Thứ sáu,  20/09/2024

Nâng chất lượng dự báo, giảm thiệt hại thiên tai

– Lạng Sơn là tỉnh miền núi với đa dạng hiện tượng thời tiết, do đó công tác dự báo, cảnh báo nguy cơ thiên tai đóng vai trò rất quan trọng, nhất là những năm gần đây, sự biến đổi của khí hậu cùng thời tiết cực đoan diễn biến khó lường. Với vai trò của mình, Đài Khí tượng thủy văn  (KTTV) tỉnh đã từng bước nâng cao chất lượng công tác, góp phần thực hiện hiệu quả công tác phòng chống thiên tai (PCTT) trên địa bàn tỉnh.


Quan trắc viên trạm khí tượng Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình thực hiện quan trắc

Xác định vai trò, trách nhiệm của đơn vị, Đài KTTV tỉnh luôn nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai. Hiện nay, Đài KTTV tỉnh gồm 10 trạm KTTV (đặt tại một số huyện, thành phố). Để dự báo kịp thời, anh Hoàng Quốc Huy, Trạm trưởng trạm KTTV Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình cho biết: Hằng ngày, trong điều kiện thời tiết bình thường, chúng tôi thực hiện việc quan trắc 8 yếu tố khí tượng 6 tiếng/lần theo các mốc thời gian quy định. Khi thời tiết thay đổi, tùy theo diễn biến, nguy cơ thiên tai, chúng tôi sẽ tăng số lượt quan trắc lên nhiều lần và chuyển chỉ số thành mã điện để gửi về Đài.

Nếu như các quan trắc viên (QTV) trực tiếp thực hiện việc quan trắc các chỉ số thời tiết thì các dự báo viên (DBV) tại Đài KTTV liên tục trực 24/24 giờ để quan sát, theo dõi ảnh mây qua Radar vệ tinh kết hợp với thông tin tổng hợp từ các trạm khí tượng, trạm thuỷ văn để hoàn thành các bản tin dự báo thời tiết hằng ngày, tháng, mùa; dự báo, cảnh báo thời tiết thuỷ văn theo thời hạn ngắn, vừa, tháng, mùa; cảnh báo thiên tai. Tùy theo phân loại, các bản tin sẽ được chuyển cho Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Ban chỉ đạo, Đài KTTV khu vực Đông Bắc (Đài khu vực) để làm căn cứ phát sóng, tuyên truyền tình hình thời tiết trên địa bàn cho chính quyền và người dân địa phương kịp thời nắm bắt.

Để nâng cao độ chính xác trong quan trắc và dự báo, từ năm 2017 đến nay, 9 trạm KTTV đã được lắp thử nghiệm hệ thống các thiết bị điện tử, cảm biến đo tự động, truyền số liệu tự động, tiến tới thay thế phương pháp đo truyền thống. Các phương pháp này sẽ giúp cho việc quan trắc được thực hiện nhanh chóng với độ chính xác cao hơn. Cùng đó, các DBV cũng đã áp dụng hệ thống phần mềm dự báo mới. Việc ứng dụng các thiết bị điện tử, hệ thống phần mềm dự báo mới đã góp phần nâng cao chất lượng công tác quan trắc và dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai.

Ông Hà Văn Tiên, Giám đốc Đài KTTV tỉnh cho biết: Bên cạnh sự hỗ trợ của các công cụ, thiết bị hiện đại, các QTV, DBV trong đơn vị luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc. Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ, các QTV, DBV còn thường xuyên tự học hỏi, tiếp thu các kiến thức mới để nâng cao kỹ năng ứng dụng trang thiết bị, phần mềm. Nhờ đó, mức độ chính xác của các chỉ số yếu tố khí tượng, thuỷ văn do Đài KTTV tỉnh thực hiện từ năm 2016 trở lại đây thường xuyên được Đài khu vực đánh giá đạt trên 93%. Năm 2019, đơn vị nhận giấy khen của Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV với thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Bên cạnh yếu tố khách quan do diễn biến thời tiết của từng năm thì với việc dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai chính xác và kịp thời, Đài KTTV tỉnh đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCTT trên địa bàn tỉnh. Nếu như năm 2015, ước tính toàn tỉnh thiệt hại 295 tỷ đồng, 4 người tử vong do thiên tai thì từ năm 2016 trở lại đây, thiệt hại các năm ước tính trung bình chỉ còn 56 tỷ đồng; từ năm 2019 trở lại đây, không còn trường hợp nào tử vong do thiên tai.

Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban phụ trách công tác phòng, chống thiên tai – Ban Chỉ đạo PCTT và Tìm kiếm cứu nạn (Ban chỉ đạo) tỉnh cho biết: Tháng 6/2021, Ban Chỉ huy PCTT đã ký kết quy chế phối hợp với Đài KTTV tỉnh về công tác dự báo, cảnh báo KTTV phục vụ công tác PCTT. Theo đó, Đài KTTV có trách nhiệm cung cấp các thông tin về KTTV. Căn cứ vào các thông tin đó, Ban Chỉ huy sẽ đưa ra phương án chỉ đạo, điều hành kịp thời ứng phó trước diễn biến thiên tai, giúp cho chính quyền địa phương và người dân chủ động phòng tránh để giảm thiểu thiệt hại. Có thể thấy, trong công tác PCTT, Đài KTTV đóng vai trò rất quan trọng.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Đài KTTV tỉnh đã thực hiện gần 400 bản tin DBTT theo ngày, tháng, mùa và trên 500 bản tin DBTT nguy hiểm. Qua đó, chính quyền địa phương cũng như người dân trên địa bàn tỉnh chủ động “làm chủ” thời tiết và có biện pháp ứng phó kịp thời, làm giảm thiệt hại do thiên tai gây ra (từ đầu năm đến nay ước thiệt hại khoảng 500 triệu đồng, không có thiệt hại về người).

Có thể nói, bằng nhiều giải pháp đồng bộ để nâng chất lượng dự báo, cảnh báo, Đài KTTV tỉnh đã và đang góp phần thiết thực vào công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

HOÀNG NHƯ