Thứ sáu,  20/09/2024

Sản xuất khoai tây vụ đông: Tín hiệu vui trước thời vụ

(LSO) – Chỉ còn khoảng nửa tháng nữa, nhà nông trên địa bàn tỉnh sẽ bước vào sản xuất khoai tây vụ đông. Đây là một trong những cây trồng chủ lực trong vụ đông và hiện nay đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung như: Lộc Bình, Cao Lộc, Chi Lăng, Tràng Định… Điểm đáng mừng trong vụ này là các doanh nghiệp đã rất chủ động liên kết sản xuất với người dân. Mặc dù chưa sản xuất, nhưng thời điểm này, các doanh nghiệp đã triển khai liên kết, bao tiêu sản phẩm với diện tích trên 200 ha.

Khoảng 10 ngày nữa mới đến thời điểm thu hoạch lúa mùa nhưng thời điểm này, các thành viên Hợp tác xã (HTX) Hồng Hạnh, thôn Liên Hòa, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc đã hoàn tất việc khơi rãnh thoát nước mặt ruộng để ngay khi thu hoạch lúa xong là có thể làm đất trồng khoai tây vụ đông.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phẩn Đại Nguyễn kiểm tra khoai tây giống tại kho bảo quản, chuẩn bị cung ứng cho người dân

Ông Nguyễn Văn Huân, Giám đốc HTX Hồng Hạnh cho biết: Mọi năm, trên cánh đồng xã Liên Hòa, người dân chỉ canh tác vụ xuân và vụ mùa, bỏ trống vụ đông. Năm nay, chúng tôi ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp sản xuất khoai tây theo phương thức: doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư, chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất, ngay sau khi thu hoạch xong lúa mùa, chúng tôi sẽ triển khai trồng 10 ha khoai tây.

Theo thống kê, vụ đông năm trước, huyện Cao Lộc trồng trên 50 ha khoai tây, trong đó, diện tích liên kết sản xuất với doanh nghiệp khoảng 20 ha. Ông Nguyễn Văn Hanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Liên kết sản xuất có ký kết hợp đồng, doanh nghiệp cam kết thu mua sản phẩm với giá bằng hoặc cao hơn thị trường, tạo sự yên tâm cho người sản xuất. Vụ khoai tây đông sắp tới, Công ty Cổ phần Đại Nguyễn (thành phố Lạng Sơn) đã liên kết với các HTX trên địa bàn huyện triển khai chương trình liên kết sản xuất với người dân. Dự kiến diện tích trồng khoai tây năm nay trên địa bàn sẽ tăng so với năm trước.

Những ngày này, ông Nguyễn Ngọc Khương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần Đại Nguyễn tất bật với việc triển khai cung ứng giống khoai tây, tổ chức tập huấn cho người dân các xã về kỹ thuật trồng, chăm sóc và  ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Ông Khương cho biết: Vụ khoai tây năm trước, công ty liên kết sản xuất khoai tây trên địa bàn 6 huyện của tỉnh với diện tích 150 ha, giá thu mua bình quân cả vụ khoảng 10.000 đồng/kg. Vụ đông năm nay, công ty tiếp mở rộng diện tích liên kết sản xuất, đến thời điểm này, đã liên kết với người dân và HTX trên địa bàn 7 huyện với diện tích gần 200 ha.

Vụ đông năm trước, toàn huyện Chi Lăng trồng khoảng 100 ha khoai tây, 1/3 trong số đó có liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chi Lăng cho biết: Vụ đông 2017 – 2018, khoai tây Chi Lăng được mùa nhưng lại rớt giá, nhiều tổ chức, đoàn thể đã phải vào cuộc “giải cứu” khoai tây để hỗ trợ bà còn. Đó là bài học về thiếu liên kết trong sản xuất. Vụ đông năm ngoái, có doanh nghiệp liên kết, giá thu mua cao và ổn định khiến người dân yên tâm hơn rất nhiều. Năm nay, dự kiến toàn huyện trồng khoảng 150 ha, trong đó, Công ty Cổ phần Đại Nguyễn đã liên kết sản xuất đối với một số diện tích, chúng tôi cũng đang kết nối để mở rộng các mối liên kết này.

Bà Nguyễn Thị Huế, Phụ trách Phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Theo tổng hợp sơ bộ, hiện nay, có 3 doanh nghiệp đang triển khai liên kết sản xuất khoai tây tại các huyện trên địa bàn tỉnh với diện tích trên 200 ha, chiếm gần 1/2 kế hoạch sản xuất khoai tây vụ đông năm nay. Đây là tiền đề để nhà nông yên tâm sản xuất, mở rộng diện tích cây khoai tây nói riêng và diện tích vụ đông nói chung.

Khoai tây là một trong những cây trồng chủ lực của vụ đông trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để có thể nâng cao giá trị, tạo sự bền vững trong sản xuất, việc hình thành các mối liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nông là rất cần thiết. Chưa đến thời vụ sản xuất nhưng những mối liên kết sản xuất đã và đang hình thành sẽ tạo động lực để nhà nông vững tin bắt tay vào vụ sản xuất mới.

“Chúng tôi cam kết bao tiêu sản phẩm với người dân có bảo lãnh của ngân hàng. Có nghĩa là nếu công ty dự kiến thu mua 1.000 tấn khoai tây với giá thấp nhất là 5.000 đồng/kg thì phải gửi vào ngân hàng số tiền tương đương. Nếu chúng tôi không thực hiện cam kết, số tiền đó vẫn là của những người sản xuất có liên kết với chúng tôi”.

Ông Nguyễn Ngọc Khương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đại Nguyễn

VŨ NHƯ PHONG