Thứ năm,  19/09/2024

Gỡ khó cho doanh nghiệp: Hiệu quả từ công tác đối thoại

– Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) phát triển, thời gian qua, các sở, ngành, các huyện, thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, đối thoại là một trong những giải pháp hiệu quả để nắm bắt và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN.

Tính đến tháng 4/2021, toàn tỉnh có hơn 3.300 DN, với tổng số vốn đăng ký trên 28.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp hoạt động đa dạng ngành nghề, lĩnh vực, tạo việc làm cho gần 60.000 lao động trên địa bàn…

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các DN vẫn gặp phải những khó khăn, vướng mắc trong các lĩnh vực như: giải phóng mặt bằng (GPMB), đất đai, tín dụng, những vấn đề liên quan đến môi trường, lao động… Để kịp thời nắm bắt, hỗ trợ DN tháo gỡ những khó khăn này, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, chú trọng thực hiện công tác đối thoại.

Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư huyện Cao Lộc năm 2021

Huyện Bắc Sơn là một trong những đơn vị điển hình trong thực hiện đối thoại với DN, hợp tác xã. Ông Nguyễn Ngọc Thiều, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Việc tổ chức đối thoại là một trong những kênh nắm bắt thông tin, lắng nghe, từ đó có các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN. Thông qua hoạt động đối thoại, trong năm 2020 và 2021, UBND huyện đã giải quyết thoả đáng 77 kiến nghị của các DN trên địa bàn.

Không riêng huyện Bắc Sơn, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, từ đầu năm 2020 đến nay, các cấp, ngành của tỉnh đã tổ chức 20 hội nghị đối thoại cùng DN. Trong đó, UBND tỉnh tổ chức 2 cuộc; 11 huyện, thành phố mỗi địa phương tổ chức 1 cuộc; các sở, ngành tuỳ theo tính chất, chức năng, nhiệm vụ tổ chức từ 1 đến 2 cuộc.

Nhờ sự lắng nghe, đồng hành thông qua đối thoại, việc tháo gỡ khó khăn cho DN trong thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, từ đầu năm 2020 đến nay, các sở, ngành chức năng đã tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng đối với 55 lượt dự án; giải quyết 26 kiến nghị của DN liên quan đến thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai; tháo gỡ khó khăn về vốn, giãn, giảm lãi suất cho 199 doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch bệnh covid – 19; giải quyết dứt điểm 10 kiến nghị của DN và Hiệp hội Doanh nghiệp (HHDN) liên quan đến vấn đề tiền tệ, tín dụng, vốn, lãi suất…

Bước sang năm 2021, để tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN hiệu quả hơn nữa, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện việc đối thoại theo chuyên đề. Chỉ riêng trong tháng 4/2021, các đơn vị như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn, UBND thành phố Lạng Sơn, UBND huyện Cao Lộc… đã liên tiếp mở các hội nghị đối thoại chuyên đề với nhiều DN trên địa bàn tỉnh. Tại mỗi hội nghị ghi nhận từ 20 đến 40 ý kiến, kiến nghị của DN. Nhiều ý kiến của cộng đồng DN đã được các nhanh chóng giải quyết trong và sau cuộc đối thoại.

Đơn cử như đối với dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhà xưởng Phúc Khang thuộc Khu phi thuế quan (xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng), ông Đặng Văn Tùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Hữu Nghị Phúc Khang cho biết: Thông qua đối thoại, công ty đã được các sở, ngành, đặc biệt là UBND huyện Văn Lãng tích cực vào cuộc, hỗ trợ trong việc cắm mốc giới quy hoạch thực hiện, thu hồi đất, xác định nguồn gốc quy chủ các thửa đất để đẩy nhanh tiến độ kiểm đếm lập phương án bồi thường GPMB; chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn nhanh chóng giải quyết các TTHC, giúp chúng tôi rút ngắn được rất nhiều thời gian…

Không chỉ Công ty TNHH Đầu tư Hữu Nghị Phúc Khang, thông qua đối thoại nhiều khó khăn của các DN khác trên địa bàn tỉnh cũng đã được các sở, ngành giải quyết kịp thời. Ông Hồ Phi Dũng, Chủ tịch HHDN tỉnh cho biết: Thời gian qua, HHDN đã cùng các sở, ngành, các huyện, thành phố tổ chức song phương nhiều cuộc đối thoại thường kỳ và theo chuyên đề. Công tác đối thoại ngày càng hiệu quả và đi vào chiều sâu. Thông qua đối thoại, các khó khăn của DN được giải quyết nhanh chóng, kịp thời. Với vai trò là cầu nối giữa DN với chính quyền, thời gian tới, HHDN tỉnh  tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình của các doanh nghiệp hội viên, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các cấp, ngành giải pháp tháo gỡ thông qua các hội nghị đối thoại.

Tin rằng trong thời gian tới, sự đồng hành giữa chính quyền với cộng đồng DN sẽ có thêm những bước tiến mới, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút được thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Việc triển khai tốt công tác đối thoại trong thời gian qua đã góp phần quan trọng trong tháo gỡ khó khăn cho DN. Từ đó, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.500 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký trên 12.000 tỷ đồng; cộng đồng doanh nghiệp đã nộp ngân sách Nhà nước gần 2.500 tỷ đồng.

Tập trung giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp

– Trong thời gian qua, việc tiếp nhận và giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp (DN) thông qua đối thoại đã được các cấp, ngành, các huyện, thành phố thực hiện có hiệu quả. Qua đó, góp phần thúc đẩy DN phát triển, tạo được niềm tin và được cộng đồng DN đánh giá cao.

Ông Lê Trí Thức, Bí thư Huyện uỷ Cao Lộc: “Doanh nghiệp mạnh thì kinh tế phát triển”.

Trên địa bàn huyện có 454 DN, hợp tác xã đang hoạt động, đã và đang có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Chúng tôi xác định “DN mạnh thì kinh tế của huyện mới phát triển”, do đó, cấp uỷ, chính quyền huyện Cao Lộc luôn lắng nghe ý kiến của DN. Mỗi năm, huyện ghi nhận từ 30 đến 50 ý kiến, kiến nghị từ DN nêu những khó khăn, vướng mắc liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau trong quá hoạt động. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp nhận phân loại và tham mưu cho lãnh đạo huyện để giải quyết một cách nhanh chóng, với tinh thần hết lòng phục vụ doanh nghiệp, hợp tác xã và nhà đầu tư. Nhờ đó, giữa DN và chính quyền ngày càng có sự thấu hiểu, tin tưởng hơn, doanh nghiệp yên tâm gắn bó với huyện thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho Nhân dân.

Ông Bùi Văn Côi, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: “Siết kỷ cương kỷ luật đội ngũ cán bộ, công chức khi giải quyết công việc phục vụ DN”.

Lĩnh vực tài nguyên và môi trường luôn liên quan trực tiếp đến DN như các vấn đề về: mặt bằng, vệ sinh môi trường, khoáng sản… Do vậy, mỗi khi sở nhận được các thông tin, kiến nghị phản ánh của DN hoặc thông qua các cuộc đối thoại liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành, lãnh đạo sở luôn cầu thị, lắng nghe để xem xét trả lời, giải quyết các kiến nghị của DN đúng hạn và đúng thẩm quyền. Ngoài ra, sở hết sức lưu tâm đến phản hồi của DN về sự hài lòng đối với kết quả giải quyết sau tiếp nhận ý kiến kiến nghị của DN. Bên cạnh đó, sở cũng quán triệt đội ngũ cán bộ làm việc tại trung tâm hành chính công, bộ phận tiếp công dân, DN phải nêu cao tinh thần văn minh, kỷ luật, kỷ cương trong việc gặp gỡ giải quyết công việc của DN.

Ông Đinh Trọng Cảnh, Chi hội trưởng Chi hội DN môi trường, Hiệp hội DN tỉnh: “Nhiều niềm tin và kỳ vọng”.

Chi hội doanh nghiệp môi trường đi vào hoạt động từ tháng 4/2020, với 14 thành viên là các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực môi trường trên địa bàn tỉnh. Sau khi thành lập không lâu, chi hội đã được UBND tỉnh tạo điều kiện để tham gia các chương trình gặp gỡ, đối thoại để trao đổi những khó khăn, vướng mắc. Tất cả ý kiến, kiến nghị mà các hội viên nêu ra trong các hội nghị, đã được UBND tỉnh giao các cơ quan liên quan từng bước tháo gỡ, giải quyết. Chúng tôi cảm thấy tin tưởng và kỳ vọng trong thời gian tới, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương tiếp tục lắng nghe, đồng hành cùng các DN môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

CÔNG QUÂN - ĐẶNG DŨNG