Những thành công bước đầu của chương trình đã góp phần để Việt Nam thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) ngày càng hiệu quả, thực chất và bền vững. Tuy nhiên, để chương trình trở nên hiệu quả hơn, cần tiếp tục nâng cao nhận thức từ chính quyền đến người dân nông thôn và cần có những cách làm mới.

Chất lượng và lợi thế cạnh tranh

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), sau hơn 4 năm triển khai Chương trình theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức đánh giá, phân hạng được 8.478 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 65,4% sản phẩm 3 sao, 33,4% sản phẩm 4 sao, 1% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2% sản phẩm 5 sao. Hơn 4.351 chủ thể OCOP, trong đó có 38,3% là hợp tác xã (HTX), 26,1% là doanh nghiệp, 33,3% là cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Công, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, hiện Sơn La có 123 sản phẩm OCOP (từ 3 sao trở lên), trong đó có 1 sản phẩm 5 sao. Năm nay, Sơn La sẽ xây dựng thêm 2 sản phẩm 5 sao; chú trọng phát triển ở những vùng có lợi thế, sản phẩm có lợi thế, có khả năng cạnh tranh, và sản phẩm đó phải có định hướng phát triển bền vững. Hướng tới chất lượng sản phẩm OCOP, tỉnh đã ban hành Đề án quản lý chất lượng sản phẩm OCOP, truy xuất nguồn gốc. Tất cả sản phẩm OCOP khi đạt 3 sao trở lên phải giữ được thương hiệu, mở rộng được quy mô, gắn với thị trường, ví như: Cà phê Bích Thao (sản phẩm OCOP 5 sao), chè Thu Đan, cá tép dầu đặc sản vùng nước lạnh…

Để phát huy hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và lãnh đạo tỉnh Yên Bái thăm gian hàng OCOP. 

Là một trong những địa phương dẫn đầu về sản phẩm OCOP, với nhiều sản phẩm khá đa dạng, phong phú, phương châm của tỉnh Hà Tĩnh khi xây dựng các sản phẩm OCOP là “Chất lượng làm nên thương hiệu”. Ông Trần Huy Oánh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, Chánh văn phòng điều phối NTM tỉnh Hà Tĩnh cho hay: “Chúng tôi sử dụng phần mềm để đánh giá sản phẩm OCOP có sự tham gia của các cơ quan, ban ngành, người dân và cả các cơ quan báo chí, được công khai, minh bạch trên mạng. Đối với những sản phẩm đạt chuẩn (3 sao) được tỉnh thưởng 120 triệu đồng, 4 sao được thưởng 150 triệu đồng, 5 sao được thưởng 250 triệu đồng. Để giữ uy tín, chất lượng cho sản phẩm OCOP, đến nay qua kiểm tra, chúng tôi cũng đã thu hồi giấy công nhận đạt chuẩn của 5 sản phẩm OCOP do không bảo đảm chất lượng như trước lúc được công nhận. Cùng với đó, để hỗ trợ sản phẩm OCOP phát triển, tiêu thụ được sản phẩm, tỉnh tổ chức kết nối các sản phẩm OCOP với các sàn giao dịch thương mại điện tử. Ngoài ra, chúng tôi còn kết nối 10 tỉnh, thành phố hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Về chính sách, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tỉnh hỗ trợ các chủ thể tham gia OCOP khoảng 50% chi phí về xúc tiến thương mại ở cấp tỉnh, Trung ương và quốc tế”.

Rõ ràng việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP góp phần quan trọng giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Tuy nhiên, thời gian qua, việc thực hiện chương trình OCOP cũng bộc lộ không ít khó khăn, bất cập. Nhìn nhận hạn chế về sản phẩm OCOP của Sơn La hay của các địa phương nói chung, ông Nguyễn Thành Công cho rằng: “Thứ nhất, nhiều sản phẩm OCOP mang tính thời vụ, quy mô sản xuất chưa cao. Thứ hai, nguồn lực đầu tư cho xây dựng sản phẩm OCOP còn yếu. Các HTX, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn yếu về năng lực quản trị, tài chính, đặc biệt nghiên cứu chuyển đổi mẫu mã sản phẩm, nghiên cứu thị trường, quảng bá sản phẩm OCOP còn kém. Thứ ba, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các HTX, người dân chưa đồng bộ, thậm chí một số cán bộ xã còn chưa biết sản phẩm OCOP là gì, chưa hiểu làm sản phẩm OCOP sẽ được gì, thì sẽ không làm được sản phẩm OCOP đạt chất lượng cao”.

Tạo khác biệt để nâng cao giá trị

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, sản phẩm OCOP còn nhiều dư địa phát triển; do đó, các địa phương cần thay đổi tư duy, đầu tư hơn trong xây dựng sản phẩm đặc trưng để tạo ra sự khác biệt nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Đầu tư cho hạ tầng nông thôn, phát triển không gian kinh tế nông nghiệp nông thôn, phát triển sản phẩm OCOP cần gắn với văn hóa, dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn… Chẳng hạn, để tạo ra giá trị khác biệt, ngoài chất lượng sản phẩm cần có những câu chuyện kể về lai lịch gắn với mỗi sản phẩm OCOP. Đồng thời quá trình triển khai thực hiện các chương trình cần linh hoạt, phù hợp với từng địa phương theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của từng nơi, từng vùng. Qua đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tạo dấu ấn phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Để phát triển sản phẩm OCOP trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Thành Công, cần tiếp tục xây dựng những sản phẩm OCOP có lợi thế, chẳng hạn đối với quả mận hiện có 5 sản phẩm OCOP, phải chọn sản phẩm nào có giá trị kinh tế cao nhất. Mận sấy dẻo hay si rô mận đã đạt 4 sao rồi thì những sản phẩm đó có khả năng sản xuất lớn, quy mô hàng hóa lớn và thị trường rộng lớn. Việc đưa các sản phẩm OCOP đang có giá trị kinh tế cao ra thị trường thế giới thì những sản phẩm OCOP còn lại sẽ được kích cầu, được phát triển sản xuất rộng hơn.

Như vậy, để sản phẩm OCOP mang lại hiệu quả kinh tế, rất cần các chủ thể tham gia Chương trình OCOP có cách làm mới, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng và thị trường tốt hơn. Bên cạnh đó, cũng rất cần sự chung tay hỗ trợ của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, các hiệp hội ngành hàng làm “bà đỡ” để sản phẩm OCOP của các địa phương vươn xa ra thị trường trong nước và quốc tế.