Thứ sáu,  20/09/2024

“Cú hích” từ nguồn vốn khuyến công

– Thời gian qua, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nguồn vốn khuyến công địa phương đã kịp thời hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) khắc phục khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất.

HTX Chế biến nông sản Lụa Vy, thôn Làng Hăng, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng sản xuất, chế biến trà diếp cá từ năm 2020. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên việc đầu tư máy móc chưa được bài bản, một số công đoạn vẫn còn làm bằng phương pháp thủ công, do đó, năng suất chế biến còn thấp.

Cán bộ Trung tâm KC&XTTM nghiệm thu đề án ứng dụng máy móc thiết bị chế biến khô heo mác mật tại huyện Bắc Sơn

Năm 2021, HTX được hỗ trợ 71,8 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công địa phương để đầu tư dây chuyền máy móc sản xuất trà diếp cá như: máy đóng trà túi lọc, máy sấy lạnh nông sản, máy sấy nhiệt, máy rang hạt đa năng, máy nghiền, máy co màng. Bà Vy Thị Lụa, Giám đốc HTX cho biết: Được sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công, HTX đã có điều kiện đầu tư hoàn thiện dây chuyền máy móc, từ đó, nâng cao năng suất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, giúp HTX mỗi năm  cung cấp ra thị trường hơn 1.500 kg trà diếp cá, tăng 50% so với trước đây.

Tương tự, năm 2021, anh Dương Hữu Điện, thôn Bình Thượng, xã Chiêu Vũ, huyện Bắc Sơn đã nghiên cứu và chế biến thành công sản phẩm khô heo mác mật ăn liền. Được phòng chuyên môn huyện và xã tuyên truyền, phổ biến các văn bản liên quan đến công tác khuyến công, anh đã làm hồ sơ xin hỗ trợ kinh phí khuyến công. Anh Điện chia sẻ: Tháng 4/2022, tôi được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (KC&XTTM) hỗ trợ 120 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, cùng với đó, gia đình tôi đối ứng thêm 240 triệu đồng để đầu tư hoàn thiện dây chuyền máy móc chế biến. Nhờ đó, mỗi ngày tôi chế biến được 70 kg đến 100kg thịt lợn tươi, cho ra khoảng 40kg khô heo mác mật thành phẩm, tăng 50% so với thời điểm trước khi được hỗ trợ. Hiện nay, sản phẩm của chúng tôi được đóng túi có bao bì nhãn mác đầy đủ, được tiêu thụ ở một số cửa hàng, đại lý trong tỉnh. Ngoài ra, tôi còn ký hợp đồng phân phối sản phẩm vào các tỉnh ở miền Nam và miền Trung. Sau khi trừ chi phí, tôi thu về khoảng 20 triệu đồng/tháng. Cùng đó, cơ sở còn tạo việc làm cho 5 lao động địa phương, với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.

Trên đây chỉ là 2 trong số các đơn vị được hỗ trợ kinh phí khuyến công địa phương đem lại hiệu quả. Theo thông tin từ Trung tâm KC&XTTM, trong năm 2021 và năm 2022, Trung tâm được giao kinh phí hơn 3,3 tỷ đồng để thực hiện chương trình khuyến công địa phương (trong đó, năm 2021, kinh phí được giao hơn 1,6 tỷ đồng thực hiện 12 đề án khuyến công; năm 2022, kinh phí được giao hơn 1,7 tỷ đồng thực hiện 11 đề án khuyến công). Trong đó, nguồn kinh phí tập trung vào hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và khoa học kỹ thuật; cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công; phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu; chương trình nâng cao năng lực quản lý.

Theo đó, trong năm 2021, 12/12 đề án khuyến công đã được hoàn thành và nghiệm thu, tạo việc làm ổn định cho 77 lao động địa phương, với thu nhập từ 4,5 triệu đến 7,5 triệu đồng/người/tháng; 10 sản phẩm CNNT được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh. Đối với các đề án khuyến công năm 2022, tính đến giữa tháng 8/2022, trung tâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành nghiệm thu được 4 đề án khuyến công hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, tạo việc làm cho 22 lao động địa phương; tổ chức 2 lớp tập huấn kiến thức khởi sự kinh doanh cho 100 hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh.

Ông Trần Anh Thuần, Giám đốc Trung tâm KC&XTTM cho biết: Để nguồn vốn khuyến công phát huy hiệu quả, trung tâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các đơn vị thụ hưởng lập kế hoạch, lập đề án và triển khai thực hiện đề án; tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện đề án của đơn vị thụ hưởng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo việc hoàn thành, nghiệm thu đề án đúng tiến độ, hiệu quả, đúng quy định, hỗ trợ các cơ sở CNNT phát triển sản xuất kinh doanh. Nguồn kinh phí khuyến công đã tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT đi vào hoạt động hiệu quả hơn, nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm.

Thời gian tới, trung tâm tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ các cơ sở CNNT đầu tư phát triển sản xuất; tập trung hỗ trợ vào các lĩnh vực, sản phẩm chủ lực, tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của địa phương, đảm bảo phát huy tối đa nguồn lực, năng lực hiện có của các cơ sở CNNT; phát triển các sản phẩm CNNT tiêu biểu, phấn đấu xây dựng được các đề án điểm; tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về chính sách khuyến công bằng nhiều hình thức; xây dựng hệ thống cộng tác viên khuyến công cấp huyện, xã nhằm giúp các cơ sở CNNT thuận lợi hơn trong tiếp cận chính sách khuyến công.

CẨM HÀ