Ngành hàng không nước ta đang được kỳ vọng sẽ có những bước phục hồi tích cực, trong đó, việc triển khai “hộ chiếu vaccine” đang được thử nghiệm. Tuy nhiên, để thúc đẩy lĩnh vực này vượt qua khó khăn, cần tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ về cơ chế, chính sách cũng như nguồn lực.

Thí điểm thành công hộ chiếu sức khỏe điện tử

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đã thử nghiệm ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử (IATA Travel Pass) tại một số quốc gia trên thế giới. Đây là ứng dụng cho phép hành khách tạo “hộ chiếu kỹ thuật số” với thông tin về tình trạng sức khỏe trước khi bay hoặc tình trạng tiêm chủng của hành khách để đáp ứng các quy định của nơi đến. Tại Việt Nam, một số hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways đã thử nghiệm ứng dụng này, bước đầu mang đến những kết quả tích cực. IATA Travel Pass liên tục được IATA nâng cấp để phù hợp với từng thị trường. Kết quả thử nghiệm cho thấy dấu hiệu khả quan, ứng dụng chạy trơn tru, kết nối được thông tin giữa hành khách, cơ sở xét nghiệm, hãng hàng không và cơ quan quản lý.

Kỳ vọng phục hồi của ngành hàng không
Các hãng hàng không Việt Nam sẵn sàng đẩy mạnh hoạt động khi thị trường mở cửa trở lại. 

Theo TS Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không, “hộ chiếu vaccine” đã trở thành xu thế toàn cầu. Ví như đi lại trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU) phải xuất trình “hộ chiếu vaccine” để xác nhận rằng đã được tiêm đủ và đúng loại vaccine theo quy định. Đó cũng là điều kiện tiên quyết để thương thuyết giữa EU với các nước, cũng như để đi lại giữa các nước đó với EU. “Có thể nói rằng, hiện hộ chiếu vaccine là xu thế toàn cầu và chúng ta không thể đứng ngoài. Việt Nam dịch chuyển theo đúng hướng đó và các tiến triển về đề án “hộ chiếu vaccine” tại Việt Nam cũng phát triển mạnh. Tôi nghĩ chúng ta phải dùng ngay “hộ chiếu vaccine” để phục hồi và phát triển thị trường nội địa”, TS Lương Hoài Nam chia sẻ.

Ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, cần phải có sự thống nhất, nghiên cứu thấu đáo đối với “hộ chiếu vaccine”, khi đưa ứng dụng công nghệ vào sử dụng phải bảo đảm tính bảo mật thông tin, chống giả mạo; chi phí sử dụng phần mềm đó là miễn phí hay có thu phí, đừng để phần mềm “hộ chiếu vaccine” trở thành gánh nặng cho xã hội. Đánh giá việc mở lại thị trường hàng không phụ thuộc vào kết quả phòng, chống dịch Covid-19, theo ông Võ Huy Cường, nếu giảm bớt được số ca lây nhiễm trong cộng đồng, tiến tới nới lỏng giãn cách xã hội và tỷ lệ tiêm vaccine ngày càng cao, Việt Nam có thể từng bước trở lại khôi phục các chuyến bay nội địa thường lệ. Sau đó, khi có “hộ chiếu vaccine”, sẽ từng bước mở lại hoạt động hàng không quốc tế.

Cần có phản ứng chính sách nhanh và quyết liệt

Thông tin về tình hình phục hồi của ngành hàng không thế giới, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính-ngân hàng cho biết, trên toàn cầu, khu vực Bắc Mỹ phục hồi tốt hơn cả. Giá cổ phiếu hàng không khu vực này tăng gần 10% so với đầu năm, trong khi châu Á-Thái Bình Dương phục hồi khó khăn và chậm hơn do dịch bệnh phức tạp, tiến trình vaccine chậm hơn. Về doanh thu, hàng không thế giới dự báo tăng khoảng 23% so với năm ngoái, nhưng vẫn giảm 55% so với mặt bằng chung của năm 2019, lượng khách giảm khoảng 44%. Hàng không thế giới còn nhiều khó khăn, nhiều dự báo cho rằng phải cuối năm 2023, đầu năm 2024 mới có thể phục hồi.

Cũng theo TS Cấn Văn Lực, hiện có khoảng 68 nước trên thế giới đưa ra gói hỗ trợ cho ngành hàng không với nhiều hình thức khác nhau, trong đó có một số hình thức Việt Nam đã thực hiện như giãn, hoãn, giảm thuế, giảm phí… Ngoài ra, một số nước có những khoản hỗ trợ về phí với ghế trống, mua trả trước vé máy bay, kích cầu du lịch. Một điểm nữa là đa số các nước đều dùng công cụ cho vay để tăng thanh khoản. Gần đây còn có hiện tượng quốc hữu hóa, Nhà nước bỏ vốn đầu tư vào các hãng hàng không, sau vài năm khi tình hình hoạt động bình thường trở lại sẽ thoái vốn. Hiện nay, tổng các gói hỗ trợ trên toàn cầu khoảng 225 tỷ USD, tương đương khoảng 0,25% GDP toàn cầu, trong đó có 3 cấu phần quan trọng: 65% là trợ cấp, cho vay ưu đãi, góp cổ phần, hoặc bơm tiền mặt; 25% là trợ cấp tiền lương và trợ cấp các chuyến bay; 10% là giảm thuế phí, không phạt những khoản trả chậm.

Trước những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế nước ta, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, ngành nào bị thiệt hại nhiều nhất, ngành đó nên được quan tâm nhất. Ngành nào có hiệu ứng lan tỏa, có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế thì càng cần được chú trọng hơn… “Tôi thấy việc cứu hàng không là công bằng. Đây là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề, là ngành quan trọng với nền kinh tế, với du lịch và các ngành liên quan, cũng như với hội nhập quốc tế”, TS Nguyễn Sĩ Dũng bày tỏ.

Chia sẻ với quan điểm này, TS Cấn Văn Lực đề nghị, cần coi việc hỗ trợ là một khoản đầu tư và chúng ta đang nuôi dưỡng nguồn thu bởi khi dịch bệnh được kiểm soát, vaccine được đẩy nhanh, ngành hàng không có điều kiện để phục hồi rất nhanh. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ các hãng hàng không cần căn cứ vào đóng góp, thị phần, độ lan tỏa, giải quyết việc làm. TS Nguyễn Sĩ Dũng lưu ý, giải pháp hỗ trợ hiện nay gắn liền với quy định pháp luật, liên quan đến nhiều cơ quan, thủ tục, trong khi nguồn lực hạn chế. Do vậy, cần có phản ứng chính sách nhanh và quyết liệt như đối với công tác phòng, chống dịch.