Thứ năm,  19/09/2024

Đổi thay trên Khu du kích Ba Sơn

– Khu du kích Ba Sơn (DKBS) nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh, bao gồm các xã: Xuất Lễ, Cao Lâu, Mẫu Sơn, Công Sơn (Cao Lộc). Nơi đây từng ghi dấu nhiều chiến công của quân và dân các dân tộc huyện Cao Lộc, góp phần quan trọng vào chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950. Truyền thống đấu tranh cách mạng ấy không chỉ được phát huy trong chống giặc ngoại xâm mà còn được phát huy tích cực ở thời kỳ đổi mới, tạo nên sự đổi thay mạnh mẽ của một vùng Xứ Lạng.

   Tranh thủ mọi nguồn lực

Phát huy mạnh mẽ truyền thống yêu nước, cách mạng từ chiến tranh, ngày nay, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các xã trong khu du kích Ba Sơn xưa đã huy động, tranh thủ và tận dụng mọi nguồn lực để tập trung xây dựng địa bàn, tạo những đổi thay từ diện mạo đến đời sống Nhân dân.

Dưới sự định hướng của các cấp ủy đảng, Nhân dân nơi đây đã chủ động khai thác thế mạnh để phát triển trồng rừng cùng các nghề truyền thống bằng các nguồn vốn của gia đình và vốn từ các chương trình hỗ trợ của nước nước. Đặc biệt trong đó phải kể đến các nguồn hỗ trợ từ Đoàn Kinh tế – quốc phòng (KTQP) 338 trong việc tập trung xây dựng Khu kinh tế – quốc phòng biên giới dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng thông qua các dự án phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn biên giới của Nông lâm trường 196 thuộc Đoàn KTQP 338 đóng quân trên địa bàn xã Xuất Lễ. Bằng nguồn vốn này, dưới sự hướng dẫn, trợ giúp của cán bộ, chiến sĩ Nông lâm trường, Nhân dân trên địa bàn Khu DKBS đã đẩy mạnh trồng rừng, xây dựng bản biên giới, làm đường giao thông, kênh mương thủy lợi, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.

Cán bộ Nông Lâm trường 196 kiểm tra cây con giống phục vụ trồng rừng

Chia sẻ những thông tin về vai trò của cán bộ, chiến sĩ trong trợ giúp nhân dân thuộc địa bàn nơi đơn vị đóng quân, Thượng tá Bùi Việt Xô, Chính trị viên Nông Lâm trường 196 cho biết: Để thực hiện chương trình, đơn vị đã khảo sát, lập quy hoạch tổng thể, ưu tiên xây dựng các công trình quan trọng, cấp thiết, như: hệ thống giao thông, thủy lợi, công trình nước sạch, các công trình thiết yếu trong khu dân cư tập trung. Cùng đó, để làm thay đổi suy nghĩ của người dân, đơn vị thường xuyên tổ chức các tổ, đội công tác xuống các thôn bản tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là nâng cao nhận thức về lợi ích, hiệu quả kinh tế từ trồng rừng đem lại.

Từ sự hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn của cán bộ, chiến sỹ Nông lâm trường, người dân trong khu vực đã tranh thủ và tận dụng triệt để mọi điều kiện để đẩy mạnh phát triển trồng thông, đưa cây thông trở thành cây trồng chủ lực giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương. Từ năm 2001 đến nay, toàn địa bàn đã có 898 lượt gia đình được bàn giao quản lý, chăm sóc, khai thác 1.990,44 ha rừng do Nông lâm trường trồng. Hiện diện tích rừng được trồng từ năm 2001 đến 2007 đã cho khai thác nhựa, đem lại nguồn thu nhập ổn định, lâu dài cho bà con nơi đây. Diện tích rừng được trồng từ năm 2008 đến 2013, Nhân dân đang tiếp tục chăm sóc, bảo vệ, chờ đến tuổi khai thác.

   Chung sức tạo đổi thay

Nếu ai có dịp đến xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc – mảnh đất từng là trọng điểm của Khu DKBS trong những năm kháng chiến chống Pháp sẽ thấy sự đổi mới trên khắp các bản làng. Dọc hai bên đường đến xã, đến thôn là một màu xanh ngút ngàn của rừng thông, điểm tô trên nền xanh ấy là những ngôi nhà mái đỏ tươi, xa xa xuất hiện những khu dân cư đông đúc với nhiều ngôi nhà hai, ba tầng kiên cố… Sự sinh động ấy trong bức tranh miền sơn cước chính là những nét đổi thay về diện mạo một vùng đất cách mạng, giàu truyền thống văn hóa.

Múa sư tử tại lễ hội Ba Sơn năm 2019

Đồng chí Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc cho biết: Từ sự nỗ lực của người dân cùng với sự đầu tư của Nhà nước thông qua các dự án trồng rừng, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn kỹ thuật, đời sống của bà con trên địa bàn Khu DKBS năm xưa không ngừng được nâng lên. Tại các xã, nhiều hộ dân đã xây được nhà kiên cố; trạm y tế, trường học được xây dựng khang trang, hệ thống đường giao thông liên thôn được cứng hóa, tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại, giao thương, nhất là việc vận chuyển hàng hóa đến phục vụ bà con các thôn, bản vùng cao, biên giới.

Cùng với những đổi thay ở diện mạo vùng kháng chiến năm xưa thì sự no ấm, đủ đầy về đời sống vật chất và tinh thần của người dân chính là sự đổi thay lớn nhất, đánh dấu bước ngoặt trên chặng đường phát triển nơi mảnh đất biên cương phía Đông Bắc của tỉnh.

Để người dân đảm bảo thu nhập và đời sống ổn định, từng bước vươn lên làm giàu, hằng năm, các xã đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và nâng dần các tiêu chí đạt nông thôn mới nâng cao. Cùng với đồng loạt triển khai các tiêu chí, cấp ủy, chính quyền định hướng các thôn chú trọng xóa đói, giảm nghèo, tạo dựng nền tảng để huy động sức dân tham gia mạnh mẽ vào hoàn thiện các tiêu chí khác.

Điển hình như xã Xuất Lễ, năm 2020 đã đạt chuẩn nông thôn mới với tổng nguồn lực huy động cho xây dựng các hạng mục công trình trên 206 tỷ đồng. Hiện thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt khoảng 35 triệu đồng/người/năm, mỗi năm, xã giảm từ 2 đến 3% hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 còn 10,76%, giảm nhiều so với nhứng năm trước. Ông Vi Văn Phùng ở thôn Co Chí, xã Xuất Lễ chia sẻ: Tận dụng lợi thế địa bàn, gia đình tôi đẩy mạnh trồng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng. Hiện gia đình tôi có hơn 10 ha rừng thông, mỗi năm khai thác nhựa thông đem bán cho thu nhập từ 120 đến 130 triệu đồng, nhờ đó đã mua sắm được nhiều vật dụng, phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.

Khi đời sống của Nhân dân được nâng lên, việc huy động sức dân vào các phong trào chung của thôn, của xã cũng dễ dàng hơn. Ví như việc làm đường, người dân sẵn sàng hiến những “tấc vàng” đề mở rộng và làm mới đường. Riêng năm 2021, Nhân dân xã Xuất Lễ đã đóng góp trên 100 triệu đồng mua vật liệu làm đường giao thông nông thôn và 11 gia đình đã hiến đất để mở rộng đường giao thông.

Với xã Cao Lâu, nhiều hộ đã nỗ lực phát triển sản xuất, xóa đói nghèo. Đồng chí Hoàng Văn Điều, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cao Lâu cho biết: Từ năm 2020 đến 2021, xã Cao Lâu đã xây dựng thành công 5 thôn nông thôn mới. Trong đó, riêng năm 2021, xã đã tổ chức vận động Nhân dân làm được 9 bể nước, 39 nhà tắm, 48 nhà vệ sinh; bê tông hóa được 635,5 m đường. Đặc biệt, xã đã triển khai phát triển kinh tế số trên địa bàn, tổ chức cài đặt ứng dụng được 471 cửa hàng số, trong đó có 33 hộ có vai trò đầu tàu. Hiện xã đã đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới.

Từ sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền; sự trợ giúp của các đơn vị bộ đội, đặc biệt là sự nỗ lực của người dân, hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn khu đã giảm đáng kể. Theo thống kê, giai đoạn năm 2016 – 2021, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn vùng dự án đã giảm từ 39,91% xuống còn 15,73%. Đời sống người dân được cải thiện, nâng cao. Địa bàn đã xuất hiện nhiều hộ có kinh tế khá giả với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Giờ đây, trên khắp các bản làng vùng căn cứ Khu DKBS năm xưa đã và đang có những đổi thay tích cực. Hằng năm, cứ mỗi độ hoa đào, hoa mận nở, người dân Khu DKBS lại nô nức trẩy hội Ba Sơn (tức ngày 6/2 âm lịch). Tại lễ hội, Nhân dân ôn lại truyền thống cách mạng của Khu DKBS và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, giúp người dân hiểu rõ hơn về lịch sử hào hùng, những chiến công vang dội của Khu DKBS trong kháng chiến chống Pháp. Đồng thời, khơi dậy tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực để tiếp tục phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

NÔNG ĐÌNH QUANG