Thứ sáu,  20/09/2024

Đình Lập: Tập trung hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế

(LSO) – Để giảm nghèo nhanh, bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn huyện Đình Lập đã tập trung hỗ trợ  phát triển các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả.

Những ngày đầu tháng 3/2021, chúng tôi có dịp đến tham quan mô hình trồng măng tây trong nhà lưới với hệ thống tưới nước tự động được đầu tư bài bản của hộ anh Đặng Văn Cương, thôn Kim Quán, xã Đình Lập. Anh Cương cho biết: Nhận thấy cây măng tây trên thị trường có giá khá cao, đầu năm 2016, tôi đã tìm hiểu và trồng thử nghiệm gần 3 sào. Sau một năm chăm sóc, gia đình tôi thu hoạch lứa đầu tiên. Với giá bán 80.000 đến 100.000 đồng/kg, gia đình có thu nhập  gần 100 triệu đồng/năm từ măng tây.

Người dân xã Đình Lập, huyện Đình Lập chăm sóc vườn măng tây

Thấy trồng măng tây có hiệu quả, anh Cương đã mở rộng diện tích trồng thêm gần 8 sào. Năm 2019, anh tiếp tục đầu tư hệ thống nhà màng, tưới nước tự động. Trong quá trình triển khai mô hình, gia đình anh được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện (NN&PTNT) hướng dẫn xây dựng dự án vay vốn 700 triệu đồng để xây dựng nhà lưới và mở rộng mô hình theo Nghị quyết số 08 ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025. Kết quả, trong năm 2020, từ 8 sào măng tây, gia đình anh Cương có thu nhập trên 300 triệu đồng.

Còn tại thôn Đồng Nhất, xã Cường Lợi, gia đình bà Bế Thị Thu Hiền lại có thu nhập cao từ mô hình nuôi gà. Bà Hiền cho biết: Trước đây, gia đình tôi nuôi gà với quy mô nhỏ, hiệu quả chưa cao. Tháng 6/2020, tại xã có chương trình hỗ trợ giống gà Tiên Yên từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất chương trình xây dựng nông thôn mới, tôi đã đăng ký thực hiện mô hình với quy mô 5.000 con và tự đầu tư hơn 400 triệu đồng xây dựng chuồng trại. Sau 6 tháng chăm sóc, gia đình tôi xuất bán 3.500 con với giá từ 120.000 đến 140.000 đồng/kg, thu nhập gần 1 tỷ đồng. Có vốn, tôi tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại để tăng đàn.

Trên đây chỉ là 2 trong nhiều mô hình sản xuất hiệu quả trên địa bàn huyện Đình Lập. Từ năm 2016 đến nay, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với chính quyền cơ sở hỗ trợ xây dựng và phát triển được nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả như: mô hình chăn nuôi trâu, bò bán chăn thả quy mô hơn 3.300 con, mô hình chăn nuôi gà, vịt 26.000 con xã Cường Lợi; mô hình trồng ba kích, sa nhân diện tích 276 ha tại xã Kiên Mộc và xã Bắc Lãng; mô hình trồng chè ở xã Lâm Ca và thị trấn Nông trường Thái Bình…

Để xây dựng các mô hình kinh tế trên, cơ quan chuyên môn của huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấy cây trồng, vật nuôi; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân. Tính riêng trong năm 2020, cơ quan chuyên môn của huyện đã tổ chức 30 lớp tập huấn lồng ghép về phát triển mô hình kinh tế cho hơn 1.000 người. Riêng cấp xã, các khuyến nông viên đã tổ chức 118 cuộc tuyên truyền các nội dung trồng trọt, chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho 3.635 lượt người.

Đặc biệt, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn lựa chọn các mô hình sản xuất có tiềm năng mở rộng và phát triển, cho hiệu quả kinh tế cao để hỗ trợ phát triển sản xuất. Đơn cử, năm 2020, huyện đã phân bổ 4,6 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất chương trình xây dựng nông thôn mới hỗ trợ xây dựng và mở rộng sản xuất cho 8 mô hình (chăn nuôi gà, bò vỗ béo, trồng cây măng tây, trồng ba kích, sa nhân) tại các xã: Cường Lợi, Kiên Mộc, Bính Xá, Bắc Xa, Đình Lập, Thái Bình.

Bà Nông Thị Yến Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đình Lập cho biết: Hiện nay, toàn huyện có khoảng 20 mô hình phát triển sản xuất hiệu quả với thu nhập trung bình từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Năm 2021, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho UBND huyện định hướng mở rộng diện tích trồng ba kích, sa nhân; phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại; xây dựng chuỗi liên kết cho 4 sản phẩm: chè, nhựa thông, chế biến gỗ và gia cầm. Đặc biệt, chúng tôi đang thực hiện hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) đối với các sản phẩm: măng tây, chè Ngọc Thúy và gà Đình Lập nhằm quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Tập trung phát triển các mô hình kinh tế là bước đi quan trọng, giúp nâng cao đời sống người dân trên địa bàn huyện. Minh chứng là hiện nay, thu nhập bình quân trên địa bàn huyện Đình Lập đạt 35,86 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 41,94% (năm 2015) xuống còn 12,26 % (năm 2020).

HỒ DUNG