Thứ sáu,  20/09/2024

Đình Lập: Đẩy nhanh tiến độ cấp chứng chỉ rừng

– Năm 2021, tỉnh triển khai cấp chứng chỉ rừng (CCR) tại huyện Đình Lập. Đây là lần đầu tiên công tác này được thực hiện, quá trình triển khai gặp những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, các đơn vị thực hiện đã kịp thời đưa ra các giải pháp gỡ khó.

Cấp CCR nhằm đảm bảo tiêu chí về phát triển rừng bền vững, cân bằng giữa việc phát triển kinh tế từ rừng với bảo vệ môi trường rừng và các giá trị từ rừng. Đối với rừng được cấp CCR, giá trị sản phẩm sẽ được nâng lên từ 10 đến 15%. Đổi lại, các hộ trồng rừng sẽ thực hiện các nguyên tắc bảo vệ tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái như: đảm bảo chống xói mòn vùng đệm ven suối, sông; đảm bảo các quy định phòng, chống cháy rừng…

Những năm qua, ngành lâm nghiệp tỉnh luôn hướng tới việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Cấp CCR là một trong những bước đầu tiên, là việc làm tất yếu phải thực hiện mục tiêu này. Theo Đề án Phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020 – 2030, ngành lâm nghiệp tỉnh đã lựa chọn cấp CCR cho 4.500 ha keo tại địa bàn 3 xã của huyện Đình Lập gồm: Lâm Ca, Bắc Lãng, Châu Sơn.

Người dân chăm sóc rừng tại xã Châu Sơn, huyện Đình Lập

Do đây là lần đầu tiên tỉnh thực hiện cấp CCR, những khó khăn, thách thức đặt ra là rất lớn. Trong đó, có thể kể đến như: nhiều hộ không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các giấy tờ minh chứng về quyền sử dụng đất hợp pháp khác; rừng trồng keo tại 3 xã được lựa chọn thí điểm được trồng với mật độ dày đặc (4.000 – 5.000 cây/ha) do mục đích của người dân là sản xuất gỗ dăm chứ không phải gỗ lớn.

Cùng đó, nhận thức của người dân về quản lý rừng bền vững còn hạn chế, đơn cử như tại xã Châu Sơn, có trên 300 hộ trồng rừng, tuy nhiên, chỉ có 52 hộ đồng ý tham gia cấp CCR. Ông Hoàng Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Châu Sơn cho biết: Mặc dù hầu hết các hộ tại xã đều phát triển kinh tế từ rừng, nhưng đa số người dân chưa hiểu về quản lý rừng bền vững. Bên cạnh đó, khi tham gia cấp CCR, chủ rừng cần tuân thủ nhiều nguyên tắc như: 30% diện tích rừng ven khu vực dòng chảy không được phép trồng rừng… Do vậy, hầu hết các hộ chưa tham gia.

Phân tích và xác định nguyên nhân của những khó khăn trên, Hạt Kiểm lâm huyện Đình Lập đã chủ động nghiên cứu, xây dựng các phương án và tham mưu cho UBND huyện thành lập Ban Chỉ đạo nhóm hộ CCR cấp huyện vào cuối tháng 12 năm 2020. Đồng thời, UBND các xã thí điểm cấp CCR đã thành lập ban đại diện nhóm hộ CCR. Ngay sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo huyện đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về công tác cấp CCR, quản lý rừng bền vững cho toàn bộ các thành viên và người dân. Do diện tích cấp CCR đối với cây keo không đủ 4.500 ha, Ban Chỉ đạo huyện đã đưa ra giải pháp đó là: ngoài cây keo, việc cấp CCR sẽ thực hiện đối với cả cây thông do đây là cây lâm nghiệp chủ lực của địa phương.

Để đảm bảo tiến độ cấp CCR, Ban Chỉ đạo huyện đã chủ động liên hệ, phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp Nhiệt đới (tại Hà Nội) thực hiện công tác tư vấn, rà soát. Từ kết quả rà soát, Ban Chỉ đạo huyện đã họp bàn, báo cáo ngành chức năn của tỉnh, tổ chức lựa chọn lại các xã đáp ứng đủ điều kiện về diện tích, mật độ rừng… để triển khai cấp CCR bao gồm: Kiên Mộc; Bắc Xa; Bắc Lãng; Châu Sơn.

Cùng với giải pháp của Ban Chỉ đạo huyện, nhằm nâng cao nhận thức của người dân trồng rừng, ban đại diện nhóm hộ CCR tại các xã đã cắt cử cán bộ, thành viên trực tiếp xuống các thôn tuyên truyền, vận động người dân tại tất cả các thôn. Đồng thời, phối hợp với Ban Chỉ đạo huyện tổ chức các buổi họp thôn để phổ biến đến các hộ trồng rừng về các nội dung như: ý nghĩa của việc phát triển rừng bền vững; lợi ích của việc cấp CCR; các nguyên tắc khi tham gia cấp CCR. Qua đó, đến thời điểm này, đã có trên 260 hộ tham gia với diện tích hơn 2.352 ha.

Ông Phạm Công Phong, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Nhóm hộ CCR huyện Đình Lập cho biết: Hiện nay, đơn vị cơ bản đã xây dựng xong các giải pháp tháo gỡ vướng mắc. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đến người dân về lợi ích, ý nghĩa của CCR. Đồng thời, tiếp tục vận động các hộ trồng rừng tham gia cấp CCR, đảm bảo diện tích rừng đạt 4.500 ha theo kế hoạch. Từ đó, sẽ hoàn thiện hồ sơ đánh giá và bắt đầu tiến hành cấp CCR, đảm bảo công tác cấp CCR hoàn thành trước tháng 11/2021. Về lâu dài, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện chú trọng xây dựng các vùng nguyên liệu, thu hút đầu tư chế biến lâm sản công nghệ cao cũng như thực hiện các chính sách giao đất, giao rừng hiệu quả.

Với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ, chính quyền huyện Đình Lập đã và đang nỗ lực để khắc phục những khó khăn, vướng mắc. Việc cấp CCR sẽ góp phần đưa các sản phẩm như: gỗ thông, keo và nhựa thông trở thành thương hiệu của ngành lâm nghiệp huyện Đình Lập nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung. Từ đó, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế, nâng cao giá trị sản phẩm

GIA KHÁNH