Thứ sáu,  20/09/2024

Văn Lãng: Chú trọng phát triển cây mắc ca

– Thời gian qua, nhận thấy cây mắc ca phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của địa phương, huyện Văn Lãng đã quan quan tâm định hướng, hỗ trợ người dân phát triển loại cây này.

Bắc Hùng là xã hiện đang phát triển mạnh cây mắc ca trên địa bàn huyện Văn Lãng. Toàn xã hiện có 13 ha mắc ca, trong đó, có khoảng 10 ha đã cho thu hoạch quả.

Người dân xã Bắc Việt chăm sóc mắc ca

Là một trong những hộ tiên phong trồng và phát triển cây mắc ca trên địa bàn xã Bắc Hùng, ông Trần Văn Trang, thôn Bó Mịn cho biết: Qua tìm hiểu biết được hạt mắc ca có giá trị dinh dưỡng cao, giá cao, năm 2014, tôi đã mạnh dạn đầu tư trồng 200 cây mắc ca. Nhận thấy cây sinh trưởng phát triển tốt, năm 2015, tôi tiếp tục đầu tư trồng thêm 1.000 cây mắc ca. Đến nay, gia đình tôi có gần 5 ha mắc ca, trong đó 4 ha đã cho thu hoạch quả. Quả mắc ca sau thu hái được thương lái thu mua tại vườn, mang lại cho gia đình thu nhập trên 150 triệu đồng.

Tương tự xã Bắc Hùng, Bắc Việt cũng là xã có phong trào trồng cây mắc ca phát triển trên địa bàn huyện. Bà Chu Thị Luyên, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Việt cho biết: Nhận thấy cây mắc ca cho giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định, từ năm 2019, người dân trên địa bàn xã đã bắt đầu trồng cây mắc ca. Để người dân có kỹ thuật trồng và chăm sóc, hằng năm, chính quyền xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn huyện tổ chức tập huấn lồng ghép từ 2 đến 3 lớp hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc. Đến nay, toàn xã có trên 8 ha cây mắc ca, trong đó, có hơn 4 ha bắt đầu cho thu hoạch quả, tập trung chủ yếu tại các thôn: Khun Lọc, Nà Lẹng, Bản Quan…

Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, mắc ca là cây trồng ít sâu bệnh, tuổi thọ cao. Trung bình mỗi héc-ta trồng được từ 300 đến 350 cây mắc ca; bình quân một cây mắc ca cho thu từ 10 đến 15 kg hạt/vụ (cây to có thể cho thu hơn 20 kg). Quả mắc ca có 2 lớp, vì vậy sau khi thu hái, người dân có thể bán quả tươi với giá từ 30.000 đến 40.000 đồng/kg hoặc bán hạt tươi (đã bóc vỏ) với giá từ 70.000 đến 80.000 đồng/kg.

Để người dân có điều kiện phát triển sản xuất, năm 2019, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với chính quyền xã Tân Lang cũ (nay là xã Bắc Việt) hỗ trợ người dân 2.000 cây giống mắc ca, phân bón và hệ thống phun tưới nước với tổng kinh phí trên 500 triệu đồng. Cùng đó, hằng năm, các cơ quan chuyên môn huyện phối hợp tổ chức từ 6 đến 7 lớp tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây trồng, trong đó có cây mắc ca.

Đến nay, toàn huyện có trên 32 ha mắc ca, trong đó, có trên 14 ha đã cho thu hoạch quả, tập trung chủ yếu tại các xã: Bắc Hùng, Bắc Việt, Thanh Long, Trùng Quán… Sản lượng mắc ca trung bình đạt trên 6,3 tấn hạt mỗi năm, dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Hiện người dân đang tích cực mở rộng diện tích trồng, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn huyện trồng mới được trên 5 ha mắc ca.

Ông Bế Văn Nhớ, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng cho biết: Để tiếp tục phát triển cây mắc ca, thời gian tới, huyện tích cực tuyên truyền, vận động người dân lựa chọn mua cây giống từ các cơ sở uy tín, đảm bảo chất lượng. Cùng đó, hỗ trợ người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất; cân đối các nguồn vốn thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình 135… hỗ trợ người dân cây giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật cho bà con. Từ nay đến năm 2030, huyện phấn đấu trồng trên 100 ha cây mắc ca và đến năm 2045, phấn đấu diện tích cây mắc ca toàn huyện đạt 1.000 ha gắn với xây dựng 2 cơ sở sơ chế, tách hạt mắc ca trên địa bàn huyện.

Với việc quan tâm, chú trọng phát triển mô hình trồng cây mắc ca, tin tưởng rằng thời gian tới, đây là một trong những hướng đi mới góp phần quan trọng trong tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

LIỄU CHANG