Thứ sáu,  20/09/2024

Xã Chi Lăng điểm sáng phát triển kinh tế số

– Thời gian qua, chương trình phát triển kinh tế số trên địa bàn xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng đã được cấp ủy, chính quyền cơ sở triển khai hiệu quả, trở thành điểm sáng và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen trong phát triển kinh tế số.

Xã Chi Lăng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp với nhiều loại nông sản đa dạng. Đi đôi với đó, việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ luôn được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm. Từ giữa tháng 6/2021, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND huyện Chi Lăng lựa chọn xã Chi Lăng là xã điểm thực hiện phát triển kinh tế số. Theo đó, UBND huyện phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn về phát triển kinh tế số cho cán bộ xã.

Công an xã Chi Lăng hướng dẫn người dân các bước giao dịch trên sàn TMĐT

Ông Trần Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ những nội dung đã được tập huấn, chúng tôi xác định chương trình phát triển kinh tế số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, xã đã lên kế hoạch đẩy mạnh triển khai chương trình theo từng bước cụ thể, trong đó, chú trọng xây dựng lực lượng nòng cốt hướng dẫn các hộ trên địa bàn xã triển khai thực hiện.

Cụ thể, UBND xã đã phối hợp với Bưu điện huyện mở lớp tập huấn cho lực lượng nòng cốt là các cán bộ, công chức xã, trưởng các tổ chức đoàn thể, công an, bí thư chi bộ, trưởng thôn. Qua đó, 100% lực lượng nòng cốt đều thuần thục kỹ năng trên sàn thương mại điện tử (TMĐT), phục vụ tốt cho việc hướng dẫn người dân trong thôn thực hiện phát triển kinh tế số.

Bên cạnh đó, UBND xã phối hợp với Bưu điện huyện, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cùng tổ chức các lớp tập huấn trực tiếp tại các thôn, hướng dẫn người dân cách tạo tài khoản trên sàn TMĐT, cách bán hàng trên sàn TMĐT. Đồng thời, đội ngũ cán bộ ngân hàng hướng dẫn người dân làm thẻ ngân hàng nhằm dễ dàng cho việc thanh toán trên sàn TMĐT.

Song song với việc hướng dẫn trực tiếp, UBND xã cũng thực hiện tuyên truyền phát triển kinh tế số trên hệ thống thông tin điện tử của xã, trên loa truyền thanh với tần suất 2 lượt/ngày, treo khẩu hiệu tại các khu đông dân cư. Qua đó, nhằm thay đổi nhận thức của người dân về chuyển đổi phương thức bán hàng truyền thống sang nền tảng công nghệ.

Đặc biệt, UBND xã thành lập các tổ công nghệ cộng đồng phát triển kinh tế số. Theo đó, trên địa bàn xã có 11 tổ, mỗi tổ từ 5 đến 7 người. Các tổ công nghệ cộng đồng này có nhiệm vụ tiếp tục triển khai trực triển phát triển cửa hàng số, tài khoản thanh toán điện tử trên địa bàn các thôn như: hướng dẫn trực tiếp các hộ đăng ký cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử, hỗ trợ hộ dân mua bán sản phẩm hàng hoá trên sàn TMĐT.

Ông Chu Văn Thương, Trưởng thôn Bãi Hào, xã Chi Lăng cho biết: Để vận động người dân trong thôn tham gia chương trình phát triển kinh tế số, tổ công nghệ cộng đồng chúng tôi trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản trên sàn TMĐT tại các buổi họp thôn. Đồng thời, phân chia 2 hoặc 3 người phụ trách hướng dẫn 20 hộ dân, trong đó, trước tiên chúng tôi hướng vào các đối tượng trẻ, nắm bắt nhanh về công nghệ. Nhờ vậy, hiện nay, hầu hết các hộ trong thôn đều có gian hàng trên sàn TMĐT.

Nhờ nỗ lực thực hiện các giải pháp trên, hiện nay, xã Chi Lăng có 810/1.280 hộ có gian hàng trên sàn giao dịch điện tử postmart.vn, đạt 63,2% (vượt chỉ tiêu đề ra), tất cả các hộ đều có tài khoản thanh toán điện tử như: ví VietnamPostPay, các loại tài khoản của nhiều ngân hàng khác nhau và có 10% hộ đầu tàu tạo ra các sản phẩm và bán hàng trên sàn postmart.vn. Các sản phẩm được giao dịch qua sàn TMĐT gồm các mặt hàng nông sản như: xoài, na, nụ vối, măng ớt, hành, tỏi khô… Qua chương trình phát triển kinh tế số, nhiều hộ dân đã bán hàng thuận lợi và đạt hiệu quả như hộ: Mã Văn Lét (thôn Quán Thanh), Hoàng Hồng Nhung (thôn Ga), Lý Văn Tân (thôn Làng Đồn)…

Ông Lăng Văn Hưng, thôn Bãi Hào cho biết: Tháng 7/2021, tôi được cán bộ xã hướng dẫn đăng ký mở tài khoản và gian hàng trên sàn TMĐT postmart.vn. Từ đó, tôi đã biết cách trao đổi mua bán trên nền tảng số. Vụ na năm nay, tôi có trên 100 đơn đặt hàng với với số lượng trên 5 tạ giao dịch trên sàn TMĐT. Nhờ đó, việc bán hàng của tôi thuận lợi hơn, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Việc thực hiện chương trình kinh tế số đã từng bước đi vào đời sống người dân xã như một nhu cầu thiết yếu của quá trình phát triển sản xuất, giúp chuyển đổi phương thức mua, bán truyền thống sang nền tảng công nghệ số, đảm bảo đầu ra sản phẩm đa dạng, giá thành ổn định.

Nhờ các giải pháp và kết quả trên, tháng 12/2021, UBND xã Chi Lăng vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 1.

Thời gian tới, UBND xã tiếp tục hỗ trợ người dân phát triển các cửa hàng số, đưa các mặt hàng nông sản lên sàn TMĐT nhằm quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước,  giảm áp lực trong khâu tiêu thụ, thanh toán, vận chuyển nhanh chóng.

HỒ DUNG