Thứ sáu,  20/09/2024

Tràng Định: Tăng thu từ làm bánh phồng

– Bánh phồng hay còn gọi là pẻng khua (bánh cười) từ lâu là một món ăn truyền thống trong dịp tết của người dân huyện Tràng Định. Trong 5 năm trở lại đây, bánh phồng đã trở thành sản phẩm hàng hóa, được nhiều người ưa chuộng và biết đến, từ đó, đem lại thu nhập khá cho người sản xuất.

Gia đình bà Hoàng Thị Bé, khu 4, thị trấn Thất Khê là một trong những hộ làm bánh phồng lâu năm trên địa bàn huyện. Trung bình mỗi năm, gia đình bà sản xuất được từ 1,5 đến 2 tấn bánh phồng khô (chưa chao) bán ra thị trường, đem lại thu nhập trên 60 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Bà Bé cho biết: Gia đình tôi làm bánh phồng đã được gần 20 năm. Tuy nhiên, mới đầu tôi chỉ làm số lượng ít, từ 2 đến 3 tạ/vụ. Từ năm 2014 trở lại đây, nhận thấy nhu cầu của khách hàng về món ăn này ngày càng nhiều, tôi đã tăng sản lượng lên gấp 6 đến 8 lần. Hiện nay, sản phẩm của gia đình tôi không chỉ được tiêu thụ trong huyện  mà còn được tiêu thụ ở các huyện khác trong tỉnh và một số tỉnh, thành như: Hà Nội, Bắc Giang…

Người dân thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định phơi bánh phồng phục vụ dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022

Không chỉ có gia đình bà Bé, trên địa bàn huyện còn nhiều hộ làm bánh phồng bán, đem lại thu nhập khá. Theo số liệu từ Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện, toàn huyện hiện có hơn 40 gia đình làm bánh phồng để bán. Trong đó, tập trung nhiều tại thị trấn Thất Khê, xã Đại Đồng, xã Chi Lăng… Thời điểm làm bánh phồng rộ nhất là vào cuối năm, giáp Tết Nguyên đán. Theo đó, trung bình mỗi năm, người dân sản xuất được 30 đến 35 tấn bánh khô ra thị trường, đem lại giá trị trên 2,8 tỷ đồng mỗi năm. Hiện nay, bánh phồng khô được người dân bán với giá dao động từ 75.000 đến 80.000/kg. Ngoài ra, người dân còn bán bánh phồng thành phẩm với giá dao động từ 10.000 đến 15.000/gói (gồm có từ 10 đến 12 thanh bánh). Hộ sản xuất bánh phồng có thu nhập cao đạt hơn 60 triệu, hộ thu nhập thấp cũng đạt hơn 10 triệu đồng/năm.

Ông Hoàng Văn Hải, Giám đốc HTX Nông sản sạch Tràng Định cho biết: Từ năm 2017 đến nay, Trung bình mỗi năm tôi đem sản phẩm bánh phồng Tràng Định đi quảng bá, giới thiệu tại 5 đến 10 hội, chợ các tỉnh bạn. Qua đánh giá của khách hàng, bánh phồng Tràng Định ngon, thơm, ăn giòn và được khách hàng ưa thích. Ngoài tham gia hội chợ, tôi cũng mở cửa hàng bán đặc sản Tràng Định tại thành phố Lạng Sơn, trong đó có bán bánh phồng để cho khách hàng tại thành phố và khách du lịch đến tham quan thưởng thức.

Theo những hộ làm bánh phồng ở huyện Tràng Định, để làm ra bánh phồng thương phẩm đưa đến tay người tiêu dùng phải trải qua nhiều công đoạn như: chọn gạo nếp ngon, phơi khô lá rau đay với lá chuối hột để đốt lấy tro, sau đó ngâm gạo nếp với nước tro để giúp bánh mềm, ngon. Tiếp theo, đến công đoạn đồ gạo nếp, sau khi đồ sắp xong, các hộ làm bánh sẽ say khoai môn thành bột và pha với chút rượu rồi đổ vào nồi xôi đang đồ và khuấy đều. Sau đó mang xôi ra giã bằng tay và cán thành những miếng bánh hình tròn, mỏng, cắt thành từng miếng bánh phồng bằng hai ngón tay rồi đem phơi là có bánh phồng khô . Trong đó, công đoạn giã bánh là công đoạn mất nhiều thời gian và công sức nhất. Mặc dù hiện nay đã có nhiều máy móc giã bánh được bán trên thị trường, thế nhưng các hộ làm bánh ở đây vẫn giã thủ công bằng tay để bánh được ngon hơn.

 Mặc dù sản phẩm bánh phồng Tràng Định đã được đưa ra thị trường, thế nhưng thời gian qua, sản phẩm này vẫn chưa được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Do vậy, để nâng cao giá trị sản phẩm, ngày 26/5/2021, Sở Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 77 phê duyệt kết quả tuyển chọn tổ chức và cá nhân thực hiện dự án “xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm bánh phồng của huyện Tràng Định”.

 Theo thông tin từ Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Tràng Định, từ tháng 6/2021, đơn vị đã phối hợp với Công ty TNHH Tư vấn phát triển thương hiệu Hoàng Trần (tại thành phố Hà Nội) tổ chức hội thảo đánh giá cảm quan và góp ý, thống nhất bộ tiêu chí, các tài liệu nộp đơn, văn bản quản lý nhãn hiệu tập thể bánh phồng Tràng Định. Cùng với đó, tiến hành khảo sát, đánh giá sản phẩm  thực trạng sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm…

Ông Nguyễn Như Bình, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Tràng Định cho biết: Bánh phồng là một món ăn đặc sản của huyện Tràng Định. Làm bánh phồng cũng là phong tục của người dân nơi đây để cúng tổ tiên trong những ngày Tết. Hiện nay, sản phẩm này đã phát triển thành sản phẩm hàng hóa và có chỗ đứng trên thị trường, do vậy, chúng tôi sẽ phối hợp với đơn vị tư vấn nhanh chóng hoàn thiện các nội dung liên quan đến xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm bánh phồng Tràng Định (dự án xây dựng nhãn hiệu tập thể cho bánh phồng được triển khai từ tháng 6/2021 đến tháng 11/2022).  Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị và khẳng định thương hiệu sản phẩm của huyện.

Có thể thấy, từ một món ăn truyền thống người dân huyện Tràng Định đã giữ gìn và phát triển thành sản phẩm hàng hóa, giúp họ tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

CẨM HÀ - NGUYỄN PHÚC