Thứ sáu,  20/09/2024

Hòa Cư: Tăng thu từ trồng sen

– Người dân xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc có nhiều năm kinh nghiệm trong trồng và thu hoạch củ sen. Những năm gần đây, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ củ sen đem lại nên nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã  chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen, nâng tổng diện tích sen toàn xã lên hơn 20 ha. Nhờ đó, đời sống bà con dần được cải thiện từ việc triển khai mô hình kinh tế này.

Theo chân cán bộ xã Hòa Cư đến thôn Bản Lành vào một ngày đầu tháng 6/2021, chúng tôi ấn tượng bởi hình ảnh bạt ngàn một màu xanh mướt từ những ruộng sen xanh tốt như xua đi phần nào cái nóng oi bức của mùa hè. Vừa lau những giọt mồ hôi trên trán vừa thoăn thoắt nhổ đám cỏ trên ruộng sen của gia đình, ông Lộc Văn Thân, thôn Bản Lành cho biết: Nhà tôi vốn neo người, thiếu lao động nên khi nhận thấy cây sen không cần chăm sóc nhiều gia đình đã trồng 1 sào sen gần 2 năm nay. Sau khoảng 5 tháng trồng, cây đã cho thu hoạch củ rải rác từ tháng 7 đến tháng 12 hằng năm với giá bán khoảng 30 đến 40 nghìn đồng/kg. Ước tính một sào cho thu hoạch 4 đến 5 tạ, trừ chi phí cũng đem lại cho gia đình hơn chục triệu đồng/vụ.

Người dân thôn Bản Lành, xã Hòa Cư chăm sóc ruộng sen

Ông Hoàng Văn Lượng, Trưởng thôn Bản Lành, xã Hòa Cư cho biết: Thôn hiện có 147 hộ thì có đến hơn 70 hộ trồng sen với diện tích trên 10 ha. Hộ trồng ít thì có 1 đến 2 sào, hộ trồng nhiều thì có 6 đến 7 sào. Trồng sen ít tốn công chăm sóc và đem lại hiệu quả kinh tế hơn các cây trồng khác, củ sen lại dễ bán nên người dân rất yên tâm canh tác. Hiện nay, sen được trồng trên toàn xã nhưng tập trung nhiều nhất là ở thôn Bản Lành và Kéo Cặp. Sen được trồng tại xã cách đây hơn 100 năm, đặc biệt người dân chỉ trồng loại sen trắng bởi đây là giống cây cho củ thơm ngon, năng suất hơn các loại sen khác. Bà con ở các xã lân cận từng đến xin giống về trồng nhưng do điều kiện thổ nhưỡng không phù hợp nên củ sen không phát triển và thơm ngon như tại Hòa Cư. Từ năm 2010 đến nay, nhận thấy củ sen đem lại hiệu quả kinh tế cao nên người dân chủ động mở rộng diện tích trồng. Hiện toàn xã có 625 hộ thì có gần 100 hộ trồng sen, nâng tổng diện tích sen toàn xã lên hơn 20 ha (tăng gần 15 ha so với năm 2015).

Để cây sen sinh trưởng tốt, hằng năm, sen thường được trồng từ tháng 2 âm lịch. Trong quá trình trồng chỉ cần bón phân 1 lần khi cây đã trưởng thành. Đến tháng 7 âm lịch, củ sen đã có thể cho thu hoạch rải rác đến tận tháng 12 âm lịch, ước tính mỗi sào cho thu hoạch khoảng 5 tạ. Bên cạnh sự chủ động của người dân, hằng năm, UBND xã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây, trong đó có trồng cây sen. Ước tính mỗi năm xã phối hợp mở 4 hoặc 5 lớp cho gần 300 lượt người tham gia để người dân áp dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, những năm gần đây, chất lượng và số lượng củ sen đều tăng cao. Củ sen dài (thậm chí có những cây cho củ dài đến 8 đốt), khi ăn bùi và có hương vị thơm ngon hơn…

Hiện nay, thị trường tiêu thụ củ sen không chỉ gói gọn ở việc bà con bán lẻ ở các chợ truyền thống trong thành phố Lạng Sơn như: Giếng Vuông, Kỳ Lừa, Đông Kinh… mà còn được thương lái thu mua đem bán tại các tỉnh bạn như: Bắc Ninh, Cao Bằng… Đặc biệt, nhiều hộ đã biết quảng bá bán củ sen qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… nên củ sen Hòa Cư được nhiều người biết đến và đặt mua hơn. Vào vụ, củ sen được bán với giá khoảng 30 đến 40 nghìn đồng/kg, đem lại thu nhập trên 15 triệu đồng/sào.

Ông Tô Văn Mít, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Cư cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích bà con mở rộng diện tích trồng sen lấy củ để tăng thu nhập. Trong năm nay, UBND xã sẽ vận động bà con thành lập HTX Sản xuất cây củ quả sạch Hòa Cư (trong đó có trồng sen) nhằm nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Từ trồng sen, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn 11,16% năm 2020 (giảm 27,66% so với năm 2016). Thu nhập bình quân của xã hiện đạt trên 20 triệu đồng/người/năm.

LƯƠNG THẢO