Thứ năm,  19/09/2024

Tân Thành: Tăng thu từ xen canh lúa nếp trên rừng mới trồng

– Trong những năm qua, người dân xã Tân Thành, huyện Bắc Sơn đã tận dụng những diện tích rừng trồng ở năm đầu để xen canh cây lúa, chủ yếu là lúa nếp bản địa. Nhờ đó, góp phần tăng thêm thu nhập đáng kể cho các hộ dân.

Một ngày giữa tháng 11/2021, chúng tôi có chuyến công tác vào xã Tân Thành, huyện Bắc Sơn. Trước mắt chúng tôi là những vạt đồi vàng óng màu lúa nếp đang tới kỳ thu hoạch. Thời điểm này, nhiều hộ dân xã Tân Thành đang tranh thủ thời tiết thuận lợi để khẩn trương thu hoạch lúa nếp nương.

Chị Triệu Thị Thanh, thôn Bình An phấn khởi cho biết: Từ năm 2016, mỗi năm, gia đình tôi đều thực hiện trồng mới 0,5 ha đến 0,7 ha cây lâm nghiệp. Bởi vậy, tôi đã trồng xen lúa nếp ở năm đầu mới trồng rừng, mỗi năm đem lại khoảng 20 triệu đồng từ trồng lúa nếp nương. Năm 2021, gia đình tôi cấy 20 kg giống lúa nếp xen canh trên đồi keo mới trồng đầu năm nay với diện tích gần 1 ha. Tôi tiến hành tra hạt lúa từ tháng 4 âm lịch, đến đầu tháng 10 âm lịch bắt đầu cho thu hoạch. Gia đình tôi đang tranh thủ thời tiết thuận lợi để thu hoạch, ước sản lượng năm nay đạt hơn 6 tạ gạo, với giá bán 35.000 đồng/kg, tôi sẽ thu về khoảng 20 triệu đồng.

Người dân thôn Bình An, xã Tân Thành thu hoạch lúa nếp nương

Trò chuyện với chúng tôi, ông Triệu Tiến Thọ, Trưởng thôn Bình An cho biết: Bình An là thôn có diện tích đồi rừng lớn, trong những năm qua, người dân đã đưa cây lâm nghiệp như: keo, quế, mỡ vào trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trung bình mỗi năm, người dân trong thôn trồng được hơn 40 ha rừng. Cùng với trồng rừng, người dân đã biết tận dụng diện tích rừng trồng mới ở năm đầu tiên để trồng xen canh cây lúa nếp bản địa, bởi khi cây lâm nghiệp còn thấp tạo điều kiện giúp cây lúa phát triển. Thực hiện xen canh như vậy đảm bảo được chủ trương phát triển kinh tế rừng, từ đó đem lại hiệu quả kinh tế cao trên cùng đơn vị diện tích. Cả thôn hiện có 115 hộ thì có đến 50 hộ trồng lúa nếp nương, hộ trồng ít cũng thu được 5 triệu đồng, hộ trồng nhiều có thu nhập hơn 30 triệu đồng/vụ.

Không chỉ tại thôn Bình An, nhiều hộ dân tại các thôn khác trong xã Tân Thành cũng đã tận dụng diện tích rừng trồng mới để xen canh cây lúa nếp nương. Được biết, lúa nếp nương đã được người dân xã Tân Thành đưa vào trồng từ lâu đời. Tuy nhiên, thời điểm đó người dân chỉ trồng với diện tích nhỏ phục vụ cho nhu cầu của gia đình chứ chưa bán ra thị trường thành hàng hóa. Từ năm 2015 đến nay, người dân nhận thấy việc trồng xen canh cây lúa ở rừng mới trồng trong những năm đầu đem lại lợi ích kép, bởi sau mỗi lần thu hoạch, phần gốc cây lúa sẽ phân hủy và tạo ra nguồn dinh dưỡng hỗ trợ cho cây lâm nghiệp phát triển. Do vậy, các hộ đã mở rộng diện tích trồng lúa nếp nương để bán ra thị trường, tận dụng các chân rừng mới trồng để tăng thu nhập.

Theo thống kê của UBND xã Tân Thành, toàn xã hiện có hơn 2.200 ha rừng trồng, trung bình mỗi năm, người dân trong xã trồng mới trên 60 ha. Với diện tích trồng rừng mới ở năm đầu tiên, người dân trong xã trồng xen cây khoai sọ, cây gừng, và chủ yếu là lúa nếp bản địa. Theo đó, từ diện tích rừng trồng mới, mỗi năm, bà con trồng được 25 đến 30 ha lúa nếp, tập trung tại các thôn: Bình An, Tân Vũ. Riêng năm 2021, bà con trong xã đã trồng được trên 34 ha lúa nếp nương.

Theo các hộ trồng lúa nếp nương, lúa nếp nương được trồng từ tháng 4 âm lịch, đến tháng 10 âm sẽ cho thu hoạch. Việc trồng lúa nếp nương không đòi hỏi nhiều công chăm sóc như lúa nước, chỉ cần tra hạt, lúa tự sinh trưởng mà không cần bón phân, lúa nương cũng ít sâu bệnh hại. Do nếp nương được trồng trên những đồi cao, việc thu hoạch sẽ kéo dài hơn 2 đến 3 lần so với lúa nếp cấy ở ruộng. Khi thu hoạch bà con chỉ hái bông lúa và bó thành từng bó nhỏ vận chuyển về nhà rồi phơi khô treo trên gác bếp, chờ đến dịp Tết Nguyên đán sẽ bán được với giá cao.

Được biết, lúa nếp nương cho năng suất thấp hơn các giống lúa nếp trồng ở ruộng, thế nhưng do chất lượng gạo ngon, dẻo, thơm hơn nên hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn, thị trường tiêu thụ cũng luôn ổn định. Trong 3 năm trở lại đây, gạo nếp nương ở xã Tân Thành được bán với giá 35.000 đồng/kg, thóc được bán với giá 25.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 10.000 đồng/kg so với các loại gạo nếp và thóc nếp cấy ở ruộng. Tính trung bình 1 ha lúa nếp nương sẽ đem lại thu nhập hơn 45 triệu đồng cho các hộ dân.

Ông Vy Văn Huyến, Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: Trồng xen lúa nếp nương trên diện tích rừng trồng mới là phương thức lấy ngắn nuôi dài phù hợp với thực tế của xã. Trồng xen canh như vậy không chỉ giúp người dân tăng thêm thu nhập mà còn tiết kiệm được công chăm sóc cây lâm nghiệp. Đồng thời, giữ được độ ẩm cho đất, tạo điều kiện cho cây lâm nghiệp phát triển. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền bà con mở rộng diện tích trồng xen canh lúa nếp trên rừng trồng mới. Cùng với đó, chúng tôi hướng tới xây dựng sản phẩm lúa nếp nương thành sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), từ đó, nâng cao giá trị cho sản phẩm lúa nếp nương.

Hiện nay, bà con trong xã Tân Thành đang tranh thủ thời tiết thuận lợi để thu hoạch lúa nếp nương. Theo thông tin từ UBND xã Tân Thành, vụ nếp nương năm 2021 ước năng suất đạt 18 tạ thóc/ha, đem lại thu nhập đáng kể cho các hộ dân.

CẨM HÀ - NGUYỄN PHÚC