Thứ sáu,  20/09/2024

Cho vay hộ mới thoát nghèo ở Chi Lăng: Tạo đà thoát nghèo bền vững

– Những năm qua, các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện Chi Lăng. Trong đó, nổi bật có chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo theo Quyết định 28/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, qua đó đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo bền vững với các mô hình sản xuất hiệu quả.

Bà Quách Thanh Huyền, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cho biết: “Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo được thực hiện từ năm 2015. Chương trình là một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững vì hầu hết những hộ mới được công nhận thoát nghèo có điều kiện kinh tế đã khá hơn trước nhưng vẫn chưa ổn định, rất dễ tái nghèo”.

Người dân thôn Co Hương, xã Hữu Kiên sử dụng nguồn vốn ưu đãi phát triển mô hình chăn nuôi ngựa bạch

Để thực hiện hiệu quả chương trình, Phòng Giao dịch huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn; các tổ chức hội nhận ủy thác tuyên truyền về chính sách vốn đến đối tượng thụ hưởng. Hằng năm, trên cơ sở danh sách thoát nghèo, thoát cận nghèo được UBND xã phê duyệt, các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn sẽ tiếp cận trực tiếp đến hộ dân để tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ vay vốn theo quy định.

Hộ anh Hoàng Văn Siều, thôn Hợp Nhất, xã Thượng Cường là một trong những hộ tiêu biểu sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi. Trước đây, gia đình anh là hộ nghèo, được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH huyện đầu tư chăn nuôi, nhờ sử dụng vốn hiệu quả năm 2019, gia đình anh thoát nghèo. Đến năm 2020, gia đình anh tiếp tục được bình xét cho vay chương trình hộ mới thoát nghèo để phát triển kinh tế. Anh Siều chia sẻ: “Được vay 50 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo, gia đình tôi có vốn mở rộng mô hình chăn nuôi bò sinh sản và chăn nuôi lợn, thu nhập đem lại trên 100 triệu đồng/năm. Nhờ nguồn vốn chương trình, gia đình tôi được tiếp sức phát triển, yên tâm làm ăn, không lo tái nghèo”.

Không chỉ gia đình anh Siều, từ khi triển khai chương trình (năm 2015) đến nay, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã giải ngân 71,2 tỷ đồng cho 1.383 lượt hộ vay. Các hộ được vay sử dụng vốn để trồng, chăm sóc rừng, cây ăn quả, chăn nuôi trâu, bò… Trong đó, riêng từ đầu năm 2021 đến nay, Phòng Giao dịch huyện đã giải ngân cho khoảng 200 hộ vay 12,1 tỷ đồng. Chương trình đã kịp thời tiếp sức cho các hộ mới thoát nghèo tiếp tục có điều kiện đầu tư thực hiện các mô hình kinh tế hiệu quả. Cụ thể, nguồn vốn đã giúp hộ mới thoát nghèo trồng và chăm sóc được hơn 1.400 ha rừng; gần 1.700 ha cây ăn quả; chăn nuôi được gần 1.000 con trâu, bò và 500 con ngựa bạch…

Bà Quách Thanh Huyền, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cho biết thêm: Ngay khi nhận được chỉ tiêu từ cấp trên giao, đơn vị đã tham mưu cho Ban dại diện huyện phân bổ kịp thời nguồn vốn ưu đãi đến các xã, thị trấn để triển khai cho vay. Trong quá trình triển khai, phòng điều chỉnh linh hoạt giữa các nguồn vốn: hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo để đáp ứng được nhu cầu vay tại từng thời điểm của người dân. Sau khi cho vay, phòng phối hợp với chính quyền cơ sở cùng các tổ chức hội, đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn kiểm tra thường xuyên nên các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, chương trình không có nợ quá hạn.

Cùng với các chương trình, mục tiêu khác của huyện, chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo đã tạo đà giúp các hộ thoát nghèo bền vững. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện trung bình từ 3% đến 4%/năm. Nhờ nguồn vốn chương trình các hộ vay vốn không còn bị tái nghèo. Hiện nay, chương trình này của huyện Chi Lăng có dư nợ lớn nhất toàn tỉnh.

HIỂU LAM