Hội thảo nhằm chia sẻ thông tin về các nguồn cung cấp nguyên liệu TACN trên thế giới và tại Việt Nam, nhu cầu và triển vọng thị trường nguyên liệu TACN và tiềm năng ứng dụng cây trồng công nghệ sinh học trong sản xuất nguyên liệu TACN.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, trong 10 năm gần đây, ngành chăn nuôi Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng rất ấn tượng, bình quân 5-6%/năm.

Trồng ngô công nghệ sinh học làm thức ăn chăn nuôi
Thu hoạch ngô sinh khối ứng dụng công nghệ sinh học làm thức ăn chăn nuôi bò tại Mộc Châu, Sơn La.

Những năm qua, cùng với sự tăng trưởng của ngành chăn nuôi, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp (TACN) ở Việt Nam cũng đã tăng trưởng ngoạn mục, đạt bình quân 13-15%/năm. Tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp từ 10,8 triệu tấn năm 2010 đã tăng lên gần gấp đôi vào năm 2020, đạt 20,3 triệu tấn. Dự báo của Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, nhu cầu thức ăn chăn nuôi công nghiệp của nước ta sẽ cần khoảng 28-30 triệu tấn/năm trong 5 năm tới, giá trị khoảng 12-13 tỷ USD với tỷ lệ tăng trưởng trung bình 11-12%/năm. Trong đó quá nửa sản lượng TACN (khoảng 14,0-14,5 triệu tấn) sẽ dành cho ngành gia cầm.

Trồng ngô công nghệ sinh học làm thức ăn chăn nuôi
Mô hình trồng ngô ứng dụng công nghệ sinh học (ngô chuyển gen) của nông dân tỉnh Thái Nguyên. 

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam cho biết, mặc dù là nước sản xuất và xuất khẩu lương thực nằm ở tốp đầu thế giới, song ngành sản xuất TACN công nghiệp nước ta vẫn phải nhập khẩu 70-85% nguyên liệu từ nước ngoài. Kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu TACN năm 2020 của Việt Nam là 7,162 tỷ USD với hơn 20 triệu tấn. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã nhập khẩu nguyên liệu TACN khoảng 3,903 tỷ USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân lượng nhập khẩu nguyên liệu TACN của nước ta lớn như vậy và không ngừng gia tăng là do mỗi năm, ngành nông nghiệp trong nước chỉ có thể cung cấp tối đa 4,5-5 triệu tấn ngô hạt, 4 triệu tấn cám, 4 triệu tấn sắn làm TACN, trong khi nhu cầu hằng năm cần tới 26-27 triệu tấn các loại, chủ yếu là ngô, đậu tương, lúa mỳ, dầu động thực vật (vốn không phải là các loại cây trồng thế mạnh của Việt Nam). Khi giá nguyên liệu TACN nhập khẩu gia tăng, thì giá thành sản xuất TACN lập tức tăng theo. Từ đó dẫn đến giá TACN trong nước luôn cao hơn mặt bằng chung của thế giới, khiến sản phẩm thịt, trứng, sữa sản xuất trong nước chịu lép vế về giá so với hàng nhập khẩu cùng loại.