Thứ sáu,  20/09/2024

Khôi phục chuỗi sản xuất, cung ứng cá tra

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ. Ảnh: QUỐC TUẤN

Từ tháng 7/2021 đến nay, ngành hàng cá tra phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các vấn đề như: Diện tích nuôi, sản lượng giảm; cá quá lứa do thiếu công nhân thu hoạch, nhiều doanh nghiệp chế biến ngừng hoạt động; kim ngạch xuất khẩu sụt sâu… đang khiến ngành hàng này đứng trước nguy cơ đổ vỡ chuỗi sản xuất và cung ứng.

Thống kê của Tổng cục Thủy sản cho thấy, trong lĩnh vực chế biến thủy sản nói chung, cuối tháng 6 và nửa đầu tháng 7/2021, có 449 cơ sở hoạt động. Ðến cuối tháng 7/2021 có 120 trong số 449 cơ sở ngừng sản xuất (27,6%) và đến đầu tháng 9/2021 đã có 176 trong số 449 cơ sở ngừng sản xuất (39,2%) do không đáp ứng được gánh nặng chi phí và điều kiện sản xuất “ba tại chỗ”. Riêng ngành cá tra, hiện có 106 nhà máy chế biến cá tra có đăng ký xuất khẩu tại năm tỉnh: An Giang, Ðồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long, với số lao động ước khoảng 190.000 người, thì đến đầu tháng 9 vừa qua, có 52 trong số 106 nhà máy phải tạm dừng hoạt động (chiếm 49%); số lao động phải nghỉ việc là hơn 70%.

Ðứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng

Tổng Cục trưởng Thủy sản Trần Ðình Luân cho biết: Do thiếu công nhân và phải chia ca làm việc để phòng, chống dịch cho nên tổng công suất hoạt động của các nhà máy chế biến cá tra chỉ còn khoảng 30 – 40% so với trước khi giãn cách xã hội tại 19 tỉnh, thành phố phía nam. Với những nhà máy đang sản xuất cầm chừng thì số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 20 – 30%, năng suất lao động giảm mạnh. Bên cạnh số lao động trực tiếp tại các nhà máy chế biến buộc phải nghỉ việc thì số lượng tương đương các lao động liên quan trong chuỗi sản xuất cũng bị tác động theo. Những khó khăn đó đã khiến kim ngạch xuất khẩu cá tra tháng 8/2021 giảm 31% so với tháng 7/2021, và dự báo tiếp tục giảm trong tháng 9/2021.

Không chỉ chế biến, xuất khẩu, mà hoạt động sản xuất cá tra cũng bị thu hẹp. Anh Phan Thành Mãi – hộ nuôi cá tra lâu năm tại phường An Hòa, TP Sa Ðéc, tỉnh Ðồng Tháp chia sẻ: Do giãn cách xã hội cho nên các nhà máy chế biến giảm công suất, giảm thu mua nguyên liệu đầu vào, chủ yếu sử dụng nguyên liệu từ vùng nuôi của công ty hoặc trong chuỗi liên kết nên nhiều cơ sở và hộ nuôi nhỏ lẻ không thể bán được cá. Cá đến lứa không có người thu mua, buộc phải để ứ đọng dưới ao, dẫn đến tình trạng quá cỡ, tốn thêm chi phí thức ăn, thậm chí chết nhiều và giảm chất lượng do cá bị bệnh và thịt cá ngả vàng. Cứ với đà này thì các hộ dân không còn đủ khả năng tài chính thả nuôi vụ tiếp theo.

Lo lắng của anh Mãi hoàn toàn có cơ sở, khi trong hai tháng giãn cách xã hội (tháng 7 và 8/2021), diện tích thả nuôi cá tra tại các tỉnh đã giảm khoảng 50 – 55% so với các tháng trước; sản lượng cá tra thu hoạch giảm tương ứng là 20% và 44,9% so với tháng 7 và tháng 8/2020. Ðặc biệt nửa đầu tháng 9/2021, sản lượng thu hoạch giảm 77% so với cùng kỳ.

Về vấn đề này, bà Tô Thị Tường Lan – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định: Nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất cá tra đã hiện hữu, khi các hộ kinh doanh giống đã ngưng thả giống hai tháng nay, cho nên sang năm 2022 khả năng cao sẽ thiếu giống cá tra dẫn đến thiếu nguyên liệu cục bộ. Bên cạnh đó là nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng bán hàng và doanh nghiệp buộc phải bồi thường hợp đồng do không kịp tiến độ giao hàng, thậm chí mất khách hàng, mất thị trường xuất khẩu vào các quốc gia khác có cùng chủng loại sản phẩm. Hơn nữa, để bảo đảm giao đơn hàng đúng thời hạn, các doanh nghiệp đang hoạt động buộc phải tăng ca khiến khách hàng nước ngoài lo ngại về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động, cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu. Chưa kể đến các rào cản thương mại, kỹ thuật đối với cá tra xuất khẩu vẫn đang tiếp diễn tại một số thị trường trọng điểm cũng khiến doanh nghiệp vất vả thêm bội phần. Nguy cơ thua lỗ, nợ xấu và phá sản có thể sẽ xảy ra đối với doanh nghiệp chế biến cá tra, nếu không có giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả.

Khôi phục chuỗi sản xuất, cung ứng cá tra -0
Thu hoạch cá tra ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Ảnh: THANH DŨNG  

Vực dậy ngành hàng cá tra

Theo khảo sát của VASEP, đối với các doanh nghiệp thủy sản nói chung và cá tra nói riêng, chỉ có 30 – 40% số doanh nghiệp có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội. Số doanh nghiệp còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục hoạt động sản xuất. Theo tính toán, để doanh nghiệp khôi phục được 50% công suất cần ba – sáu tháng; khôi phục 70% công suất cần chín tháng đến một năm; khôi phục 100% công suất phải mất khoảng 1,5 năm. Chính vì thế, tại thời điểm này, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa lên được kế hoạch mở lại sản xuất. Còn những nhà máy đang hoạt động “ba tại chỗ” thì chủ yếu là trả những đơn hàng đã ký chứ không dám ký thêm hợp đồng mới.

Trước thực tế đó, bà Trương Thị Lệ Khanh- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn đề xuất: Ðể doanh nghiệp sớm khôi phục hoạt động quy mô lớn, các địa phương cần điều chỉnh linh hoạt các quy định chống dịch và phương án phục hồi kinh tế. Tạo cơ chế thông thoáng, thống nhất giữa các tỉnh có nhà máy chế biến, vùng nguyên liệu để việc đi lại chăm sóc thả giống của người nuôi được thuận lợi; xem xét cho phép công đoàn thu hoạch cá di chuyển giữa các huyện và liên tỉnh, được đi đến điểm xét nghiệm và tập trung tại điểm di chuyển (bằng xe hoặc bằng ghe) để tham gia thu hoạch cá. Ðồng thời cũng đề nghị cơ quan chức năng ưu tiên tiêm vắc-xin sớm cho lực lượng lao động, cấp “thẻ xanh” cho lao động thu hoạch cá liên tỉnh… Tiến tới cho phép các nhà máy đạt số lượng nhất định về công nhân tiêm đủ hai mũi vắc-xin; quản lý kiểm soát dịch tốt, bảo đảm y tế tại chỗ… được mở rộng quy mô hoạt động tối đa.

Về phía địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết: Tỉnh sẽ dựa trên tình hình dịch Covid-19 để tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp chế biến cá tra hoạt động trở lại. Tỉnh cũng đề nghị các ngân hàng tạo điều kiện về vốn vay cho các hộ nuôi liên kết tiếp tục đầu tư thả nuôi vụ mới, bảo đảm nguyên liệu cho ngành chế biến cá tra thời gian tới. Tuy nhiên, ông Trần Anh Thư cũng nhấn mạnh, để hoạt động trở lại, doanh nghiệp cần thỏa mãn yêu cầu “ba xanh” (vùng xanh, nhà máy xanh, công nhân xanh). Về lâu dài, các doanh nghiệp lớn nên tính đến phương án xây dựng nhà máy ở các địa phương khác nhau để vận hành linh hoạt trong mọi điều kiện. Ngoài ra, sớm tính đến việc xây dựng nhà ở cho công nhân để sẵn sàng thích ứng các biến động như đang xảy ra trong đại dịch lần này. Riêng đối với các hộ nuôi cá tra chưa thực hiện liên kết, tỉnh vận động chuyển sang nuôi trồng các sản phẩm khác để tránh rủi ro về thị trường, giá cả.

Cá tra là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản. Ước tính chín tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cá tra đạt khoảng 1,054 tỷ USD. Ðể đạt mục tiêu kim ngạch cả năm 2021 là 1,6 tỷ USD thì ngay thời điểm này cần triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp hỗ trợ các hộ nuôi, doanh nghiệp, tiến tới liên kết vùng hiệu quả nhằm sớm phục hồi toàn bộ chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Như khái quát của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan: “Một miếng cá tra phi lê xuất khẩu liên quan tới rất nhiều vùng: từ vùng làm giống, ao nuôi, thức ăn đến thu hoạch, chế biến, chở ra cảng để xuất khẩu. Nếu không có liên kết vùng thì không thể làm được. Ðây chính là thời điểm chúng ta phải thực hiện liên kết vùng, trong đó tính tới phát triển không gian kinh tế toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long” ■

Theo Nhandan