Thứ sáu,  20/09/2024

Doanh nghiệp nhỏ và vừa vững vàng vượt qua đại dịch

Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Lạng Sơn ủng hộ huyện Hữu Lũng kinh phí phòng, chống dịch COVID-19

– Trong nhiệm kỳ 2016 – 2020, Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Lạng Sơn không chỉ làm tốt công tác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các hội viên, phát triển hội viên mới mà còn là ngôi nhà chung để doanh nghiệp sẻ chia khó khăn, trao đổi kinh nghiệm, phát huy bản lĩnh từng bước chuyển sản xuất kinh doanh sang trạng thái an toàn để vượt qua dịch bệnh phục hồi kinh tế và đóng góp trở lại cho xã hội phòng, chống đại dịch COVID-19.

Trong bối cảnh thế giới, trong nước có nhiều tác động như: chiến tranh thương mại, nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, nhiều hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết có hiệu lực đã ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp. Đó là những cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với cộng đồng DNNVV của Lạng Sơn trong tiến trình phát triển sản xuất kinh doanh, hội nhập kinh tế quốc tế.

Hội DNNVV với vai trò đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên trong các hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật; tổ chức tư vấn, phản biện các chính sách của tỉnh; tổ chức hỗ trợ hội viên mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh; xúc tiến thương mại, đầu tư; liên kết đào tạo tập huấn nâng cao năng lực quản trị cho các hội viên… Do đó, hội thực sự trở thành ngôi nhà chung để doanh nghiệp, doanh nhân, người lao động chia sẻ khó khăn vượt qua mọi thách thức, vươn lên trong sản xuất kinh doanh, hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Hội DNNVV đã phát huy tốt vai trò, chức năng trong việc định hướng giúp các doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện tốt mục tiêu kép: vừa chống dịch vừa sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.

Trước tác động tiêu cực của đại dịch, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh Lạng Sơn bị thu hẹp các hoạt động sản xuất, kinh doanh một số chuỗi cung ứng về nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ đầu ra của sản phẩm bị đứt gãy như: sản xuất hàng tiêu dùng; dịch vụ du lịch; vận tải; xuất, nhập khẩu…, thực hiện chỉ đạo của trung ương và của tỉnh, các DNNVV tỉnh đã khẩn trương thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch; chủ động đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tổ chức lại sản xuất, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào, mở rộng thị trường đầu ra; đổi mới phương pháp, nâng cao năng lực quản trị điều hành doanh nghiệp.

Sản xuất gạch không nung tại nhà máy gạch Phú Lộc.  Ảnh: BÙI DŨNG

Ông Lại Quốc Toản, Chủ tịch Hội DNNVV Lạng Sơn cho biết: Để thực hiện tốt “mục tiêu kép”: vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển sản xuất, kinh doanh, Ban Chấp hành hội đã quán triệt và xây dựng kế hoạch hành động, đề nghị các doanh nghiệp hội viên thực hiện tốt việc phòng dịch tại cơ sở sản xuất kinh doanh; tổ chức duy trì sản xuất, hạn chế thấp nhất việc lệ thuộc vào một thị trường; tăng cường các biện pháp nắm tình hình, lắng nghe, tiếp thu và có trách nhiệm phản ánh đầy đủ những tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp để tập hợp báo cáo tỉnh xem xét giải quyết.

Đồng thời, hội tổ chức vận động các doanh nghiệp, doanh nhân tích cực ủng hộ về vật chất, tinh thần, chia sẻ khó khăn với người lao động; đề xuất UBND tỉnh biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân điển hình tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19, hoạt động bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới…

Bên cạnh đó, hội cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền, các ngành liên quan triển khai, thực hiện kịp thời các chính sách của trung ương về hỗ trợ DNNVV gặp khó khăn do dịch COVID-19 như: các ngân hàng thương mại giảm lãi suất các khoản vay; hỗ trợ người sử dụng lao động, người lao động phải ngừng việc tạm thời; giãn, giảm  thuế cho các doanh nghiệp… giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực duy trì phục hồi sản xuất kinh doanh.

Nhờ đó, các DNNVV đã từng bước chuyển đổi hoạt động theo hướng vừa phòng, chống dịch vừa duy trì thúc đẩy sản xuất sản xuất kinh doanh thích ứng với trạng thái bình thường mới. Nhờ vậy, mặc dù ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 nhưng hầu hết các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh của DNNVV đều đạt kế hoạch đề ra. Trong giai đoạn 2016 – 2021, tổng doanh thu của các doanh nghiệp hội viên Hội  DNNVV tỉnh mỗi năm ước đạt trên 5.000 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho trên 4.000 lao động với thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng. Hằng năm, các doanh nghiệp hội viên đóng góp vào ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Gắn với đó, các doanh nghiệp đã đóng góp, hỗ trợ hàng chục tỷ đồng vào công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của tỉnh.

Phát huy tinh thần đoàn kết, ý trí tự lực tự cường, tinh thần đổi mới sáng tạo của cộng động doanh nghiệp, trong thời gian tới Hội DNNVV Lạng Sơn, tiếp tục đề ra các giải pháp, kế hoạch để định hướng kịp thời cho các doanh nghiệp thành viên ngày càng phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng an toàn bền vững.

Trong 5 năm qua, có 31 doanh nghiệp và 26 doanh nhân của Hội DNNVV được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tham gia phòng, chống dịch COVID-19; có 7 doanh nghiệp và 7 doanh nhân được nhận bằng khen của Hiệp hội DNNVV Việt nam; 7 doanh nghiệp và 7 doanh nhân được nhận bằng khen của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vì có thành tích xuất sắc trong tham gia các phong trào thi đua do Hiệp hội DNNVV và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát động.

 


Đồng bộ các giải pháp thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”

– Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Lạng Sơn đã chủ động triển khai các giải pháp để thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển sản xuất, kinh doanh. Để làm rõ vấn đề, phóng viên Báo Lạng Sơn đã trao đổi với lãnh đạo một số doanh nghiệp tiêu biểu của hội.

Ông Nguyễn Thanh Vân, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Cổ phần Vật tư Nông nghiệp Lạng Sơn: “Dựa vào nội lực, phát huy uy tín thương hiệu để vượt qua đại dịch COVID-19”.

Tác động tiêu cực của dịch COVID-19 làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty gặp không ít khó khăn, có những thời điểm nhiều mặt hàng chủ lực của công ty nhập về cung cấp cho người dân bị gián đoạn chậm trễ. Với phương châm dựa vào nội lực và phát huy uy tín thương hiệu doanh nghiệp để duy trì mở rộng sản xuất, kinh doanh, công ty đã xây dựng các kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh trong tình hình mới. Theo đó, công ty đã đẩy mạnh liên kết với các đối tác chiến lược là các tập đoàn, tổng công ty trong nước để tạo nguồn hàng ổn định chất lượng, đồng thời duy trì mạng lưới phân phối rộng khắp trên địa bàn tỉnh để đảm bảo cung ứng đủ, kịp thời vật tư nông nghiệp chất lượng cho người dân. Do đó, mặc dù diễn biến dịch bệnh phức tạp nhưng trong 10 tháng năm 2021, công ty vẫn đảm bảo ổn định hệ thống kênh phân phối với 150 cửa hàng trong phạm vi toàn tỉnh cung ứng cho thị trường 35 nghìn tấn vật tư nông nghiệp các loại, doanh thu đạt 235 tỷ đồng. Đến cuối năm 2021, công ty đã chiếm 95% thị phần đối với lĩnh vực cung ứng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Xuất, nhập khẩu Hòa An Lạng Sơn: “Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp cùng ngành nghề trong và ngoài tỉnh để duy trì sản xuất kinh doanh”.

Công ty TNHH Một thành viên xuất, nhập khẩu Hòa An kinh doanh đa ngành, đa nghề, trong đó ngành kinh doanh chính là xuất, nhập khẩu hàng hóa và vận tải. Trong bối cảnh dịch COVID-19, để duy trì hoạt động, ngoài việc nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, từ năm 2020 trở lại đây, công ty đã tăng cường liên kết với các doanh nghiệp cùng ngành nghề trong tỉnh và các tỉnh, thành khác như: Hà Nội, Thái Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh… để cung ứng, hỗ trợ thúc đẩy trao đổi tiêu thụ hàng hóa, tạo dòng chảy liền mạch thông thương trên thị trường. Nhờ đó, trong năm 2020 và 10 tháng năm 2021, các chỉ tiêu về doanh thu của công ty vẫn đạt kế hoạch đề ra, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho đội ngũ nhân viên, lái xe yên tâm lao động sản xuất gắn bó với doanh nghiệp.

Ông Trịnh Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại H&T Lạng Sơn: “Chủ động nguồn nguyên liệu để duy trì, phát triển sản xuất”.

Doanh nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ chiếu tre, trúc, ngành hàng hoạt động tương đối nhỏ hẹp, vì vậy, dịch COVID-19 xảy ra đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhằm thực hiện mục tiêu vừa duy trì sản xuất vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh trong các xưởng sản xuất, một mặt công ty quán triệt tất cả nhân viên, người lao động nghiêm túc thực hiện “5K” trong quá trình sản xuất, chấp hành do nghiêm quy định về phòng dịch công ty đề ra, một mặt, huy động mọi nguồn lực để duy trì hệ thống kênh phân phối trong phạm vi toàn quốc, công ty đặc biệt chú trọng tập trung vào giải pháp tạo nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định để duy trì sản xuất. Theo đó, bên cạnh nguồn hàng truyền thống trong tỉnh, công ty còn tìm kiếm các nguồn vật tư từ các tỉnh bạn để dự trữ, chủ động nguồn hàng cho sản xuất trong mọi hoàn cảnh. Từ chỗ có giải pháp phù hợp, thích ứng nhanh với trạng thái hoạt động mới, đến nay, công ty vẫn duy trì được chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và tiếp tục mở rộng sản xuất và thực hiện lộ trình đa dạng hóa sản phẩm.

TRANG NINH