Thứ sáu,  20/09/2024

Cao Lộc: Hiệu quả từ xã hội hóa hoạt động thu gom, xử lý rác thải

(LSO) – Để góp phần bảo vệ môi trường, từ năm 2010, một số xã, thị trấn của huyện Cao Lộc đã vận động người dân đóng góp kinh phí và hợp đồng với các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Sau hơn 10 năm triển khai, việc thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, xây dựng nông thôn mới.

Cao Lộc là huyện có phần lớn diện tích tiếp giáp thành phố Lạng Sơn, là một trong những huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh. Khi kinh tế – xã hội phát triển nhanh, lượng rác thải phát sinh cũng ngày càng lớn. Cùng đó, tình trạng xả rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường diễn ra khá phổ biến do nhận thức của người dân còn hạn chế.

Để giải quyết vấn đề trên, từ năm 2010, một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện Cao Lộc đã hợp đồng với các đơn vị thu gom rác thải. Theo đó, các xã đã vận động Nhân dân đóng phí vệ sinh môi trường để đảm bảo kinh phí cho hoạt động thu gom rác.

Hợp tác xã dịch vụ môi trường Thành Lộc thu gom rác tại xã Gia Cát, huyện Cao Lộc

Khi mới triển khai, nhiều gia đình vốn đã có thói quen xả rác ra đường hoặc chôn lấp, thì việc trả phí để xử lý rác là khó chấp nhận mặc dù chi phí rất nhỏ (8.000 đồng/tháng/người đối với thị trấn, 6.000 đồng đối với khu vực nông thôn). Điều này khiến công tác thu gom rác gặp không ít khó khăn. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền các xã đã tích cực, đẩy mạnh tuyên truyền. Đồng thời, các hội, đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội tại các xã đã chỉ đạo các chi hội tiếp quản các đoạn đường tự quản, xây dựng các mô hình như: “Hội phụ nữ xách làn đi chợ”; “5 không 3 sạch”; “phân loại rác tại nhà”; ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường thôn, xóm… Qua đó, ngày càng nhiều người dân hiểu về tầm quan trọng của phân loại, thu gom rác thải.

Cùng đó, các đơn vị thu gom cũng đã tích cực phối hợp, xây dựng kế hoạch nhằm giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Đơn cử như tại Hợp tác xã Đồng Tâm (thị trấn Đồng Đăng). Anh Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Trước đây, mặc dù đơn vị đã bố trí thùng rác nhưng người dân thường không bỏ rác đúng chỗ. Cùng đó, nhiều hộ chưa đồng ý đóng phí dịch vụ. Để khắc phục, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền các xã đến từng khu, thôn tuyên truyền 6 – 7 lần/tuần. Đồng thời, đầu tư lắp đặt loa tuyên truyền lưu động gắn với xe thu gom rác. Nhờ đó, ý thức của người dân chuyển biến rõ nét.

Ông Đặng Duy Hậu, người dân thôn Liên Hòa, xã Gia Cát cho biết: Khác với trước đây, tiện đâu đổ đấy, hiện nay, các gia đình trong thôn đều ý thức đổ rác đúng nơi quy định. Nhờ đó, môi trường được cải thiện, không còn tình trạng túi nilon, nước thải được xả ra ven đường, ven chợ nữa. Mọi người cũng tự nguyện đóng phí vệ sinh môi trường.

Sau hơn 10 năm triển khai, đến nay, toàn huyện Cao Lộc đã có 9/23 xã, thị trấn hợp đồng với các đơn vị vệ sinh môi trường thực hiện công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải và vệ sinh môi trường. Tỷ lệ thu gom rác tại trung tâm các xã, thị trấn đạt 98%, gấp 3 lần so với giai đoạn trước năm 2010. Hiện trên địa bàn huyện có 3 đơn vị hợp đồng thu gom rác với các xã, thị trấn. Trung bình các đơn vị thu gom, xử lý trên 42 tấn rác thải các loại/ngày. Nhờ đó, tình trạng vứt rác bừa bãi tại các khu vực công cộng, sông, suối… giảm mạnh.

Bà Hoàng Hải Yến, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cao Lộc cho biết: Để thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường, phòng sẽ tiếp tục yêu cầu các đơn vị thu gom rác trên địa bàn thực hiện đúng quy định; hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phân loại, xử lý rác tại nhà. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các đơn vị, UBND các xã, thị trấn triển khai các hoạt động, phong trào bảo vệ môi trường.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 17 về môi trường là một trong số các tiêu chí khó thực hiện và khó duy trì. Vì vậy, việc xã hội hóa, huy động nguồn lực từ Nhân dân để thực hiện thu gom rác thải trên địa bàn huyện Cao Lộc là một trong những giải pháp quan trọng để đảm bảo thực hiện tốt tiêu chí này.

GIA KHÁNH