Thứ sáu,  20/09/2024

Cơ sở sản xuất miến dong Hứa Thu: Nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến tiêu chuẩn OCOP

(LSO) – Những năm qua, Cơ sở sản xuất miến dong Hứa Thu, thôn Pàn Pẻn, xã Minh Khai, huyện Bình Gia luôn chú trọng liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua đó, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất, mục tiêu đưa sản phẩm trở thành sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) trong thời gian tới.

Những ngày cuối tháng 12/2020, chúng tôi có mặt tại xưởng sản xuất của Cơ sở sản xuất miến dong Hứa Thu trong lúc các công nhân đang tất bật thực hiện các công đoạn sản xuất. Hiện đang là mùa thu hoạch củ dong nên cơ sở luôn phải hoạt động hết công suất để đảm bảo tiến độ sản xuất và sản lượng miến phục vụ khách hàng, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán.

Ông Hứa Văn Thu, chủ Cơ sở sản xuất miến dong Hứa Thu kiểm tra sản phẩm trước khi bán

Ông Hứa Văn Thu, chủ cơ sở chia sẻ: “Năm 2006, tôi đi tham quan, học hỏi mô hình trồng cây dong riềng và quy trình sản xuất tinh bột từ củ dong tại tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Đến năm 2007, tôi liên kết với người dân trên địa bàn xã Minh Khai và một số xã lân cận trồng được hơn 14 tấn giống củ dong riềng, đến vụ thu hoạch, tôi bao tiêu sản phẩm cho bà con. Hằng năm, cơ sở cung cấp cho thị trường tỉnh Thái Nguyên, thành phố Hà Nội hàng trăm tấn tinh bột để sản xuất miến dong. Nhận thấy nguồn nguyên liệu dồi dào nên đến năm 2014, tôi nghiên cứu và bắt đầu sản xuất miến dong”.

Hiện nay, trung bình mỗi năm, cơ sở thu mua từ 300 đến 400 tấn củ dong, sản lượng chế biến miến từ 7 đến 8 tấn/năm (tăng gấp đôi so với năm 2014), với giá bán từ 60.000 đồng đến 65.000 đồng/kg, doanh thu đem lại gần 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm thời vụ cho 7 lao động.

Tuy nhiên, để có được thành công, cơ sở đã phải trải qua thời kỳ khó khăn. Có thời điểm ảnh hưởng bởi thời tiết, khí hậu, cây dong bị thoái hóa dẫn tới chất lượng thấp. Đặc biệt, những năm đầu chưa có kinh nghiệm nên những mẻ miến đầu tiên bị khách hàng từ chối vì chưa đạt chất lượng, thị trường tiêu thụ cũng khó khăn do sản phẩm còn mới. Ngoài ra, thời điểm đó, sản xuất chủ yếu bằng thủ công từ các khâu: rửa củ, sát củ, tráng miến… nên năng suất, chất lượng không đáp ứng được nhu cầu khách hàng.

Trước những khó khăn đó, ông Thu xác định, muốn phát triển nghề và tạo uy tín đối với khách hàng cần đổi mới cách làm. Ông tiếp tục đi học hỏi thêm kinh nghiệm tại các tỉnh khác và tự rút kinh nghiệm dần trong quá trình sản xuất. Hướng đến mục tiêu đưa sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, hiện nay, cơ sở đã đầu tư máy móc hiện đại để nâng cao hiệu quả sản xuất miến như: máy rửa củ, máy sát, máy ép miến, băng tải… Ngoài ra, ông Thu còn đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm miến dong của cơ sở, các thông tin về sản phẩm được in trên bao bì.

Nhờ chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, hiện chất lượng miến dong của cơ sở được nâng lên, miến giữ được độ mềm, dẻo, không nhũn, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng. Không chỉ tiêu thụ ở trong tỉnh, để mở rộng thị trường, cơ sở còn quảng cáo sản phẩm trên các trang mạng xã hội như: facebook, zalo, nhờ đó, hiện sản phẩm được bán ra các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh…  “Thời gian tới, tôi mong muốn sản phẩm ngày càng được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. Theo đó, tôi tiếp tục hoàn thiện sản phẩm theo các tiêu chuẩn của chương trình OCOP, từ đó, nâng cao giá trị sản phẩm, không chỉ góp phần tăng thu nhập cho cơ sở mà còn giúp bao tiêu củ dong cho bà con.” – ông Thu chia sẻ thêm.

Ông Hứa Ngọc Ánh, Chủ tịch UBND xã Minh Khai cho biết: Thời gian qua, Cơ sở sản xuất miến dong Hứa Thu hoạt động hiệu quả, thu mua toàn bộ củ dong mà bà con trồng được tại xã, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Hiện nay, xã lựa chọn sản phẩm miến dong của cơ sở tham gia chương trình OCOP và đang hoàn thiện hồ sơ. Thời gian tới, UBND xã sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và phấn đấu trong năm 2021 tuyên truyền, vận động cơ sở thành lập hợp tác xã để hỗ trợ, giúp cơ sở mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

HIỂU LAM