Thứ hai,  08/07/2024

Phát triển kinh tế hợp tác trong cách mạng công nghiệp 4.0: Tìm giải pháp đẩy nhanh chuyển đổi số trong hợp tác xã

– Những năm gần đây, các cấp, ngành liên quan triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ HTX thực hiện việc chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhằm tạo động lực phát triển mới trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

  Kết quả bước đầu

Ngày nay, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của sự phát triển, các HTX muốn phát triển không thể đứng ngoài cuộc. Chuyển đổi số được đánh giá là đòn bẩy quan trọng, tạo ra những cơ hội giúp khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển. Theo khảo sát của Liên minh HTX Việt Nam, 83,5% HTX đánh giá việc chuyển đổi số là cần thiết; 18,9% HTX đã có kế hoạch với lộ trình thực hiện cụ thể; 68% HTX có sử dụng ít nhất một trong các phương thức giới thiệu và bán sản phẩm trực tuyến. Đặc biệt, nhiều HTX đã ứng dụng công nghệ cao để sản xuất, kiểm soát chất lượng đầu ra, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi.

Mô hình sản xuất của HTX Chăn nuôi thỏ Ngọc Thạch, huyện Chi Lăng

Tại Lạng Sơn, tính đến 31/3/2023, trên địa bàn tỉnh có 466 HTX đăng ký hoạt động. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp có 334 HTX, chiếm 71,67%, còn lại là lĩnh vực phi nông nghiệp. Tổng số vốn đăng ký hoạt động của các HTX khoảng 977 tỷ đồng, trong đó, HTX nông nghiệp 611,5 tỷ đồng, HTX phi nông nghiệp là 365,5 tỷ đồng.

Trong những năm qua, các cấp, ngành đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX, đặc biệt,  Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TU, ngày 28/9/2021 về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, theo đó, phấn đấu đến năm 2025, tỉnh nằm trong 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; năm 2025 tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, đến năm 2030 phấn đấu 20%, năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7-8%. Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý Nhà nước tuyên truyền, hỗ trợ khu vực KTTT, HTX trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hiện nay, việc chuyển đổi số trong HTX trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả bước đầu, trong đó có khoảng 20% số HTX đã thực hiện chuyển đổi số trong một số khâu sản xuất, kinh doanh. Trong công tác quản lý, một số HTX đã sử dụng phần mềm kế toán, hóa đơn điện tử, kê khai thuế trực tuyến; sử dụng phần mềm quản lý và điều hành xe đối với HTX trong lĩnh vực vận tải như HTX Vận tải Đoàn Kết, thành phố Lạng Sơn. Trong sản xuất, chế biến sản phẩm đã có một số HTX đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại trong sản xuất, chế biến sản phẩm, sử dụng công nghệ đóng gói tự động, tưới tiêu tự động như: HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp An Hồng, thành phố Lạng Sơn; HTX Nông sản sạch Hữu Lũng. Bên cạnh đó, nhiều HTX đã tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội… Cùng với đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 50 HTX ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chuyển đổi số trong HTX vẫn còn gặp những khó khăn, hạn chế như: nhiều HTX sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa đầu tư trang thiết bị vào sản xuất; nhiều HTX chưa xây dựng được nhãn hiệu cho sản phẩm, khả năng cạnh tranh trên thị trường còn yếu; tiềm lực của các HTX còn yếu, nhiều HTX trông chờ vào Nhà nước…

  Tìm hướng tháo gỡ

Nguyên nhân việc chuyển đổi số của các HTX trên địa bàn tỉnh còn hạn chế là do nội lực của các HTX còn yếu, vốn điều lệ thấp; hạ tầng cơ sở nghèo nàn, không đáp ứng được yêu cầu sản xuất công nghệ cao, kỹ thuật số; chưa có đội ngũ cán bộ khoa học trong HTX; chế độ kế toán, thống kê còn lỏng lẻo; trình độ cán bộ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay.

Ông Liễu Xuân Du, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Để khắc phục khó khăn, vướng mắc của HTX trong chuyển đổi số, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh cùng các cơ quan liên quan trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và những lợi ích đem lại cho các HTX. Đây là động lực phát triển KTTT, HTX nhằm làm thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh thuần túy, thay vào đó là ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh, nhất là việc chủ động tiếp cận chuyển giao ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến hiện đại. Thông qua chuyển đổi số các HTX sẽ số hóa quá trình sản xuất, sử dụng công nghệ số, thương mại điện tử để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý của HTX về ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, các HTX  cần chủ động, tích cực trau dồi kỹ năng, cập nhật kiến thức và cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh; đổi mới tổ chức quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động, tham gia mạnh hơn nữa vào liên kết chuỗi giá trị để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Bên cạnh đó, các cấp, ngành tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ HTX về hạ tầng kết nối thông tin, hạ tầng dữ liệu để áp dụng công nghệ số vào sản xuất, sử dụng công nghệ số trong việc kết nối thông tin, giao dịch thương mại điện tử, bán hàng điện tử, truy xuất nguồn gốc hàng hóa; tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý HTX nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và cập nhật dữ liệu, thông tin liên quan đến HTX, đồng thời kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu chung của tỉnh; tăng cường lồng ghép các chương trình, đề án, dự án để triển khai thực hiện chủ trương về quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chuỗi giá trị hàng hóa; triển khai đồng bộ giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vốn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho HTX; hỗ trợ HTX tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; xây dựng và vận hành trang tin điện tử có kết nối với các trang thông tin của các sở, ngành liên quan…

Hy vọng rằng, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành và sự nỗ lực, nhạy bén của các mình, các HTX trên địa bàn tỉnh nhanh chóng tiếp cận cũng như vận dụng chuyển đổi số vào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Qua đó, bắt kịp xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm ngoài thị trường để lĩnh vực KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những bước phát triển, chuyển biến rõ nét hơn nữa trong thời gian tới.

HỮU HẢI - TÂN AN