Thứ tư,  18/09/2024

Lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước phân hóa mạnh

Trong hơn hai năm đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp nhà nước không chỉ hoàn thành các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh được giao còn góp phần quan trọng bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Kỹ sư, công nhân Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vận hành hệ thống khai thác dầu khí tại Giàn Công nghệ trung tâm số 2 mỏ Bạch Hổ. (Ảnh HÀ THANH)
Kỹ sư, công nhân Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vận hành hệ thống khai thác dầu khí tại Giàn Công nghệ trung tâm số 2 mỏ Bạch Hổ. (Ảnh HÀ THANH)

19 “ông lớn” đạt doanh thu hơn 1,1 triệu tỷ đồng

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) cho biết: Năm 2022, tổng doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban ước đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao và bằng 133% so với năm 2021.

Tổng lợi nhuận trước thuế của các tập đoàn, tổng công ty ước đạt 39.219 tỷ đồng, bằng 173% kế hoạch và bằng 117% so với năm 2021. Về cơ bản, 80% số tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu, 90% số đơn vị đạt và vượt kế hoạch lợi nhuận.

Những cái tên được nhắc đến với thành tích vượt kế hoạch nhiều chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh so với những năm trước gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đạt tổng doanh thu hợp nhất bằng 137% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 319%, nộp ngân sách nhà nước đạt 206% kế hoạch; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đạt tổng doanh thu hợp nhất bằng 113% kế hoạch; Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) đạt tổng doanh thu hợp nhất bằng 126% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 129% kế hoạch; Tổng công ty đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) có mức lợi nhuận trước thuế đạt 417% kế hoạch và nộp ngân sách nhà nước công ty mẹ ước đạt 181% kế hoạch.

Tuy nhiên, ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh và tình hình bất ổn thế giới đã làm cho lợi nhuận của một số doanh nghiệp giảm mạnh, có doanh nghiệp lỗ lớn, giảm vốn chủ sở hữu.

Cụ thể, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) không hoàn thành kế hoạch doanh thu, Tổng công ty Viễn thông MobiFone không hoàn thành các chỉ tiêu về kế hoạch doanh thu, lợi nhuận trước thuế và kế hoạch nộp ngân sách nhà nước; Tổng công ty Cà-phê Việt Nam (Vinacafe) không hoàn thành các kế hoạch doanh thu và nộp ngân sách nhà nước…

Đáng chú ý, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố khoản lỗ ước tính lên đến khoảng 31 nghìn tỷ đồng do chi phí đầu vào tăng đột biến nhưng không được tăng giá điện.

Ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết: Năm 2022 là một năm cực kỳ khó khăn của ngành điện. EVN đạt mức doanh thu khoảng 460.700 tỷ đồng, tăng hơn 4,3% so năm 2021, trong đó công ty mẹ EVN đạt doanh thu 385.300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, giá nhiên liệu tăng đột biến khiến chi phí sản xuất điện và mua điện của EVN tăng rất cao, khoảng 53.200 tỷ đồng khiến cho tập đoàn không thể cân đối được tài chính, dù đã rà soát cắt giảm, tiết kiệm đến mức thấp nhất chi phí. EVN đã kiến nghị cấp có thẩm quyền nhiều giải pháp để giảm bớt khó khăn khi bước vào năm 2023, trong đó có giải pháp tăng giá bán lẻ điện bình quân.

Giải ngân vốn đầu tư tăng

Kết quả thực hiện và giải ngân vốn đầu tư năm 2022 của 19 tập đoàn, tổng công ty cũng có chuyển biến tích cực sau hai năm đình trệ vì đại dịch Covid-19. Đây là năm có nhiều dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm được khởi công, tạo tính lan tỏa cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Đơn cử, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) mới đây vừa khởi công dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nâng công suất thiết kế lên 50 triệu khách/năm, góp phần giải quyết tình trạng quá tải hạ tầng sân bay diễn ra từ nhiều năm qua.

Tính chung cả năm 2022, ACV đã thực hiện tổng vốn đầu tư khoảng 10.587 tỷ đồng, trong đó có nhiều dự án đầu tư xây dựng lớn như Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; dự án mở rộng nhà ga hành khách T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam cũng tập trung triển khai các dự án quan trọng như dự án đường cao tốc Bến Lức-Long Thành; dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi…

Trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin, VNPT và MobiFone tập trung đầu tư phát triển về hạ tầng công nghệ số, nền tảng cho nền kinh tế số, xã hội số gắn với bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, sản xuất các thiết bị phục vụ hệ thống 5G; trên cơ sở đó hỗ trợ, chuyển giao công nghệ cho các tập đoàn, tổng công ty khác và cho toàn xã hội.

Đáng lưu ý, quá trình xử lý 12 đại dự án thua lỗ ngành công thương đã có nhiều tín hiệu khả quan, một số dự án, doanh nghiệp đã đi vào hoạt động ổn định và bước đầu có lãi, bảo đảm duy trì việc làm, đời sống cho hàng nghìn lao động, góp phần ổn định chính trị xã hội tại địa phương.

Đơn cử, Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 Hải Phòng của Công ty cổ phần DAP (thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) đã hết lỗ lũy kế từ tháng 1/2022. Dự án sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) duy trì vận hành sản xuất khai thác tối đa, hiệu quả 27 dây chuyền sợi DTY, doanh thu bù đắp được chi phí biến đổi và có lợi nhuận trước định phí,…

Ngay cả đối với dự án khó giải quyết nhất là Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên (Tisco 2) cũng có những bước đột phá mang tính chất “phá băng” trong quá trình xử lý các tồn tại, vướng mắc. Cuối tháng 10/2022, Tổng thầu EPC của Tisco 2 (MCC) đã cử Đoàn chuyên gia sang làm việc tại Việt Nam để cùng khảo sát, tiếp cận trên thực tế đối với các máy móc, thiết bị tập kết tại hiện trường và các công trình xây dựng dở dang trong khuôn khổ dự án.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho biết, trong thời gian tới, việc xử lý đối với các dự án sẽ được tiếp tục thực hiện theo quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, tuân thủ các quy định của pháp luật, kết luận thanh tra, kiểm toán và các cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp các dự án, doanh nghiệp không có khả năng phục hồi sẽ báo cáo, xem xét thực hiện phương án phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật.

Theo Nhandan