Thứ sáu,  20/09/2024

Chi Lăng: Cần chủ động tìm hướng tiêu thụ ớt vụ xuân năm 2021

– Diện tích trồng ớt vụ xuân năm 2021 của huyện Chi Lăng đạt hơn 510 ha, tăng hơn 100 ha so với vụ xuân năm 2020, sản lượng dự ước sẽ đạt khoảng 6,5 nghìn tấn. Diện tích và sản lượng tăng cao nhưng các hộ trồng ớt trên địa bàn huyện hầu như chưa có sự liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp. Việc không chủ động đầu ra sẽ khiến người trồng ớt đứng trước nguy cơ “được mùa – mất giá”.

Do giá ớt năm 2020 giảm mạnh (chỉ từ 10 – 15 đồng/kg) nên diện tích trồng ớt vụ đông năm 2021 của huyện Chi Lăng chỉ vào khoảng 350 ha, sản lượng đạt trên 4 nghìn tấn. Nhưng giá thu mua ớt vụ đông lại khá cao, từ 70 đến 80 nghìn đồng/kg. Với hiệu ứng đó, ngay sau vụ đông, bà con trên địa bàn huyện đã tăng diện tích trồng ớt vụ xuân.

Bà con nông dân trên địa bàn thị trấn Đồng Mỏ hái ớt chín sớm

Một trong những lý do khác khiến bà con nông dân tại huyện Chi Lăng tăng diện tích trồng ớt vụ xuân là do có thông tin, năm nay, Trung Quốc sẽ nhập ớt với số lượng lớn. Bà Vi Thị Lương, thôn Than Muội, thị trấn Đồng Mỏ cho biết: Qua thông tin từ các tư thương thu mua ớt trong vụ đông vừa qua, thời gian tới, nhu cầu nhập ớt từ phía doanh nghiệp của Trung Quốc còn nhiều hơn nữa, do vậy, gia đình tôi đã tăng diện tích trồng ớt lên 6 sào (tăng gấp 2 lần so với vụ trước).

Không chỉ hộ bà Lương mà hầu hết các hộ trồng ớt trên địa bàn huyện Chi Lăng đều tin tưởng vào “nguồn tin” từ các tư thương, nên đã tăng diện tích trồng ớt. Tuy vậy, tìm hiểu qua một số đại lý chuyên thu mua nông sản trên địa bàn huyện thì họ đều cho rằng thông tin Trung Quốc tăng lượng nhập khẩu ớt là không có cơ sở. Bà Nguyễn Thị Duyên, chủ đại lý thu mua nông sản tại thị trấn Chi Lăng cho biết: Mặc dù giá ớt vào thời điểm đầu năm 2021 (vụ đông) có tăng, nhưng theo kinh nghiệm từng thu mua nhiều loại nông sản thì ớt là loại nông sản có giá cả thu mua rất thất thường. Vì vậy, bà con không nên “tin” vào những nguồn tin như vậy.

Thực tế, giá ớt trong khoảng 3 năm qua cho thấy rất rõ sự thất thường. Cụ thể như giá ớt vụ xuân năm 2019, các tư thương thu mua tại ruộng có thời điểm lên đến 100 nghìn đồng/kg, nhưng năm 2020 thì lại giảm xuống còn từ 10 đến 15 nghìn đồng/kg, có thời điểm giảm xuống chỉ còn 8 nghìn đồng/kg.

Những năm qua, khoàng 80% sản lượng ớt của huyện Chi Lăng phụ thuộc các tư thương thu mua tự do. Chính vì thế mà người trồng ớt luôn gặp phải tình huống “được mùa thì bị ép giá”. Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng cho biết: Hầu hết các hộ trồng ớt trên địa bàn huyện đều tự liên hệ với thương lái khi vào vụ thu hoạch chứ không có sự liên kết nào với các doanh nghiệp.

Ông Vi Nông Trường, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Còn khoảng 20 ngày nữa sẽ đến thời điểm thu hoạch ớt vụ xuân, để hỗ trợ người dân, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tham mưu, xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua nông sản trên địa bàn huyện cũng như tại các địa phương khác để bàn các phương án thu mua ớt cho bà con nông dân. Từ đó, giúp tìm hướng tiêu thụ ổn định cho sản phẩm ớt, góp phần giúp bà con nông dân không bị “ép giá”.

Chính quyền và phòng chuyên môn đã và đang có những giải pháp hỗ trợ người nông dân để có thể tránh những thiệt hại. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tức thời, còn về lâu dài thì cần có những định hướng cụ thể cho bà con ngay từ đầu vụ để tránh tình trạng được giá thì ồ ạt trồng, khi sản lượng tăng cao nông sản lại rớt giá.

Tại kỳ họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 3 vừa qua (18/3/2021), báo cáo về thực trạng này, ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hiện phần lớn các hộ trồng ớt trên địa bàn tỉnh vẫn sản xuất theo tư duy “mạnh ai nấy trồng”, không theo kế hoạch hay có hợp đồng với các doanh nghiệp, đến khi thu hoạch thương lái không mua thì bà con thiệt hại rất nặng nề. Do vậy, để giúp tìm đầu ra ổn định cho bà con trồng ớt, sở đã xây dựng kế hoạch làm việc với các huyện có diện tích trồng ớt lớn, để triển khai chương trình xúc tiến tìm đối tác, ký kết với một số doanh nghiệp lớn thực hiện bao tiêu sản phẩm ớt, qua đó giúp tạo sự ổn định về giá ớt vụ xuân này.
TRÍ DŨNG