Thứ sáu,  20/09/2024

Mát lành hương vị thạch đen

– Lạng Sơn là tỉnh trồng nhiều cây thạch đen nhất cả nước. Món thạch đen được chế biến từ cây thạch đen có hương vị mát lành, thơm ngon không chỉ được người dân Xứ Lạng mà còn nhiều du khách ưa thích khi mùa hè đến…

Trên địa bàn Lạng Sơn, cây thạch đen được trồng nhiều ở các huyện: Tràng Định, Bình Gia, Văn Lãng,… và được thu hái vào hai thời điểm trong năm: vụ xuân (tháng 2-3), vụ thu (tháng 7-8). Sau khi thu hái, cây thạch đen được phơi khô và bảo quản để có thể dùng trong năm. Từ xa xưa, thạch đen đã được đồng bào các dân tộc Xứ Lạng nấu và sử dụng tại gia đình như một món ăn vặt quen thuộc.  Sau này, một số gia đình có truyền thống nấu thạch lâu năm vẫn duy trì và bày bán tại chợ khi mùa hè đến. Hiện nay, quy trình sản xuất thạch đen đã được cải tiến với sự hỗ trợ của một số loại máy móc, thiết bị nhằm tiết kiệm thời gian và công sức của người làm thạch, đồng thời, đáp ứng nhu cầu sản xuất với số lượng lớn phục vụ việc mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm thạch đen Xứ Lạng.

Sản phẩm thạch đen sau khi hoàn thành tại cơ sở sản xuất thạch đen Hồng Nhung, thị trấn Thất Khê,
huyện Tràng Định

Nếu như thạch đen trước đây được bày bán tại các chợ theo hình thức tự phát, thạch đen được đựng trong những chiếc chậu lớn và cắt ra bán theo nhu cầu của người mua thì các sản phẩm thạch đen tại các cơ sở có chứng nhận OCOP hiện nay được đóng hộp một cách chuyên nghiệp. Theo đó, mỗi hộp có trọng lượng cụ thể với đầy đủ nhãn mác, giá bán trung bình từ 20.000 đến 35.000 đồng/hội tùy trọng lượng.

Những năm gần đây, thạch đen là sản phẩm không thể thiếu tại các gian hàng trưng bày sản vật, đặc sản địa phương của các huyện: Tràng Định, Văn Lãng. Ông Chu Việt Hà, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tràng Định cho biết: Những năm qua, sản phẩm thạch đen thường xuyên được sử dụng làm quà, món ăn giải khát trong giờ giải lao tại các hội nghị lớn trên địa bàn huyện và được nhiều đại biểu ưa thích. Nếu có đại biểu, khách mời nào muốn tham quan quy trình sản xuất thạch đen, chúng tôi cũng sắp xếp bố trí đưa đại biểu, khách mời đến các cơ sở sản xuất để trải nghiệm.

Tính đến hết tháng 4/2021, trên địa bàn tỉnh có 3 cơ sở hộ gia đình sản xuất thạch đen được cấp giấy chứng nhận OCOP của tỉnh. Cụ thể gồm: Thạch Chu Hạnh (thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng), Thạch đen Bình Gia (xã Tân Văn, huyện Bình Gia), Thạch đen Hồng Nhung (thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định).

Chúng tôi có dịp đến thăm và trải nghiệm quy trình làm thạch tại cơ sở của chị Chu Thị Hạnh (thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng). Chị Hạnh cho biết: Tôi nhận thấy nhiều năm qua, quy trình làm thạch tại gia đình rất vất vả, mất nhiều thời gian và công sức. Từ đó, tôi đã tìm hiểu và dựa trên kinh nghiệm, kiến thức của mình để đặt các cơ sở cơ khí làm các loại nồi nấu, trang thiết bị và đầu tư các loại máy móc phù hợp để sử dụng trong quy trình sản xuất thạch.

 Còn tại cơ sở thạch đen Hồng Nhung (thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định) chủ yếu vẫn sử dụng phương pháp thủ công truyền thống. Cơ sở có khoảng 10 lao động bao gồm các thành viên trong gia đình và thuê thêm lao động ngoài. Chị Hà Thị Tuyết Nhung, chủ cơ sở cho biết: Sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP, chúng tôi đã ra được mẫu mã mới cho sản phẩm, có tem nhãn và mã truy xuất nguồn gốc. Bắt đầu vào hè đến nay, trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất trên 1.000 hộp thạch, đảm bảo cung cấp cho các địa bàn trong và ngoài tỉnh.

Có thể thấy, mỗi cơ sở sản xuất thạch đen lại có phương pháp cũng như công thức gia truyền riêng. Song về quy trình các bước thì cơ bản giống nhau. Trước tiên, cây thạch (đã được phơi khô trước đó) sẽ được rửa sạch. Tiếp đó, cây thạch được đưa vào nồi đun sôi từ 4 đến 6 tiếng, sau đó được lọc để chắt lấy nước thạch. Đến bước tiếp theo, tùy từng cơ sở sẽ sử dụng nguyên liệu khác nhau, có thể là bột năng hoặc bột gạo; đường kính hoặc đường hoa mai… Bột và đường sẽ được pha theo tỷ lệ cùng nước thạch và cho vào nồi đun từ 5-6 tiếng để cho ra sản phẩm thạch đen dẻo mịn, mát, thơm và giòn khi thưởng thức.

Có thể nói, sản phẩm thạch đen trên địa bàn tỉnh đã và đang làm đầy thêm danh sách ẩm thực đặc sản của quê hương; góp phần làm phong phú thêm hành trình trải nghiệm, khám phá của mỗi du khách khi có dịp ghé thăm Xứ Lạng.

HOÀNG NHƯ