Thứ sáu,  20/09/2024

Văn Quan:Người chăn nuôi cá lồng khó khôi phục sản xuất

– Trong đợt mưa lớn đầu tháng 5/2022, nhiều người chăn nuôi cá lồng tại Văn Quan bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ. Đến nay, việc khôi phục sản xuất của các hộ trên còn gặp nhiều khó khăn.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Văn Quan, toàn huyện hiện có khoảng 150 lồng cá. Trong đợt mưa lớn ngày 9/5, có hơn 140 lồng cá của trên 70 hộ dân bị thiệt hại do mưa lũ. Trong đó, có khoảng 30 lồng quây, số còn lại là lồng treo. Gần như toàn bộ các lồng cá bị thiệt hại đều nằm trên địa bàn thị trấn Văn Quan.

Nhiều hộ chăn nuôi cá lồng tại thị trấn Văn Quan gặp khó khăn trong khôi phục sản xuất

Trước thực tế đó, ngay khi nước lũ rút, Phòng NN&PTNT huyện đã khẩn trương rà soát tình hình và chủ động các giải pháp hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất. Đơn vị đã chủ động phối hợp với chính quyền cơ sở có hộ chăn nuôi cá lồng tập trung tuyên truyền, hướng dẫn bà con về các nội dung như: vệ sinh ao hồ bị ngập úng; tu sửa, gia cố lồng bè để đảm bảo an toàn mùa mưa bão; kỹ thuật chọn con giống…

Mặc dù vậy, trong hơn 2 tháng qua, việc tái thiết sản xuất của người chăn nuôi cá lồng còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, một trong những nguyên nhân lớn là do thiếu vật tư để tu sửa, thay mới lồng bè. Cụ thể, người nuôi cá lồng tại Văn Quan thường mua lưới quây từ tỉnh Quảng Ninh về để thiết kế lồng, do đây là loại lưới có độ bền cao, thời gian sử dụng rất dài. Tuy nhiên hiện nay, trên địa bàn không còn đơn vị nào cung cấp loại lưới này. Ông Triệu Văn Vượng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi cá lồng Tân Minh, thị trấn Văn Quan cho biết: HTX có 4/40 lồng cá bị lũ gây hư hại nặng, một số lồng bị hỏng hóc nhẹ. Các lồng cá bị rách lưới, hỏng phao do nước lũ. Đến nay, chúng tôi đã tu sửa lại một số lồng cá. Tuy nhiên hiện nay, nguồn cung về lưới quây không có khiến HTX chưa thể thay thế, khắc phục hoàn toàn.

Trao đổi với một số hộ nuôi cá lồng tại thị trấn Văn Quan, chúng tôi được biết: không chỉ riêng HTX Chăn nuôi cá lồng Tân Minh, do không thể tìm mua được lưới quây, nhiều hộ nuôi cá lồng vẫn chưa thể tu sửa lại lồng cá để tiến hành thả cá.

Cùng với việc thiếu vật tư, môi trường nước sau mưa lũ bị ảnh hưởng lớn. Đến nay, môi trường vẫn chưa an toàn trở lại cũng khiến người dân e ngại và chưa tiến hành thả lứa cá mới. Ông Lục Việt Thắng, người chăn nuôi cá lồng tại khu Đức Hinh, thị trấn Văn Quan cho biết: Gia đình tôi có 1 lồng cá trắm gần 1.000 con bị nước lũ cuốn trôi hoàn toàn. Sau khi nước lũ rút, vẫn còn một số loại rác thải, đất đá đọng lại tại lòng sông khiến môi trường sống của cá bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, do nuôi trên sông, việc cải tạo, vệ sinh môi trường là rất khó. Do vậy, dù lũ lớn đã trôi qua hơn 2 tháng, tôi vẫn chưa thể tiến hành thả lứa cá mới.

Ngoài 2 lý do trên, hiện nay, được sự tuyên truyền của cơ quan chuyên môn, các hộ sử dụng lồng quây đã loại bỏ lồng quây, thay thế hoàn toàn bằng lồng treo, tuy nhiên, chi phí để thiết kế 1 lồng cá lên tới hơn 6 triệu đồng, chưa kể các chi phí khác như: cá giống, thức ăn… Trong khi đó, một số hộ bị thiệt hại nặng nề về kinh tế do mất trắng cá lồng bởi lũ cũng gặp khó khăn về tài chính.

Thiếu nguồn hỗ trợ, môi trường chưa đảm bảo cùng với khó khăn về đầu vào vật tư khiến nhiều hộ chăn nuôi cá lồng trên địa bàn huyện Văn Quan vẫn chưa thể khôi phục sản xuất. Tính đến nay, vẫn còn khoảng 100 lồng cá chưa thể khắc phục hư hại và sản xuất trở lại.

Ông Lý Văn Đàm, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Trước thực tế trên, Phòng NN&PTNT huyện đã và đang kiến nghị các cấp, ngành có thẩm quyền xem xét và sớm có giải pháp cụ thể để hỗ trợ người chăn nuôi cá lồng. Trong đó, việc sớm phân bổ nguồn ngân sách từ Quỹ Phòng, chống thiên tai Trung ương là rất cấp thiết. Đồng thời, đơn vị đã và đang tập trung nhân lực hướng dẫn bà con các kỹ thuật cải tạo vệ sinh môi trường nước. Ngoài ra, chúng tôi chỉ đạo đội ngũ thú y viên, khuyến nông viên bám sát tình hình chăn nuôi cá lồng tại địa phương và kịp thời hướng dẫn bà con phòng, chống các loại bệnh thường gặp ở cá lồng sau mưa lũ.

Đối với nhiều hộ nuôi cá lồng tại Văn Quan, lồng cá là tư liệu sản xuất duy nhất, kinh tế gia đình gần như phụ thuộc toàn bộ vào việc nuôi cá. Trước những khó khăn của bà con, cùng với các giải pháp đã và đang thực hiện, các cấp, ngành cần sớm đưa ra giải pháp cụ thể hơn để hỗ trợ bà con. Trong đó, cần chủ động liên hệ, tìm nguồn vật tư đảm bảo chất lượng cho người dân. Đồng thời, ngành nông nghiệp và ngành tài nguyên – môi trường cần có sự phối hợp chặt chẽ để hướng dẫn bà con cải tạo môi trường nước cho cá lồng, nhất là đối với các hộ nuôi cá trên sông. Có như vậy, người chăn nuôi cá lồng mới có thể sớm khôi phục và yên tâm sản xuất lâu dài.

GIA KHÁNH