An là một trong những hộ nghèo được vay vốn ưu đãi của chương trình để mở rộng mô hình kinh tế. Ông Chiến chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc diện hộ DTTS nghèo, tháng 6/2020, tôi được vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay theo Quyết định 2085 để trồng và chăm sóc rừng. Nhờ nguồn vốn đó, gia đình tôi mua phân bón chăm sóc hơn 1 ha rừng thông và sở đang cho khai thác, đã cho thu nhập trên 60 triệu đồng/năm, còn một phần vốn tôi trồng bổ sung được 1 ha cây thông. Với lãi suất ưu đãi và thời hạn vay 10 năm nên gia đình tôi yên tâm sản xuất để vươn lên thoát nghèo”.

Chương trình cho vay hộ DTTS theo Quyết định 2085 được triển khai tại huyện Chi Lăng từ năm 2019, mức vay tối đa là 100 triệu đồng/hộ, lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo (3,3%/năm). Ông Nguyễn Minh Thanh, Giám đốc NHCSXH huyện Chi Lăng cho biết: Từ chính sách ưu đãi như vậy, nguồn vốn chương trình được ví như “cần câu” tạo sinh kế giúp các hộ nghèo khắc phục khó khăn, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Để thực hiện có hiệu quả chương trình, phòng giao dịch huyện đã phối hợp với các ngành, UBND các xã, thị trấn, các tổ chức hội nhận ủy thác tuyên truyền, đưa chính sách vốn đến người dân. Hằng năm, căn cứ danh sách các hộ đủ điều kiện vay vốn được bình xét từ cơ sở và chỉ tiêu được giao, đơn vị tiến hành giải ngân nhanh chóng, kịp thời tại các buổi giao dịch xã và định hướng, giúp đỡ người dân sử dụng vốn đúng mục đích.

Nhờ nỗ lực tuyên truyền, giải ngân, đến nay, NHCSXH huyện cho vay với dư nợ chương trình đạt trên 9,5 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch được giao đối với chương trình này. So với các huyện khác trong toàn tỉnh, Chi Lăng là đơn vị giải ngân cho vay nhanh, đúng kế hoạch và sử dụng vốn có hiệu quả. Hiện nay, toàn huyện có 171 hộ DTTS nghèo đang vay vốn chương trình, các hộ sử dụng vốn vào  mục đích như: tạo đất sản xuất 8 hộ, số tiền 340 triệu đồng; chuyển đổi nghề 38 hộ, số tiền trên 1,8 tỷ đồng; 125 hộ sản xuất kinh doanh với số tiền trên 7 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Tin, Chủ tịch UBND xã Hữu Kiên cho biết: Hữu Kiên là xã vùng 3 của huyện, thời gian qua, nhờ chương trình cho vay hộ DTTS, trên địa bàn xã đã có 45 hộ nghèo được vay vốn với tổng dư nợ trên 2,4 tỷ đồng. Các hộ sử dụng vốn vay chủ yếu để chăn nuôi ngựa bạch sinh sản, từ đó, tạo động lực giúp họ vươn lên thoát nghèo, góp phần thiết thực trong thực hiện công tác giảm nghèo của xã.

Hiệu quả của nguồn vốn đã giúp người dân xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Trong đó, nhiều hộ vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất của gia đình, đã có nguồn thu nhập ổn định. Đến nay, các hộ vay vốn đã đầu tư trồng được trên 300 ha rừng thông, keo, bạch đàn; trồng cây ăn quả như na, táo, cam được trên 3.000 cây; chăn nuôi gia súc như trâu, bò, ngựa được gần 200 con.

Ông Nguyễn Minh Thanh, Giám đốc NHCSXH huyện Chi Lăng cho biết thêm: Đây là chương trình có tính nhân văn sâu sắc, góp phần giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 13,71% (năm 2018) xuống còn 9,77% (năm 2019). Thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường phối hợp với các tổ chức hội, các tổ tiết kiệm và vay vốn kiểm tra, đôn đốc và giúp đỡ các hộ vay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sử dụng vốn, để nguồn vốn phát huy hiệu quả.

KIM HUYÊN