Vụ Hè Thu, vụ Mùa 2021, các tỉnh phía Bắc dự kiến gieo cấy khoảng 1.217 nghìn ha (Ảnh: BT)


Toàn vùng gieo cấy khoảng 1.217 nghìn ha

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), vụ Hè Thu, vụ Mùa 2021, các tỉnh phía Bắc dự kiến gieo cấy khoảng 1.217 nghìn ha, giảm khoảng 7 nghìn ha so với năm 2020. Năng suất trung bình dự kiến đạt 51,8 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha so với năm trước, sản lượng ước đạt khoảng 6,3 triệu tấn, tăng khoảng 4 nghìn tấn so với vụ lúa Hè Thu, vụ Mùa 2020.

Trong đó, về thời vụ gieo cấy, đối với vùng Bắc Trung bộ, việc bố trí thời vụ và lựa chọn cơ cấu giống phải đảm bảo được yêu cầu: Vùng Hè Thu chạy lụt, thu hoạch trước ngày 5/9, đối với vùng thấp trũng thu hoạch trước 20/8. Vùng Hè Thu thâm canh, thu hoạch chậm nhất 20/9. Đối với vụ Mùa sớm, thu hoạch trong tháng 9. Với vụ Mùa chính vụ, kết thúc cấy trong tháng 7.

Cục Trồng trọt lưu ý, các địa phương khu vực Bắc Trung bộ cần căn cứ vào tình hình thu hoạch lúa Đông Xuân 2020-2021, thời điểm thu hoạch lúa Hè Thu như trên để bố trí thời điểm làm mạ, làm đất và gieo cấy lúa Hè Thu đảm bảo an toàn, né tránh được những bất thuận của thời tiết. Tùy vùng, thời gian sinh trưởng của giống, thời điểm thu hoạch lúa Đông Xuân để giải phóng đất để gieo cấy đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Đối với vùng Đồng bằng sông Hồng, trung du miền núi phía Bắc, Cục Trồng trọt khuyến cáo, đối với vụ Mùa cực sớm, mùa sớm: gieo từ 5/6-15/6; cấy giữa và cuối tháng 6. Vụ Mùa trung: gieo mạ 20/6 -25/6; cấy xong trước 20/7. Với vụ Mùa muộn, thời vụ gieo từ đầu tháng 6 đến đầu tháng 7, cấy mạ tuổi khoảng 25-30 ngày, thu hoạch cuối tháng 10, đầu tháng 11. Lúa gieo thẳng cần được quy hoạch thành vùng, lưu ý, chỉ khuyến cáo áp dụng biện pháp gieo thẳng ở những vùng chủ động tiêu úng, gieo sớm ngay sau khi chuẩn bị được ruộng, thời vụ gieo từ 15-25/6.

Về cơ cấu giống, Cục Trồng trọt khuyến cáo tăng cường sử dụng các giống lúa cực ngắn và ngắn ngày có năng suất, chất lượng, chống chịu khá với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất thuận. Để thuận lợi cho việc quản lý sâu bệnh hại, mỗi địa phương nên cơ cấu từ 3 – 4 giống lúa chủ lực và 3 – 4 giống lúa bổ sung.

Cụ thể, các tỉnh Bắc Trung bộ, với vùng Hè Thu chạy lụt, sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng dưới 100 ngày như: Việt lai 24, Vật tư NA1, nếp IRRi 352, GS333, P6ĐB… Vùng Hè Thu còn lại, sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng dưới 110 ngày.

Với vụ Mùa, có thể quan tâm đến các loại giống như: Khang dân 18, BC15, TBR225, ĐH12, Bắc Thơm số 7, Hương Thơm số 1, Thiên ưu 8; Iri352, N97, N98, nếp thơm Hưng Yên, nếp địa phương cổ truyền…

Đối với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, vụ trà Mùa cực sớm và sớm, có thể sử dụng các giống lúa chủ lực như:  Hương Thơm số 1, TBR 225, Thiên ưu 8, ĐH12, RVT, P6 đột biến, Gia Lộc 105, Bắc Thơm số 7,…Với trà Mùa trung, sử dụng các giống lúa chủ lực như BC15, TBR225,  Hương Thơm số 1, Thiên ưu 8, ĐH12, NB01, ĐS1. Với trà Mùa muộn, có thể sử dụng các giống lúa đặc sản cổ truyền như lúa tám, nếp cái hoa vàng.

Xây dựng kế hoạch sản xuất một cách linh hoạt

Thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất lúa năm 2021 trong đó có vụ Hè Thu, vụ Mùa các tỉnh phía Bắc có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc góp phần ổn định xã hội, nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước trong điều kiện thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu và diễn biến khó lường, nguy hiểm của dịch COVID-19.

Chính vì vậy, Cục Trồng trọt đề nghị các tỉnh, thành phố phía Bắc chỉ đạo các cơ quan chuyên môn căn cứ kế hoạch, chỉ đạo sản xuất chung của Bộ NN&PTNT, thực hiện xây dựng kế hoạch sản xuất một cách linh hoạt, sáng tạo từ khâu lấy nước, điều tiết nguồn nước, thời vụ, cơ cấu giống, bảo vệ thực vật; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; sản xuất; lưu thông phù hợp theo từng trà lúa, từng vùng, từng khu vực phù hợp với điều kiện địa phương.

Cụ thể, theo Cục Trồng trọt, cần chuẩn bị đất cấy và gieo cấy “càng sớm càng tốt”. Trong đó, cần khẩn trương thu hoạch lúa Đông Xuân 2020-2021 khi lúa vừa chín tới, thu hoạch lúa đến đâu làm đất vùi sâu gốc rạ đến đó, giữ nước trên ruộng, đồng thời nên bón thêm vôi  bột,… để tăng cường phân hủy rơm rạ, hạn chế nguồn sâu bệnh hại.

Các địa phương căn cứ vào tình hình cụ thể để lựa chọn hình thức gieo mạ. Ưu tiên làm mạ dầy xúc, mạ nền cứng, tăng cường áp dụng mạ khay, cấy máy, gieo mạ tập trung thành vùng để quản lý, chăm sóc và phòng trừ rầy được tốt hơn; cần phải chăm sóc mạ để cấy mạ khỏe, cấy mạ non, không cấy mạ quá ngày tuổi.

Đi cùng với biện pháp trên, Cục Trồng trọt cho rằng, các địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến, mở rộng diện tích thâm canh lúa, xây dựng mô hình “cánh đồng lớn”.

Đồng thời, cần áp dụng các biện pháp canh tác nhằm rút ngắn thời gian sinh trưởng của lúa để thu hoạch sớm, tránh bị ngập lụt cuối vụ. Bón phân theo phương châm “nặng đầu nhẹ cuối”, bón cân đối, sử dụng các loại phân bón tổng hợp thay cho phân đơn theo đúng hướng dẫn kỹ thuật để tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Sử dụng các chế phẩm hữu cơ vi sinh, phân vi lượng bón qua lá để bổ sung dinh dưỡng, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, tăng năng suất cây trồng.

Thứ nữa, để vụ lúa Hè Thu, vụ Mùa đạt kết quả tốt cần quan tâm làm tốt công tác bảo vệ thực vật. Thường xuyên thăm đồng, phát hiện và phòng trừ kịp thời sâu bệnh hại nguy hiểm như: rầy lưng trắng đầu vụ, rầy nâu, bệnh bạc lá, sâu cuốn lá, sâu đục thân. Thực hiện nghiêm túc những chỉ dẫn và khuyến cáo của ngành bảo vệ thực vật trong việc phòng trừ sâu bệnh hại, đặc biệt chủ động theo dõi, phát hiện bệnh lùn sọc đen hại lúa ngay từ sau khi cấy.

Ngoài ra, các địa phương có kế hoạch điều tiết nguồn nước tốt, đảm bảo đủ nước cho gieo cấy, chăm sóc lúa. Đồng thời, chủ động phòng tránh những diễn biến bất thường của thời tiết trong vụ Hè thu, vụ Mùa như nắng nóng, hạn, úng, ngập; xây dựng phương án cụ thể cho công tác phòng chống và chuẩn bị tốt mọi điều kiện để khắc phục kịp thời nếu có thiên tai, dịch bệnh xảy ra./.