Thứ sáu,  20/09/2024

Mô hình khuyến nông cộng đồng: Góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững

– Năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 1094/QĐ-BNN-KN phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ)”. Tại Lạng Sơn, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tích cực hướng dẫn các xã triển khai mô hình trên địa bàn. Qua đó, tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy hoạt động khuyến nông, góp phần giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất.

Có dịp đến công tác tại xã Hồ Sơn, huyện Hữu Lũng vào những ngày giữa tháng 6, chúng tôi có cơ hội được cùng cán bộ tổ KNCĐ đi tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả trên địa bàn xã. Chia sẻ về hoạt động của tổ, anh Hoàng Văn Thức, tổ trưởng tổ KNCĐ xã Hồ Sơn cho biết: Tổ KNCĐ được thành lập vào năm 2022 với 7 thành viên. Từ khi tổ được thành lập, chúng tôi luôn tích cực, chủ động học hỏi, nâng cao kiến thức về sản xuất để hướng dẫn, hỗ trợ người dân xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế. Cùng đó, các thành viên của tổ cũng thường xuyên quan tâm, theo dõi tình hình sản xuất trên địa bàn để kịp thời hỗ trợ, tư vấn, giải đáp thắc mắc cho người dân.

Thành viên tổ khuyến nông cộng đồng xã Hồ Sơn, huyện Hữu Lũng kiểm tra chất lượng cây giống tại vườn ươm của người dân

Là một trong những hộ gia đình tiêu biểu trong phát triển kinh tế trên địa bàn xã, ông Nguyễn Ngọc Đức, thôn Tân Hoa, xã Hồ Sơn, huyện Hữu Lũng cho biết: Năm 2016, gia đình tôi phát triển vườn ươm cây giống. Từ đó đến nay, tôi luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền xã. Đặc biệt, năm 2022, khi tổ KNCĐ của xã được thành lập, tôi thường xuyên được các thành viên trong tổ hỗ trợ về kiến thức, kỹ thuật ươm cây giống và quy trình sản xuất khoa học, phù hợp. Ngoài ra, tổ KNCĐ cũng là cầu nối giúp chúng tôi tiếp cận dễ dàng  với các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của huyện. Cụ thể, năm 2022, gia đình tôi đã được hỗ trợ 3.000 cây giống; 14.000 túi bầu; 200 kg phân bón; lưới che chắn… Hiện nay, mỗi năm, gia đình tôi xuất bán ra thị trường khoảng 60 đến 70 vạn cây giống (chủ yếu là cây keo), thu về lợi nhuận hơn 200 triệu đồng.

Tương tự tại xã Hồ Sơn, tổ KNCĐ xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia cũng được thành lập vào năm 2022. Anh Hoàng Xuân Vinh, tổ trưởng tổ KNCĐ xã Thiện Hòa cho biết: Tổ KNCĐ của xã hiện có 5 thành viên. Từ khi thành lập đến nay, tổ luôn quan tâm, đồng hành cùng người dân trong quá trình phát triển sản xuất. Cụ thể, thời gian qua, chúng tôi đã tích cực tuyên truyền về các chính sách khuyến nông; phối hợp với chính quyền xã tổ chức được 4 lớp tập huấn lồng ghép với gần 500 lượt người tham gia về các nội dung như: chuyển giao khoa học – kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi; phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng… và khuyến khích, vận động người dân thành lập được 1 tổ hợp tác hồi hữu cơ. Qua đó, giúp người dân nắm rõ kiến thức về phát triển sản xuất, thay đổi tư duy và hình thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung, đem lại hiệu quả lâu dài.

Ngoài 2 tổ KNCĐ kể trên, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hỗ trợ, hướng dẫn thành lập thêm được 11 tổ KNCĐ, nâng tổng số tổ KNCĐ lên 13 tổ tại 13 xã (10 xã điểm của tỉnh phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới và 3 xã tự phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022). Mỗi tổ KNCĐ có từ 5 thành viên trở lên, gồm cán bộ làm công tác khuyến nông cấp xã, thú y viên và một số đồng chí trong các đoàn thể chính trị – xã hội của địa phương. Tính từ khi thành lập đến nay, các tổ KNCĐ tại 13 xã đã phối hợp tổ chức được trên 40 lớp tập huấn lồng ghép tuyên truyền về chính sách khuyến nông và chuyển giao khoa học – kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho khoảng 3.000 lượt người tham gia; khuyến khích thành lập và tư vấn, hỗ trợ hoạt động cho 5 tổ hợp tác, 4 hợp tác xã; tư vấn, hướng dẫn người dân xây dựng các quy trình sản xuất phù hợp với điều kiện sản xuất và nhu cầu của thị trường; đồng thời là cầu nối đưa các chính sách hỗ trợ sản xuất đến với người nông dân, tạo ra nền tảng cho bà con yên tâm phát triển sản xuất.

Để hỗ trợ triển khai mô hình có hiệu quả, từ năm 2022 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức 3 lớp tập huấn nâng cao năng lực công tác khuyến nông cho gần 300 lượt thành viên. Bên cạnh đó, trong các buổi tập huấn, trung tâm cũng lồng ghép đưa một số thành viên tổ KNCĐ đi tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất hiệu quả như: mô hình nuôi cá lồng ở huyện Văn Quan; mô hình chăn nuôi vịt tại huyện Cao Lộc…

Ông Vũ Kỳ Nam, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Sau 1 năm triển khai, bước đầu, mô hình tổ KNCĐ đã góp phần thực hiện tốt công tác khuyến nông ở cơ sở với nhiều hình thức hoạt động khuyến nông, nổi bật như: tư vấn, chuyển giao công nghệ; cầu nối liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản… Qua đó, giúp người dân biết cách ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất để xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, gia tăng giá trị sản xuất. Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình, trung tâm sẽ đẩy mạnh tư vấn, hướng dẫn các xã thành lập tổ KNCĐ, hướng tới nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn tỉnh.

Có thể thấy, mô hình tổ KNCĐ bước đầu đã góp phần đa dạng hóa các hoạt động khuyến nông tại cơ sở, tăng cường kết nối với nông dân theo phương châm “ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”. Đồng thời, tổ KNCĐ cũng là “cánh tay” nối dài đưa các chính sách khuyến nông, các ứng dựng khoa học – kỹ thuật đến với người nông dân. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả.

Không dừng lại ở nhiệm vụ tuyên truyền chính sách khuyến nông, tổ KNCĐ ra đời hướng đến mục tiêu đa dạng các hình thức khuyến nông với nhiều hoạt động như: tư vấn, chuyển giao khoa học – kĩ thuật về trồng trọt, chăn nuôi; tư vấn thành lập, phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp; tư vấn dịch vụ tổ chức quản lý sản xuất, chuyển đổi số; phát triển thị trường, liên kết sản xuất… Qua đó, đáp ứng nhu cầu và nâng cao hiệu quả sản xuất của người dân trên địa bàn

KIM CHI