Thứ sáu,  20/09/2024

Y Tịch: Nâng cao thu nhập từ trồng cây ăn quả

(LSO) – Những năm gần đây, việc phát triển cây ăn quả là “chìa khóa” giúp nhiều hộ dân trên địa bàn xã Y Tịch, huyện Chi Lăng nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên hộ khá, giàu.

Cây ăn quả được trồng ở xã Y Tịch từ lâu. Tuy nhiên, từ năm 2014 trở lại đây, phong trào trồng cây ăn quả phát triển mạnh với các cây trồng mũi nhọn như: na, cam, bưởi… Từ cây ăn quả, việc thu nhập cả trăm triệu đồng không còn xa lạ với nhiều hộ dân nơi đây. Gia đình bà Lương Thị Đặng, thôn Giáp Thượng 2 là một ví dụ.

Trước đây, trên diện tích hơn 1 mẫu đất của mình, gia đình bà Lương Thị Đặng chủ yếu trồng ngô, lạc. Bà Đặng cho biết: Với những cây trồng đó, trừ chi phí mỗi năm gia đình chỉ thu về từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Năm 2014, sau khi đi tìm hiểu, học hỏi mô hình ở một số nơi, gia đình tôi đã chuyển đổi toàn bộ diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cam, bưởi. Đến nay, gia đình tôi đã có 400 cây bưởi, 350 cây cam cho thu hoạch, thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm. Ngoài ra, gia đình tôi trồng được hơn 3.300 cây na ở các khu vực đồi, núi đá, trong đó có hơn 2.300 cây đã cho thu hoạch. Khoảng 4 năm trở lại đây, tổng thu nhập từ cây ăn quả của gia đình đạt từ 300 đến 400 triệu đồng/năm.

Mô hình trồng bưởi của gia đình bà Lương Thị Đặng, thôn Giáp Thượng 2 cho hiệu quả kinh tế cao

Tương tự gia đình bà Đặng,  từ năm 2014 trở lại đây, gia đình anh Mai Thành Nội, thôn Thạch Lương, xã Y Tịch cũng  mạnh dạn chuyển đổi từ diện tích đất trồng cây ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng cam, bưởi, na. Đến nay, gia đình anh đã trồng được 1.000 cây cam Canh, 800 cây na, 100 cây bưởi Diễn… Thu nhập từ cây ăn quả của gia đình đạt từ 100 đến 200 triệu đồng/năm. Hiện nay, gia đình anh tiếp tục chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả khác sang trồng cam.

Phong trào xây dựng mô hình kinh tế từ cây ăn quả phát triển mạnh, trong những năm qua, nhiều hộ dân khác trên địa bàn xã Y Tịch đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, phát huy thế mạnh đất đai, khí hậu để tập trung phát triển cây ăn quả. Bên cạnh sự chủ động của người dân, xã Y Tịch cũng triển khai những giải pháp cụ thể để góp phần mở rộng diện tích, nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Linh Văn Bảo, Chủ tịch UBND xã Y Tịch cho biết: Nhận thấy hiệu quả từ cây ăn quả mang lại, từ xã đến thôn đã tổ chức tuyên truyền đến người dân. Đồng thời, UBND xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả công tác trồng, chăm sóc cây ăn quả. Từ năm 2014 đến nay, trung bình mỗi năm xã phối phợp tổ chức được từ 2 lớp tập huấn trở lên.

Đến nay, toàn xã Y Tịch có khoảng 475 ha cây ăn quả (trong đó, có khoảng 400 ha na, còn lại là cam, bưởi), tăng gần gấp đôi so với năm 2014; trên 90% hộ dân trong xã trồng cây ăn quả thương phẩm. Thu nhập từ cây ăn quả trên địa bàn xã đạt khoảng 50 tỷ đồng/năm, góp phần quan trọng vào việc nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân trong xã. Trong 5 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm xã giảm 3% tỷ lệ hộ nghèo và hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã chỉ còn hơn 5%; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 36 triệu đồng/người/năm, tăng 30% so với năm 2016.

NGUYỄN VĂN PHÚC