Thứ sáu,  20/09/2024

Ngành ngân hàng: Tiên phong chuyển đổi số

– Xác định chuyển đổi số không còn là xu hướng mà là nhiệm vụ bắt buộc, là cơ hội để ngành ngân hàng bứt phá, phát triển, thời gian qua, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã tập trung triển khai  chuyển đổi số, phát triển các dịch vụ ngân hàng số hiện đại, tiện ích nhằm gia tăng trải nghiệm và gắn kết khách hàng.

Tại Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nêu rõ: tài chính – ngân hàng là một trong những lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hằng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí, cần ưu tiên chuyển đổi số trước. Hiện nay, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã và đang có những bước tiến mạnh mẽ trong thực hiện chuyển đổi số với nhiều dịch vụ mới, hiện đại.

Cán bộ ngân hàng hướng dẫn khách hàng sử dụng phần mềm E-Mobile Banking tại Agribank Lạng Sơn

Là một trong những đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số, thời gian qua, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Lạng Sơn (BIDV Lạng Sơn) đã tích cực triển khai nhiều sản phẩm dịch vụ mới, nhằm tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng với các hình thức thanh toán hiện đại. Ông Trần Lệnh Hưng, Trưởng Phòng Khách hàng cá nhân cho biết: Để tăng cường giao dịch trên các kênh ngân hàng điện tử, BIDV Lạng Sơn đã tích cực triển khai ngân hàng số thông qua các sản phẩm dịch vụ như: BIDV SmartBanking, mở tài khoản trực tuyến eKYC, rút tiền bằng QR Pay,… Đến thời điểm hiện tại, đã có 31.027 tài khoản thực hiện đăng ký các ứng dụng giao dịch ngân hàng số SmartBanking của BIDV (chiếm gần 80%).

Tương tự như BIDV Lạng Sơn, thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Chi nhánh Lạng Sơn (Agribank Lạng Sơn) cũng tích cực đẩy mạnh triển khai dịch vụ mở tài khoản trực tuyến trên ứng dụng Agribank E-Mobile Banking. Bà Đinh Thị Hồng Giang, Trưởng Phòng Dịch vụ và Marketing Agribank Lạng Sơn khẳng định: Để hỗ trợ khách hàng chuyển đổi từ giao dịch tại quầy sang giao dịch trên các kênh ngân hàng điện tử, Agribank Lạng Sơn miễn phí giao dịch trên ứng dụng E Mobile Banking cho khách hàng thực hiện giao dịch trên ứng dụng. Ngoài ra, tất cả các khách hàng gửi tiền online qua ứng dụng sẽ được miễn phí mở, đóng tài khoản tiền gửi trực tuyến. Riêng trong năm 2021, đã có 25.800 khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ E- Mobile           Baking. Thời gian tới, Agribank Lạng Sơn tiếp tục đẩy mạnh cung cấp đầy đủ các dịch vụ tài chính ngân hàng cơ bản như: chuyển tiền, gửi tiền online, thanh toán hóa đơn, thanh toán QR, nạp tiền điện thoại, đặt vé tàu, xe… đáp ứng được các nhu cầu giao dịch thường nhật của khách hàng.

Không chỉ riêng 2 ngân hàng trên, khoảng 5 năm trở lại đây, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã cho ra đời những sản phẩm dịch vụ tiện ích trên nền tảng ứng dụng số. Để thực hiện chuyển đổi số, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo sát sao tới chi nhánh các tổ chức tín dụng trên địa bàn tích cực phối hợp với sở, ban, ngành liên quan triển khai các hình thức thanh toán điện tử để phục vụ công tác chuyển đổi số; mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia mở tài khoản, thanh toán trực tuyến qua cửa hàng số, sàn thương mại điện tử. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào các dịch vụ ngân hàng cốt lõi, như: mở tài khoản, thanh toán, chuyển tiền, gửi tiết kiệm,… đều có thể trực tuyến, mở rộng điểm chấp nhận thanh toán QR code. Bên cạnh đó, vẫn đảm bảo các giao dịch diễn ra an toàn, thông suốt, hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa khách hàng và nhân viên ngân hàng, góp phần thực hiện tốt công tác, phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến ở mọi nơi, từ các siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng tạp hóa… giúp khách hàng có nhiều lựa chọn khi thanh toán, thay vì giao dịch bằng tiền mặt như trước đây.

Cán bộ tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Chi nhánh Tràng Định hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ E MobileBanking

Chị Nông Thị Thùy Trang, khối phố Trần Hưng Đạo, thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia cho biết: Tôi làm nhân viên văn phòng nên thường xuyên về muộn, để thanh toán các khoản tiền dịch vụ của gia đình như: cước phí Internet, điện, nước… tôi đã đăng ký thông báo số tiền và trích lập thanh toán tự động hằng tháng qua tài khoản ngân hàng. Từ khi đăng kí sử dụng ứng dụng Lien Viet 24h của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt, tôi không phải lo lắng việc quên mang theo tiền mặt mỗi khi mua sắm. Chỉ cần điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng ngân hàng số là yên tâm.

Bà Trương Thu Hòa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cho biết: Trong bối cảnh hiện nay, để thúc đẩy chuyển đổi số, việc mở rộng các mô hình ngân hàng số là vô cùng cần thiết, tạo nên lợi thế cạnh tranh của các ngân hàng. Thời gian tới, để các hoạt động chuyển đổi đi đúng hướng, đạt kết quả cao và tạo sức mạnh lan tỏa, ngành ngân hàng đã đề ra lộ trình triển khai các giải pháp, nhiệm vụ phù hợp. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan tập trung thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán các dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ mới dựa trên nền tảng số. Đồng thời, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cũng đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để khách hàng hiểu đầy đủ, hiểu đúng về các sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử, từ đó, yên tâm đăng ký và sử dụng. Mục tiêu đến năm 2025, các tổ chức chi nhánh tín dụng trên địa bàn đạt 50% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử, ví điện tử; 60% giao dịch khách hàng được thực hiện thông qua kênh số…

Với những lợi ích không thể phủ nhận như: giảm chi phí giao dịch, gia tăng lợi nhuận, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng trải nghiệm cho người dùng… chuyển đổi số là bước đi cần thiết hiện nay đối với ngành ngân hàng. Tuy nhiên, với yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, các ngân hàng cần chú trọng đảm bảo các sản phẩm, dịch vụ thanh toán có độ an toàn cao và tăng tính bảo mật. Góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh và hoàn thành kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của toàn ngành ngân hàng

MAI LINH - KIM HUYÊN