Thứ sáu,  20/09/2024

Hội Nông dân huyện Bình Gia: Giúp hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

(LSO) – Những năm qua, Hội Nông dân (HND) huyện Bình Gia đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Nhờ đó, góp phần nâng cao đời sống cho hội viên, nông dân.

Trước đây, thu nhập của gia đình anh Triệu Văn Cao, thôn Kéo Coong, xã Tân Văn chủ yếu dựa vào việc trồng ngô, hiệu quả kinh tế thấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Anh Cao cho biết: Được tuyên truyền về chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, năm 2016, gia đình tôi mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng ngô sang trồng chè. Do áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên cây chè phát triển rất tốt, trung bình mỗi năm cho gia đình thu nhập hơn 100 triệu đồng, gấp nhiều lần so với trồng ngô. Nhờ đó, đời sống gia đình tôi ổn định hơn.

Cũng như anh Cao, ông Nông Văn Thắng, thôn Khuổi Kiếc, xã Thiện Long đã quyết định trồng khoai môn xen canh trên diện tích 1,5 ha quế. Ông Thắng cho biết: Được HND xã tuyên truyền, vận động và nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng khoai môn ở các hộ đã trồng trước nên tôi đã trồng xen giống cây này từ đầu năm 2019. Mô hình khá hiệu quả, đem lại thu nhập khoảng 120 triệu đồng/năm.

Hội viên, nông dân xã Hồng Thái, huyện Bình Gia phát triển kinh tế từ mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo

Đây chỉ là 2 trong nhiều hộ hội viên, nông dân ở huyện Bình Gia đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sau khi được các cấp HND tuyên truyền, vận động. Theo HND huyện, trên địa bàn đã có nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu kinh tế tiêu biểu của nông dân như: trồng cây ăn quả có múi (bưởi, cam, quýt), trồng rau bò khai tại xã Tân Văn; chăn nuôi bò nhốt chuồng tại xã Hồng Thái, Tân Văn; nuôi ốc ruộng, ốc nhồi, nuôi bò 3B tại xã Thiện Long… Bà Hoàng Thị Anh, Chủ tịch HND huyện Bình Gia cho biết: Xác định chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm nên những năm qua, các cấp HND của huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi dựa trên điều kiện  thực tế và tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương. Từ việc thực hiện hiệu quả các mô hình kinh tế, đời sống của hội viên, nông dân ngày càng ổn định. Hết năm 2019, toàn huyện có 820 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hiện còn 7,03%  (giảm 4,12% so với năm 2015).

Nhằm giúp hội viên, nông dân được tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, các cấp HND trên địa bàn đã chủ động phối hợp với đơn vị liên quan đẩy mạnh tập huấn, hướng dẫn khoa học, kỹ thuật đến hội viên. Riêng 10 tháng năm 2020, các cấp HND trong huyện đã phối hợp tổ chức gần 70 cuộc tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng; chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi; cách sử dụng phân bón theo phương pháp mới… cho gần 4.000 lượt hội viên, nông dân. Một số cơ sở hội còn cử hội viên, nông dân tham gia học tập kinh nghiệm sản xuất từ các mô hình sản xuất hiệu quả trong thực tế. Đơn cử từ đầu năm 2020 đến nay, HND xã Thiện Long đã tổ chức cho 17 hội viên học tập kinh nghiệm chăn nuôi bò 3B tại các tỉnh: Bắc Giang, Thái Nguyên. Qua học tập kinh nghiệm, ở xã đã có 5 hội viên mạnh dạn đầu tư 26 con bò 3B trị giá gần 800 triệu đồng vào phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, UBND xã Thiện Long cũng hỗ trợ các hộ nông dân đầu tư chăn nuôi 14 con bò 3B; hỗ trợ xây dựng Hợp tác xã nuôi bò lai 3B trên địa bàn…

Với sự tích cực tuyên truyền chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong thời gian qua, đời sống của hội viên, nông dân ở Bình Gia đã có nhiều thay đổi, đồng thời vai trò của các cấp HND trên địa bàn huyện cũng được phát huy. So với các huyện, thành phố trong tỉnh thì với điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn (huyện nghèo 30a), địa bàn ở vùng sâu, vùng xa thì kết quả này là một thành công bước đầu, đáng được ghi nhận trong chuyển đổi mô hình sản xuất ở huyện Bình Gia.

Thời gian qua, các cấp HND trong huyện còn tạo điều kiện hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận với các nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Cụ thể, hiện nay, HND huyện đang quản lý 4 dự án từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh với tổng số tiền gần 1,8 tỷ, đồng hỗ trợ  43 hộ thực hiện; 2 dự án chăn nuôi từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương với tổng số tiền gần 600 triệu đồng, hỗ trợ 19 hộ thực hiện…
LƯƠNG THẢO