Thứ sáu,  05/07/2024

Kiểm tra, kiểm soát thị trường bánh trung thu

– Dịp Tết Trung thu sắp tới, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, đặc biệt là bánh trung thu sẽ tăng. Để ngăn chặn việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng mặt hàng này.

Cán bộ Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh kiểm tra cơ sở kinh doanh các mặt hàng bánh trung thu tại thành phố Lạng Sơn

Ông Đặng Văn Ngọc, Cục Trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Cục QLTT tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo đội QLTT các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh trung thu, trong đó tập trung kiểm tra về nguyên liệu sản xuất bánh; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm;  kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm…

Theo đó, từ đầu tháng 9/2023 đến nay, đội QLTT phụ trách địa bàn các huyện, thành phố đã kiểm tra 8/25 cơ sở sản xuất bánh trung thu, phát hiện 7 cơ sở vi phạm với các lỗi như: sử dụng người trực tiếp sản xuất tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định… Cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính các cơ sở trên với số tiền 29 triệu đồng.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường tại các cơ sở buôn bán, trên khâu lưu thông các mặt hàng như bánh trung thu, nguyên liệu làm bánh… được lực lượng QLTT toàn tỉnh quyết liệt thực hiện. Chỉ tính từ tháng 8/2023 đến nay, lực lượng QLTT đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 38 vụ vi phạm về hàng hoá không có nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền gần 90 triệu đồng.

Qua khảo sát của phóng viên, hiện nay tại địa bàn Lạng Sơn, bên cạnh các cửa hàng bánh trung thu của các thương hiệu lớn như:  Kinh Đô, Hữu Nghị, còn có hơn 30 cơ sở sản xuất bánh trung thu truyền thống của Lạng Sơn có hồ sơ công bố sản phẩm với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Đơn cử như bánh Trung thu thương hiệu: Bà Toản, bà Ngân, Nhật Lan, Nhân (thành phố Lạng Sơn); bánh trung thu Đổng Tất Liên (Tràng Định); bánh trung thu Quế Hương, Đức Vinh (Hữu Lũng)….

Ông Lê Trung Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh cho biết: Hiện nay, trên địa bàn thành phố Lạng Sơn có khoảng 300 cửa hàng, hộ cá nhân kinh doanh, buôn bán các mặt hàng phục vụ Tết Trung thu, nhằm kiểm soát tốt thị trường, đảm bảo chất lượng sản phẩm chúng tôi đã tăng cường công tác nắm bắt địa bàn, kịp thời kiểm tra và xử lý đối với các cơ sở, đơn vị kinh doanh hàng hoá có dấu hiệu vi phạm, đặc biệt là cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng bánh trung thu. Cụ thể, ngay sau khi nhận được kế hoạch chỉ đạo của Cục QLTT tỉnh, từ ngày 5/9 đến hết ngày 13/9/2023, qua biện pháp nghiệp vụ, đơn vị đã kiểm tra phát hiện 4 cơ sở bán bánh trung thu vi phạm, với các lỗi chủ yếu về: kinh doanh bánh không có nguồn gốc xuất xứ, bao bì không nhãn mác… Qua đó, góp phần  đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng; bảo vệ quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân kinh doanh lành mạnh.

Bà Hoàng Thị Trà Giang, Chủ cơ sở sản xuất bánh trung thu Đức Vinh, thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng chia sẻ: Gia đình tôi có truyền thống làm bánh trung thu, mỗi dịp Tết Trung thu trung bình gia đình tôi sản xuất 2.000 chiếc bánh/ngày. Hằng năm, gia đình tôi luôn được các cơ quan chức năng tuyên truyền không sử dụng các loại nguyên liệu không rõ nguồn gốc để làm bánh, gia đình đã ký cam kết tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu để khách hàng yên tâm lựa chọn, sử dụng sản phẩm.

Từ nay đến Tết Trung thu, lực lượng QLTT tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường bánh trung thu nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm, góp phần đảm bảo sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng.

HOÀNG CƯỜNG