Ảnh minh họa 

 

Thực tế, trong bối cảnh việc áp dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu chưa thể triển khai đồng bộ trong phạm vi cả nước, Tổng cục Thuế cho rằng các cơ quan Thuế cần có những biện pháp phù hợp với điều kiện thực tế nhằm tăng cường giám sát, hạn chế gian lận đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý xăng dầu trên phạm vi cả nước trong điều kiện hiện nay, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tăng cường công tác quản lý hoạt động và kê khai, chấp hành nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, chất kích Ron.

Đồng thời tiếp tục triển khai hiệu quả giải pháp dán tem niêm phong đối với đồng hồ (công tơ) tổng trên các phương tiện đo xăng dầu của các cơ sở kinh doanh xăng dầu.

Tổng cục Thuế sẽ xem xét việc thực hiện báo cáo giải pháp dán tem niêm phong đối với đồng hồ tổng trên các phương tiện đo xăng dầu của các cơ sở kinh doanh xăng dầu từ năm 2021 là một trong những tiêu chí để đánh giá thi đua năm đối với cục trưởng cục thuế và tập thể cục thuế.

Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các cục thuế phải thực hiện báo cáo việc triển khai hóa đơn điện tử đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn: số lượng doanh nghiệp đã áp dụng hóa đơn điện tử/tổng số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; số lượng hóa đơn (bao gồm cả hóa đơn điện tử, hóa đơn giấy) sử dụng trong năm 2020 và dự kiến số lượng hóa đơn các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sử dụng giai đoạn 2021-2025 theo từng năm nếu triển khai hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ (các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải xuất hóa đơn cho từng giao dịch bán hàng), số liệu chi tiết theo từng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.

Đặc biệt, toàn ngành Thuế thời gian tới sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, động viên khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sớm triển khai áp dụng hóa đơn điện tử trước thời điểm quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14./.