Thứ sáu,  20/09/2024

Hiệu quả xã hội hóa trồng rừng

(LSO) – Trong những năm gần đây, công tác phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đạt kết quả rất tích cực, trong đó, xã hội hóa trồng rừng được triển khai hiệu quả. Qua đó, đã hình thành một số vùng rừng sản xuất tập trung, góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh về rừng, tăng thu nhập cho người dân.

Với lợi thế về đất đồi rừng, năm 2019, gia đình ông Hoàng Văn Hoa, thôn Đồng Heo, xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng đầu tư mở rộng diện tích trồng cây lâm nghiệp. Ông Hoa cho biết: Năm 2010, được hỗ trợ vốn trồng rừng sản xuất, gia đình đã trồng hơn 1 ha keo, sau 7 năm được khai thác gỗ, gia đình thu được hơn 80 triệu đồng. Thấy trồng rừng mang lại hiệu quả cao, sau khi khai thác gỗ, tôi tiếp tục trồng thêm lứa mới, cây sinh trưởng phát triển tốt. Đến năm 2019, gia đình tiếp tục sử dụng quỹ đất lâm nghiệp còn lại trồng thêm 1 ha bạch đàn.

Người dân thôn Đồng Tiến, xã Hòa Sơn, huyện Hữu Lũng chăm sóc rừng

Không chỉ người dân xã Đồng Tân, tại các xã như: Hòa Sơn, Quyết Thắng, Hòa Bình… của huyện Hữu Lũng thì phong trào trồng rừng cũng  phát triển mạnh mẽ, người dân không còn trông chờ vào các dự án hỗ trợ mà đã tự đầu tư mở rộng diện tích trồng rừng. Ông Lương Văn Bính, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hữu Lũng cho biết: Xã hội hóa trồng rừng trên địa bàn huyện bắt đầu được thực hiện từ năm 2011. Hiện nay, công tác này đã được đẩy mạnh và phát triển. Năm 2020, toàn huyện đã trồng mới gần 1.700 ha rừng, vượt 10% kế hoạch năm. Trong đó, khoảng 1.530 ha rừng được trồng từ nguồn xã hội hóa (chiếm khoảng 80%). Công tác xã hội hóa trồng rừng đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện chỉ tiêu trồng rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp của huyện.

Cùng với huyện Hữu Lũng, phong trào xã hội hóa trồng rừng đã phát triển rộng khắp toàn tỉnh, tiêu biểu như các huyện: Chi Lăng, Đình Lập, Lộc Bình, Cao Lộc… Toàn tỉnh có diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp rất lớn (617.973,34 ha), chiếm 74,3% tổng diện tích tự nhiên. Hằng năm, chỉ tiêu trồng mới rừng trung bình của tỉnh là 9.000 ha. Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Nguồn vốn Trung ương hỗ trợ trồng rừng cho tỉnh mỗi năm rất ít, trung bình chỉ đáp ứng được khoảng 20%. Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu phát triển rừng, chi cục đã đề xuất Sở NN&PTNN tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố cân đối, bố trí kinh phí thuộc ngân sách huyện hỗ trợ cho các hộ dân trồng cây phân tán; chỉ đạo các huyện, thành phố đặc biệt quan tâm, chú trọng huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư bảo vệ và phát triển rừng.

Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích mọi thành phần kinh tế để bảo vệ và phát triển rừng. Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 29/2016/QĐ-UBND ngày 14/6/2016 về việc thực hiện Chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay trồng cây lâm nghiệp và cây ăn quả. Từ khi quyết định được ban hành đến nay,  cả tỉnh đã có 1.668 dự án là hộ gia đình được vay vốn tổng dư nợ 204.642 triệu đồng, trồng được gần 12.000 ha cây lâm nghiệp và 137 ha cây ăn quả… Đồng thời, các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền lồng ghép về phát triển rừng, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng rừng thông qua các hội nghị, cuộc họp được 668 cuộc với trên 45.000 người nghe. Cùng với đó, các huyện, xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển kinh tế rừng và hỗ trợ trồng rừng một phần từ ngân sách huyện.

Từ các giải pháp đồng bộ trên, từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh trồng mới được 9.000 ha rừng, đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đơn cử, năm 2020, toàn tỉnh đã trồng mới được hơn 9.900 ha, đạt 110,6% kế hoạch giao và bằng 102,4% so với năm 2019. Trong đó, trên 5.600 ha (chiếm 56,7%) rừng trồng mới từ nguồn xã hội hóa do các công ty, doanh nghiệp và người dân đầu tư. Trên địa bàn toàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như: vùng trồng thông (Lộc Bình, Cao Lộc, Đình Lập); vùng trồng keo, bạch đàn (Chi Lăng, Hữu Lũng); vùng hồi (Văn Quan, Bình Gia, Văn Lãng)… Diện tích đất có rừng tăng qua các năm (từ 419.049,7 ha năm 2011 lên 518.766,49 ha năm 2020). Độ che phủ rừng của tỉnh tăng từ 47,6% năm 2011 lên 63,0% năm 2020, góp phần bảo vệ tốt môi trường như: bảo vệ nguồn nước, đảm bảo nguồn sinh thủy cho các hồ đập, hạn chế lũ lụt, nhất là lũ quét, nguy cơ sạt lở đất.

Cùng với đó, phát triển rừng đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân. Trung bình, mỗi gia đình có thể thu từ 90 đến 110 triệu đồng/1 ha keo, bạch đàn sau chu kỳ trồng 7 năm, 50 đến 70 triệu đồng/1 ha rừng thông/1 năm khai thác nhựa…(nhiều hộ có từ 5 đến 7 ha rừng, thậm chí là trên 10 ha). Nhờ hiệu quả đó, công tác xã hội hóa trồng rừng ngày càng được Nhân dân, tổ chức doanh nghiệp, đơn vị hưởng ứng và phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh.

Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp năm 2020 đạt trên 4.122  tỷ đồng, tăng 3.000 tỷ đồng so với năm 2011; tỷ trọng sản xuất lâm nghiệp chiếm 43,9% trong nội ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
THÙY DUNG