Phát biểu mở đầu tọa đàm, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Tập đoàn cho biết, tọa đàm được tổ chức nhân Kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam.

Tọa đàm với mong muốn tuyên truyền, giới thiệu, những nội dung cơ bản về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), ghi nhận những đóng góp đối với dự thảo luật, để sau khi ban hành Luật Dầu khí sửa đổi có thể đi vào đời sống kinh tế-xã hội một cách hữu ích và hiệu quả nhất, góp phần quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc.

Sửa đổi Luật Dầu khí để góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc
Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam phát biểu.

Thông tin tại tọa đàm cho thấy, kể từ khi ra đời năm 1993, Luật Dầu khí đã có sứ mệnh, vai trò rất quan trọng mang tính quyết định đến các hoạt động của Petrovietnam (trước đây là Tổng cục Dầu khí), đặc biệt trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí – lĩnh vực cốt lõi của Tập đoàn. Trong suốt những năm qua, Petrovietnam thực hiện vai trò thay mặt Nhà nước Việt Nam ký kết hợp đồng và quản lý điều hành các hoạt động dầu khí trên biển. Thông qua đó, những người lao động dầu khí đã góp phần xây dựng và phát triển Petrovietnam có quy mô, bề dày, tiềm lực như ngày nay.

Chia sẻ tại tọa đàm, Phó tổng giám đốc PVN Lê Ngọc Sơn, nhấn mạnh, trong quá trình phát triển, trong bối cảnh quốc tế và trong nước đã có nhiều thay đổi, tác động lớn đến sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam. Chính vì vậy, việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) cho phù hợp với bối cảnh mới để loại bỏ các bất cập, vướng mắc phát sinh, nhằm hoàn thiện khung pháp lý về dầu khí, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống luật pháp trong các hoạt động dầu khí, phù hợp với các cam kết quốc tế và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.

“Cần có hành lang pháp lý để tạo cơ chế chính sách mang đặc thù dầu khí, từ đó có cơ chế xử lý các vấn đề rủi ro, đặc biệt trong hoạt động tìm kiếm thăm dò. Cụ thể, khi ký kết, tiến hành các hoạt động tìm kiếm thăm dò, chúng ta không thể biết là có dầu, có khí, hay sẽ không có gì cả… Thực tế, không ít nhà đầu tư nước ngoài khi thăm dò ở Việt Nam đã phải rời bỏ do không tìm thấy dầu khí”-ông Lê Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Sửa đổi Luật Dầu khí để góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc
Phó tổng giám đốc PVN Lê Ngọc Sơn phát biểu tại tọa đàm. 

Tại tọa đàm, bà Mai Thị Nhật Lan, quyền Trưởng ban Ban Pháp chế và Kiểm tra, PVN đã trình bày về Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) và các điểm mới sửa đổi, các điểm nổi bật trong Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện. Trong đó, tập trung vào các nhóm chính sách quan trọng trong dự thảo như: Hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí; quy định việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý; quy định về ưu đãi đầu tư dầu khí và đặc biệt ưu đãi đầu tư dầu khí; quy định về các bước triển khai dự án trong hoạt động dầu khí; quy định việc cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí…

Qua thảo luận, các đại biểu đều khẳng định, hoạt động dầu khí (tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí) có tính đặc thù và rủi ro cao (địa chất phức tạp; rủi ro về trữ lượng, an toàn cháy nổ và bảo vệ môi trường; đặc biệt với các dự án dầu khí ngoài khơi, nước sâu, xa bờ điều kiện làm việc độc lập, môi trường biển khắc nghiệt, có nhiều yếu tố nguy hiểm bất ngờ như sóng, gió bão, dòng chảy…).

Bên cạnh đó, giá dầu thô phụ thuộc vào thị trường thế giới, gần đây có những biến động bất thường nằm ngoài dự báo của các tổ chức, tư vấn quốc tế. Ở trong nước, nhiều mỏ dầu khí đã qua giai đoạn khai thác đỉnh cao đang trong đà suy giảm sản lượng nhanh, kết hợp với giá dầu biến động khó lường nên công tác kêu gọi đầu tư gặp rất nhiều khó khăn.

Sửa đổi Luật Dầu khí để góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc
Ông Nguyễn Công Dũng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Ban Tuyên giáo Trung ương.

Các đại biểu cũng cho rằng, một số vấn đề thực tế phát sinh mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí nhưng chưa được quy định cụ thể bởi Luật Dầu khí và các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật hoặc quy định chưa phù hợp, như: Chưa có quy định phù hợp cho việc tiếp nhận tài sản sau khi nhà thầu chuyển giao cho nước chủ nhà vào thời điểm kết thúc hợp đồng dầu khí để có thể khai thác tận thu tối đa nguồn tài nguyên trong thời gian còn lại. Quy định về thời hạn hợp đồng, gia hạn của hợp đồng dầu khí chưa linh hoạt để khuyến khích, ưu tiên cho nhà thầu hiện hữu đầu tư lâu dài hơn (hợp đồng có thời hạn dài hơn hoặc theo đời mỏ).

Nêu cụ thể, ông Nguyễn Công Dũng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Dầu khí, để tạo hành lang pháp lý phát triển ngành dầu khí vững mạnh. “Phát triển ngành dầu khí vững mạnh đồng nghĩa là vì sự hùng cường của quốc gia, dân tộc” ông Nguyễn Công Dũng khẳng định. Góp ý cụ thể, theo ông Nguyễn Công Dũng, Luật Dầu khí hiện tại chỉ quy định giới hạn hoạt động dầu khí ở các khâu tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí, đối với các giai đoạn khác như vận chuyển, chế biến, lọc hóa dầu, hoặc liên quan đến công tác mua sắm vật tư thiết bị, thuê dịch vụ phục vụ các hoạt động trên… hầu như được điều chỉnh bởi các luật khác. Chính vì vậy, cần có hướng sửa đổi nhằm tăng tính khả thi, hiệu quả khi thực hiện, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.