Thứ sáu,  20/09/2024

Lộc Bình: Chặn hàng nhập lậu ngay trên tuyến biên giới

– Thời điểm này, hoạt động vận chuyển hàng hóa nhập lậu qua khu vực biên giới thuộc địa bàn huyện Lộc Bình có dấu hiệu gia tăng. Trước tình hình đó, các lực lượng chức năng trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm ngay từ tuyến biên giới.

Đầu tháng 10/2022, tổ chống buôn lậu thuộc Chi cục Hải quan Cửa khẩu Chi Ma phối hợp với tổ tuần tra Đồn Biên phòng Chi Ma phát hiện 30 thùng cát-tông chứa một số mặt hàng tiêu dùng không rõ nguồn gốc được tập kết tại khu vực bãi kiểm hóa. Qua điều tra của lực lượng chức năng, lô hàng này là hàng nhập lậu được cài cắm vào các công-ten-nơ tái nhập, sau đó tập kết tại một điểm để tìm cách đưa vào nội địa tiêu thụ. Đây là 1 trong 23 vụ vận chuyển hàng lậu qua khu vực cửa khẩu, biên giới mà lực lượng hải quan phối hợp với bộ đội biên phòng Chi Ma phát hiện, ngăn chặn từ cuối tháng 9/2022 đến nay.

Lực lượng chức năng huyện Lộc Bình thu giữ lô hàng thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu vận chuyển qua địa bàn

Theo ông Hoàng Quốc Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Chi Ma, từ cuối tháng 9/2022, hoạt động thông thương hàng hóa qua khu vực cửa khẩu Chi Ma nhộn nhịp trở lại, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, hàng quá cảnh tăng mạnh, do đó, bên cạnh mặt tích cực thì các đối tượng cũng gia tăng việc vận chuyển hàng lậu qua khu vực cửa khẩu. Đặc biệt là các đối tượng buôn lậu lợi dụng quy trình khai báo hải quan điện tử để khai gian chủng loại hàng nhập khẩu, từ đó, cài cắm một số loại hàng có giá trị cao để nhập vào Việt Nam. Trước tình trạng đó, bên cạnh việc kiểm soát chặt hoạt động tại các bãi kiểm hóa, lực lượng hải quan đã tăng cường tiến hành thu thập thông tin về doanh nghiệp nhập khẩu những mặt hàng có giá trị, có thuế suất cao, mặt hàng nhập khẩu có điều kiện… từ đó, đã kịp thời phát hiện những hành vi gian lận.

Về vấn đề này, Trung tá Lý Văn Tý, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Chi Ma cho biết: Trong khoảng 9 tháng đầu năm 2022, hoạt động buôn lậu qua khu vực biên giới thuộc đồn quản lý chỉ diễn ra vài vụ nhỏ lẻ, có thời điểm không diễn ra. Tuy nhiên, hoạt động vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng nhái qua tuyến biên giới từ thời điểm cuối tháng 9, đầu tháng 10/2022 đến nay bắt đầu phát sinh và gia tăng. Để ngăn chặn việc vận chuyển hàng lậu qua khu vực biên giới, đồn phối hợp với Chi cục Hải quan Cửa khẩu Chi Ma, lực lượng dân quân tự vệ của các xã biên giới tổ chức chốt chặn ở những vị trí trọng điểm và khu vực tập kết hàng hóa tại cửa khẩu.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 huyện Lộc Bình, thời điểm này bắt đầu xuất hiện tình trạng các đối tượng buôn lậu thuê một số bà con ở các xã biên giới trên địa bàn thực hiện mang vác, vận chuyển hàng lậu qua tuyến biên giới và đưa về các điểm tập kết, sau đó tìm cách vận chuyển vào nội địa để tiêu thụ.

Ông Đinh Văn Hùng, Đội trưởng Đội QLTT số 3, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 huyện Lộc Bình  cho biết: Trước tình hình vận chuyển hàng lậu có dấu hiệu gia tăng, Ban Chỉ đạo 389 huyện đã có văn bản chỉ đạo các lực lượng chức năng chống buôn lậu tăng cường triển khai các biện pháp để ngăn chặn việc nhập lậu, vận chuyển mặt hàng nhập lậu này vào nội địa.

Theo đó, lực lượng Đồn Biên phòng Chi Ma tiếp tục tổ chức lập 17 lán, chốt ở các đường mòn lối tắt. Đồng thời tổ chức kiểm tra cơ động ở những điểm mà các đối tượng buôn lậu hay thực hiện vận chuyển hàng lậu trên tuyến biên giới, trên một số tuyến đường vào các xã biên giới như Yên Khoái, Tú Mịch. Bên cạnh đó, Đồn Biên phòng Chi Ma đẩy mạnh phối hợp với chính quyền các xã biên giới tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tay, vận chuyển hàng lậu qua biên giới; xây dựng hệ thống thông tin từ cơ sở để kịp thời nắm bắt diễn biến bất thường về hoạt động vận chuyển hàng lậu.

Về phía Chi cục Hải quan Cửa khẩu Chi Ma, bên cạnh lập tổ tuần tra chốt tại các đường mòn, chi cục tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nhằm giám sát các phương tiện chở hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu, qua đó kịp thời phát hiện những lô hàng nhập lậu được cài cắm trong các công-ten-nơ hàng nhập khẩu; đặc biệt là sử dụng các biện pháp nghiệp vụ trong rà soát thông tin doanh nghiệp để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những lô hàng lậu do doanh nghiệp gian lận trong khai báo để nhập qua cửa khẩu vào Việt Nam.

Trong khu vực nội địa, song song với việc tăng cường kiểm tra trên khâu lưu thông, lực lượng công an và quản lý thị trường cũng đang triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, răn đe, xử lý nghiêm các đối tượng vận chuyển hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ qua địa bàn; đặc biệt là phối hợp với chính quyền cơ sở triệt phá những điểm tập kết hàng lậu trên địa bàn.

TRÍ DŨNG