Thứ sáu,  20/09/2024

Nỗ lực hoàn thành các công trình trọng điểm

Toàn cảnh Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 (Hậu Giang).

Tại các dự án nhiệt điện như: Sông Hậu 1 (Hậu Giang), Thái Bình 2 (Thái Bình), Nghi Sơn 2 (Thanh Hóa), Vân Phong 1 (Khánh Hòa)…, các đơn vị thi công đều đang trong giai đoạn gồng mình bảo đảm tiến độ, hoàn thành công trình. Thế nhưng vì nhiều lý do khách quan, chủ quan, công tác thi công xây dựng vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Chịu nhiều yếu tố tác động

Không chỉ là nguy cơ y tế đối với cộng đồng, đại dịch Covid-19 đã đẩy nền kinh tế bị các tác động tiêu cực nghiêm trọng. Theo Tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam – CTCP (LILAMA) Lê Văn Tuấn, đơn vị cũng không nằm ngoài ảnh hưởng nặng nề của đại dịch khi liên tục chịu căng thẳng về dòng tiền và nhân công trong bối cảnh đã và đang thi công nhiều công trình trọng điểm quốc gia, tiến độ thi công và huy động nhân lực bị gián đoạn,… Đối với mỗi dự án đang thi công như Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1,… LILAMA phải huy động từ 1.000 đến 3.500 cán bộ công nhân viên (CBCNV) ở giai đoạn cao điểm. Tuy nhiên, công tác huy động nhân lực đang gặp rất nhiều khó khăn do phải điều động từ các địa phương khác nhau trong cả nước. Đồng thời, nhân lực huy động từ các vùng dịch khi đến công trường phải thực hiện cách ly từ 14 đến 21 ngày trước khi vào làm việc tại dự án theo quy định. Cùng với đó là việc triển khai các biện pháp y tế phòng, chống dịch như: kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế trước khi vào làm việc tại công trường cũng như trong quá trình làm việc phải bảo đảm khoảng cách an toàn và không bố trí vượt quá số người quy định, dẫn đến năng suất làm việc của CBCNV không bảo đảm, chỉ đạt được khoảng 90% khối lượng công việc. Ngoài ra, do nhiều dự án có tính chất nước ngoài, đa quốc gia cho nên việc áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ biên giới, hạn chế các đường bay quốc tế và một số đường bay trong nước cũng gây trở ngại đến việc điều động các chuyên gia nước ngoài thực hiện dự án sang Việt Nam. Trong khi đó, vật tư, thiết bị của dự án từ nước ngoài chiếm khoảng 80% số lượng bị chậm từ một đến hai tháng so với kế hoạch ban đầu, dẫn đến tiến độ thi công của một số hạng mục bị chậm và mất rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, giá một số vật liệu đầu vào như: sắt, thép, vật liệu cách nhiệt, vật tư sơn,… liên tục tăng cao thời gian gần đây khiến công tác quản lý chi phí thi công đang chịu rất nhiều áp lực, điển hình là chi phí mua sắm vật tư tăng từ 10 đến 30% đối với các hợp đồng đã ký, dẫn đến mất lợi nhuận nghiêm trọng khi không thể điều chỉnh giá hợp đồng.

Và tại các dự án lại có những khó khăn đặc thù riêng. Đơn cử như Nhiệt điện Thái Bình 2, tính đến thời điểm hiện tại, tiến độ tổng thể dự án đạt 86,8%. Về cơ bản, dự án đã hoàn thành gần như toàn bộ quá trình xây dựng, lắp đặt thiết bị, chỉ còn công tác hoàn thiện và hoàn thành chạy thử là sẽ phát điện lên hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn và các vướng mắc về thủ tục pháp lý khiến dự án trong tình trạng gần như “đắp chiếu”, mỗi tháng tổn thất hàng trăm tỷ đồng tiền phát sinh do phải bảo trì, bảo dưỡng thiết bị. Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 (Ban QLDA) cho biết, hiện Ban Quản lý dự án và Tổng thầu Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) đã triển khai hoàn thành đánh giá tổng thể về chất lượng thiết bị, nhất là hoàn tất đàm phán với các nhà thầu quốc tế cung cấp thiết bị – công nghệ; chuẩn bị nguồn nhân lực sẵn sàng cho công tác vận hành chạy thử, tiến tới cột mốc phát điện thương mại tổ máy số 1 vào ngày 30/11/2022 và phát điện thương mại tổ máy số 2 vào ngày 31/12/2022. Tuy nhiên, do thiết bị đã được lắp đặt trong thời gian dài, mặc dù đã được nỗ lực bảo quản nhưng trước khi chạy thử vẫn cần phải kiểm tra, bảo dưỡng lại. Công tác bảo dưỡng sẽ ảnh hưởng tiến độ và phát sinh chi phí, đặc biệt trong trường hợp sẽ phải thay thế thiết bị…

Cần những chính sách “cởi trói” mạnh mẽ

Cũng rơi vào tình trạng khó khăn về nguồn vốn, nhất là việc vận dụng cơ chế chính sách đặc thù theo đơn giá điều chỉnh (Quyết định 2414/QĐ-TTg, ngày 11/12/2013 của Chính phủ), dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 gặp không ít trở ngại trong việc đẩy mạnh triển khai xây dựng, bảo đảm tiến độ dự án. Hiện tại, tiến độ dự án đạt 98,79%, đang khẩn trương hoàn thiện một số hạng mục để vận hành thương mại tổ máy số 1 vào tháng 11/2021 và vận hành thương mại tổ máy số 2 vào tháng 3/2022. Phó Trưởng ban Quản lý dự án Điện lực dầu khí Sông Hậu 1 Hồ Hữu Triển cho biết, theo hợp đồng EPC nhà máy chính, phần công việc gia công chế tạo, xây dựng lắp đặt trong nước thực hiện thanh toán theo phương thức điều chỉnh giá. Về nguyên tắc, việc điều chỉnh giá chỉ áp dụng trong thời gian thực hiện hợp đồng, nhưng đến nay hợp đồng EPC nhà máy chính đã chậm so với hợp đồng đã ký khoảng 24 tháng và dự kiến tổng thời gian chậm đến khi hoàn thành 29 tháng.

Việc chậm tiến độ của dự án vẫn đang được các bên làm việc để xác định nguyên nhân, trách nhiệm để xem xét, thực hiện thủ tục gia hạn thời gian hoàn thành hợp đồng, góp phần bảo đảm nguồn lực cho các nhà thầu thi công… Mặt khác, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đến thời điểm hiện tại số lượng chuyên gia hỗ trợ về kỹ thuật cho dự án vẫn chưa thể huy động đầy đủ, ảnh hưởng đến kế hoạch chạy thử. Chính vì vậy, ngoài việc sớm khống chế dịch bệnh, Ban Quản lý dự án đề xuất Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và các cấp, ngành liên quan xem xét, chấp thuận các phát sinh thử nghiệm tổ máy theo quy định; trang bị bổ sung thiết bị gom vét phục vụ công tác tiếp nhận than của dự án; phê duyệt hồ sơ mời thầu, ủy quyền hoặc tổ chức lựa chọn nhà thầu gói thầu bảo hiểm giai đoạn vận hành nhà máy…

Còn tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, các giải pháp tháo gỡ cần triển khai nhanh và mạnh mẽ hơn. Nhấn mạnh về tầm quan trọng của dự án, Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN Hoàng Quốc Vượng khẳng định, dự án phải hoàn thành vào cuối năm 2022 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Trong đó, có 3 yếu tố sẽ gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án gồm dòng tài chính, dịch Covid-19 và chất lượng thiết bị của nhà máy. Hiện dự án đã hoàn thành có giá trị hơn 36,9 nghìn tỷ đồng, còn khoảng 5.000 tỷ đồng đã có kế hoạch triển khai đến tận các nhà thầu để hoàn thành các hạng mục công việc còn lại… Do đó, Chính phủ cần điều chỉnh thời gian thu hồi tạm ứng khi giá trị thanh toán đạt từ 80% lên đến 95% giá trị hợp đồng; quản lý mua sắm thiết bị,… nhằm bổ sung dòng tiền cho PVC thực hiện dự án. Cho phép PVN đàm phán trực tiếp, chỉ định thầu cho phần việc cắt giảm với điều kiện không vượt giá trị cắt giảm hoặc dự toán (điều chỉnh) được phê duyệt. Được phép áp dụng linh hoạt các hình thức trọn gói và đơn giá; PVN thanh toán các chi phí PVC mua sắm thay thế các vật tư thiết bị hỏng hóc. PVC chịu trách nhiệm về sự cần thiết và quá trình mua sắm. Khi quyết toán sẽ xử lý theo trách nhiệm hợp đồng và khấu trừ vào giá trị của PVC bao gồm phần giữ lại.

Bên cạnh những biện pháp chống dịch mạnh mẽ và hiệu quả của Chính phủ, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần có tầm bao quát tổng thể và cụ thể hơn. Tổng Giám đốc LILAMA Lê Văn Tuấn đề nghị sớm ưu tiên bố trí tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho tất cả người tham gia thực hiện các dự án; miễn giảm thuế cho doanh nghiệp hoặc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, giãn thuế, gia hạn nộp thuế và duy trì chính sách này thêm trong ít nhất một năm nữa. Lãi suất các kỳ hạn được giảm xuống và các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả lãi và gốc, xem xét cho vay không bảo lãnh tài sản, cho vay thông qua bảo lãnh hợp đồng kinh tế với đối tác đáng tin cậy. Giảm hoặc gia hạn các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội; giảm giá, phí thuế đất. Áp dụng các chính sách nhập cảnh, cách ly đối với chuyên gia nước ngoài thuận lợi hơn song vẫn bảo đảm an toàn phòng dịch. Xây dựng các biện pháp nhằm bình ổn giá sắt, thép và các nguyên vật liệu khác…

Theo Nhandan