Thứ năm,  19/09/2024

Tự chủ nguồn nguyên vật liệu phát triển công nghiệp

Công nhân Công ty cổ phần Công nghệ Bắc Việt, huyện Quế Võ (Bắc Ninh) sản xuất các thiết bị phụ trợ cho thiết bị điện tử. Ảnh: HÀ THANH

Do công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong nước kém phát triển, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung nguyên phụ liệu, linh kiện nhập khẩu. Khi dịch Covid-19 bùng nổ, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, nhiều ngành sản xuất khó bảo đảm các yếu tố sản xuất đầu vào.

Tỷ lệ nội địa hóa thấp

Da giày hiện là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch liên tục tăng bình quân hơn 10%/năm. Sáu tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu da giày cả nước đạt 12,1 tỷ USD, tăng 24,6% so cùng kỳ. Với sự phục hồi của thị trường, nhất là Mỹ và Liên hợp châu Âu (EU), dự kiến cả năm 2021, ngành da giày sẽ xuất khẩu đạt 23 tỷ USD, tăng 15 đến 16% so năm 2020. Mặc dù vậy, với chi phí nguyên phụ liệu chiếm tới 68 đến 75% cơ cấu giá thành sản phẩm giày dép, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm này của doanh nghiệp trong nước chỉ đạt 40 đến 45%, dẫn đến biên độ lợi nhuận còn thấp. Bên cạnh đó, chính tỷ lệ nội địa hóa thấp cũng được cho là “rào cản” của ngành da giày khi tiếp cận các thị trường tiềm năng. Thí dụ, EU cam kết loại bỏ 37% số dòng thuế ngành giày, dép cho Việt Nam ngay sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực, giúp sản phẩm da giày của Việt Nam cạnh tranh hơn so với các nước tại thị trường quan trọng này. Thế nhưng, các doanh nghiệp chỉ được hưởng lợi nếu tự chủ được nguồn nguyên liệu và đáp ứng tốt yêu cầu về xuất xứ. Tương tự với ngành công nghiệp ô-tô, theo thống kê hiện có tới 80% linh kiện cho sản xuất xe trong nước là nhập khẩu, 20% còn lại sản xuất trong nước nhưng chủ yếu vẫn chỉ là các chi tiết giản đơn như: ghế, săm, lốp, ắc-quy, bộ dây điện, nhựa cỡ lớn,… Ðây là nguyên nhân chính khiến cho chi phí sản xuất, lắp ráp ô-tô trong nước cao hơn từ 10 đến 20% và giá bán xe cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực, khiến ngành ô-tô mất hẳn sức cạnh tranh.

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), trong những năm gần đây, các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến chiếm tỷ trọng cao gần 40% trong tổng doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế, nhưng chỉ đóng góp khoảng gần 14% GDP (giá trị gia tăng rất thấp so với các ngành công nghiệp khác). Số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng cho thấy, 5 năm trở lại đây, trong cơ cấu giá trị gia tăng của các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam, giá trị gia tăng từ nước ngoài vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi hàm lượng giá trị gia tăng nội địa còn thấp và chưa có nhiều chuyển biến đáng kể. Thí dụ, hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là dệt may và điện tử có tỷ lệ giá trị gia tăng trong nước lần lượt chỉ là 50% và 37%. Ngoài ra, việc đánh giá tác động ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến các ngành sản xuất trong nước cũng chỉ rõ một “điểm yếu” lớn của kinh tế Việt Nam, đó là: Nội lực của ngành sản xuất hạn chế, phụ thuộc rất lớn vào các chuỗi cung ứng nước ngoài. Thực trạng này sẽ không chỉ gây ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, mà còn tiếp tục ảnh hưởng đến công nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung trong dài hạn.

Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ”

Theo các chuyên gia, ngành CNHT kém phát triển một phần là do nguồn lực đầu tư và sự hỗ trợ của Nhà nước cho ngành chưa đủ mạnh và thiếu hiệu quả. Các chính sách phát triển CNHT chậm được ban hành đồng bộ, nhất quán; quản lý nhà nước về CNHT còn yếu. Thậm chí, CNHT cũng chưa được xác định trong hệ thống thống kê quốc gia hay chưa có tiêu chuẩn quốc gia về CNHT. Cùng với đó, nhận thức của nhiều bộ, ngành và địa phương về vai trò của ngành CNHT trong việc nuôi dưỡng nguồn thu, xây dựng nội lực và tự cường đất nước cũng chưa cao. Ðể phát triển CNHT thời gian tới, theo Bộ Công thương, Nhà nước cần đóng vai trò là “bà đỡ”, nhất là hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ trong việc bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi, chi phí gia nhập thị trường thấp, khuyến khích nguồn vốn tư nhân xã hội. Theo đó, rất cần những khuôn khổ chính sách và cơ chế cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được với thị trường CNHT.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT, tạo tiền đề cho các bộ, ngành nghiên cứu đưa ra các chính sách cụ thể để giải quyết những vấn đề nội tại, tiếp tục thúc đẩy phát triển CNHT trong thời gian tới. Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), trong Nghị quyết đã nêu rõ một số giải pháp nhằm tháo gỡ vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng hiện nay. Ðó là tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia; xây dựng các khu CNHT tập trung để tạo cụm liên kết ngành; phát triển các ngành công nghiệp vật liệu nhằm tăng cường tính tự chủ về đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng nội địa cũng như sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với doanh nghiệp CNHT khi vay vốn ngắn hạn tại tổ chức tín dụng, trong đó, Nhà nước sẽ thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất đối với các khoản vay trung và dài hạn của các doanh nghiệp để thực hiện dự án sản xuất sản phẩm thuộc “Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển”… Thứ trưởng Bộ Công thương Ðỗ Thắng Hải cho rằng, để nâng cao năng lực các doanh nghiệp CNHT, điều kiện tiên quyết là phải có ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước phát triển. Từ đó, mở ra cơ hội thị trường cho doanh nghiệp CNHT trở thành nhà cung cấp, tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần tích cực mở rộng thị trường nước ngoài cho doanh nghiệp CNHT, cùng với đó sẽ tiếp nhận quy trình kỹ thuật và kỹ năng sản xuất từ nước ngoài để nâng cao năng lực sản xuất.

Theo Nhandan