Thứ sáu,  20/09/2024
Văn Lãng

Triển vọng từ trồng cây dược liệu dưới tán rừng

– Văn Lãng là một trong những huyện trong tỉnh đang từng bước tập trung mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn. Để “lấy ngắn nuôi dài”, huyện định hướng cho các hộ trồng rừng tích cực trồng xen cây dược liệu dưới tán rừng như cây cát sâm, sa nhân, gừng đen, địa liền… Hướng đi này bước đầu đã mang lại hiệu quả.


Ông Lương Văn Thức (thôn Manh Trên, xã Trung Khánh) chăm sóc diện tích địa liền

Ông Lương Văn Thức, thôn Manh Trên, xã Trùng Khánh (huyện Văn Lãng) là hộ đầu tiên của xã trồng dược liệu dưới tán rừng từ đầu năm 2020. Ông Thức chia sẻ: thời điểm đầu, gia đình trồng 0,5 ha cây sa nhân, trồng khoảng 8 tháng thì thu hoạch được gần 2 tấn quả; với giá thị trường thời điểm năm 2020 đã mang lại cho gia đình hơn 80 triệu đồng.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng cây dược liệu, ông Thức đã tiếp tục mở rộng diện tích và trồng thêm một số loại cây dược liệu khác như cát sâm, gừng đen, địa liền. Đồng thời, đến năm 2021, ông đã bàn với 6 hộ khác mạnh dạn thành lập Hợp tác xã (HTX) Dược liệu Trùng Khánh. Hiện HTX đã trồng được 1,2 ha cây cát sâm, 0,5 ha cây sa nhân, 0,8 ha gừng đen và 1 ha cây địa liền. Ngoài cây cát sâm vào cuối năm 2023 mới cho thu hoạch, hiện 3 loại dược liệu khác đã bắt đầu vào vụ thu hoạch, theo thống kê của HTX, năm 2021, sản lượng địa liền thu được 12 tấn củ, doanh thu được khoảng 150 triệu đồng; sa nhân thu được 3 tấn quả, doanh thu được khoảng 150 triệu đồng và gần 9 tấn củ gừng đen, doanh thu được 560 triệu đồng.

Đưa chúng tôi thăm mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng của một số bà con trên địa bàn huyện Văn Lãng, ông Đinh Mạnh Khiêm, Phó Trưởng Phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Lãng cho biết: Từ cuối năm 2019 đến nay, được sự vận động của chính quyền các cấp, cùng với các cơ chế hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể nên nhiều hộ đã đầu tư trồng một số loại cây dược liệu dưới tán rừng như: gừng đen, địa liền và sa nhân. Tổng diện tích trồng dược liệu dưới tán rừng của huyện Văn Lãng hiện nay là gần 21 ha, chủ yếu trồng ở Trùng Khánh, Bắc Hùng, Bắc La, Hội Hoan. Hiện mỗi hộ trồng rừng  trồng xen cây sa nhân, gừng đen, địa liền đều đã có thu nhập từ 80 – 150 triệu/năm tùy vào diện tích trồng. Từ nguồn thu này, các hộ sẽ có thêm nguồn lực để tiếp tục đầu tư phát triển rừng gỗ lớn.

Tìm hiểu được biết, 4 loại cây dược liệu chủ lực mà các hộ dân đang trồng dưới tán rừng (cát sâm, sa nhân, gừng đen, địa liền) đều phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Văn Lãng. Ngoài ra, giá trị kinh tế của những loại cây dược liệu cũng khá cao. Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, hiện các tư thương thu mua hạt cát sâm với giá 600 nghìn đồng/kg; củ gừng đen từ 120 – 150 nghìn đồng/kg củ tươi; củ địa liền tươi là 70 – 80 nghìn đồng/kg; quả sa nhân tươi là 65 – 70 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, khác với địa bàn một số huyện khác, các hộ trồng dược liệu gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, thì hiện nay, các hộ trồng dược liệu trên địa bàn huyện Văn Lãng đã ký kết thực hiện chuỗi liên kết với Công ty Dược liệu xanh (ở thành phố Lạng Sơn), qua đó đầu ra cho sản phẩm sau thu hoạch được ổn định. Bên cạnh đó, hiện một số công ty dược liệu ở Bắc Giang cũng đã và đang tìm hiểu để ký kết thu mua hạt cát sâm và củ sa nhân khi bà con thu hoạch.

Ông Lê Tuấn Minh, Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng cho biết: Từ hiệu quả kinh tế mang lại, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch đến cuối năm 2023 sẽ mở rộng diện tích trồng cây dược liệu dưới tán rừng trên toàn huyện lên 100 ha. Để mở rộng quy mô diện tích trồng, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với chính quyền một số xã xây dựng mô hình trồng dược liệu. Đồng thời, xem xét bố trí nguồn vốn hỗ trợ đối với các hộ trồng rừng tham gia trồng cây dược liệu dưới tán rừng.

Diện tích đất có rừng toàn huyện Văn Lãng khoảng 16.500 ha, trong đó, diện tích trồng rừng gỗ lớn mới chỉ có 110 ha. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, huyện Văn Lãng đang từng bước mở rộng diện tích rừng trồng gỗ lớn. Để làm được điều đó thì cần phải có giải pháp giúp người trồng rừng có thu nhập từng năm để từ đó tiếp tục duy trì, đầu tư phát triển rừng gỗ lớn. Mặc dù mới bắt đầu triển khai trồng một số loại cây dược liệu dưới tán rừng từ năm 2020, nhưng đến thời điểm hiện tại, doanh thu từ việc bán dược liệu của các hộ dân đã được khoảng 2 tỷ đồng, và trong vụ thu hoạch cuối năm 2022, với đầu ra ổn định và đảm bảo, doanh thu sẽ còn cao hơn nữa. Qua thu nhập từ thực tế có thể thấy rõ triển vọng phát triển kinh tế từ trồng cây dược liệu dưới tán rừng trên địa bàn huyện Văn Lãng.

LƯU VŨ