Thứ hai,  08/07/2024

Mô hình “Nhà văn hóa cộng đồng-Ngôi nhà trí tuệ” ở Hà Tĩnh: Hình mẫu tiêu biểu của nhà văn hóa thôn

– Gần 3 năm trở lại đây, mô hình “Nhà văn hóa cộng đồng – Ngôi nhà trí tuệ” ở tỉnh Hà Tĩnh đã phát triển nhanh chóng và hiện nay mô hình này đang được nhiều địa phương trong cả nước đến học tập triển khai. Việc xây dựng mô hình này không chỉ bước đầu giải bài toán “lãng phí” cơ sở vật chất văn hóa ở một số nơi mà còn góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Khuôn viên Nhà văn hóa cộng đồng-Ngôi nhà trí tuệ thôn Nam Bắc Thành, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh

Những ngày cuối tháng 9/2023, chúng tôi tham gia cùng đoàn công tác của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh đến tìm hiểu và học tập kinh nghiệm xây dựng NTM trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

Hà Tĩnh được biết đến là một trong những địa phương đi đầu cả nước về xây dựng NTM, có nhiều mô hình hay, những cách làm hiệu quả. Trong đó, ấn tượng sâu sắc nhất với nhiều thành viên trong đoàn chính là mô hình “Nhà văn hóa cộng đồng-Ngôi nhà trí tuệ” ở thôn Nam Bắc Thành, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên.

Bước vào khuôn viên Nhà văn hóa thôn Nam Bắc Thành, ấn tượng đầu tiên với chúng tôi chính là khoảng sân rộng rãi được phân chia từng khu vực trồng hoa, cây xanh; khu vực sân thể thao; khu vui chơi của trẻ em… Ấn tượng tiếp theo chính là công trình nhà văn hóa được xây dựng khang trang, rộng rãi với đa chức năng. Ngoài hội trường chính phục vụ sinh hoạt, hội họp định kỳ của người dân trong thôn, công trình còn bố trí khu vực riêng để làm thư viện với hàng nghìn đầu sách các loại, 2 bộ máy vi tính; khu vực để trưng bày vật dụng đã gắn bó với cuộc sống thường ngày của người dân nơi đây.

Cùng với những ấn tượng về nhà văn hóa thôn Nam Bắc Thành to, đẹp, đa chức năng như vậy, bản thân tôi cũng như nhiều người đều có một thắc mắc, vậy giữa “Nhà văn hóa cộng đồng” và mô hình “Nhà văn hóa cộng đồng-Ngôi nhà trí tuệ” có gì khác nhau?

Ông Nguyễn Trọng Phương, Trưởng thôn Nam Bắc Thành, xã Cẩm Thành chia sẻ: Nhà văn hóa cộng đồng của thôn đã có từ lâu. Thế nhưng mô hình “Nhà văn hóa cộng đồng-Ngôi nhà trí tuệ” ở thôn bắt đầu xây dựng từ cuối năm 2021. Nếu như trước đây, nhà văn hóa thôn được xây dựng với quy mô nhỏ, trang thiết bị trong nhà văn hóa đơn giản và chức năng chủ yếu của nhà văn hóa để phục vụ hội họp định kỳ theo tháng, quý và phần lớn thời gian còn lại, nhà văn hóa luôn trong tình trạng “cửa đóng, then cài”.

Tuy nhiên, từ khi triển khai xây dựng “Ngôi nhà trí tuệ” được “tích hợp” vào trong khuôn viên nhà văn hóa cộng đồng của thôn, nhà văn hóa cộng đồng thôn như được khoác lên mình chiếc áo mới. Thay vì chỉ có công trình nhà văn hóa trống trải như trước, Nhà văn hóa cộng đồng-Ngôi nhà trí tuệ thôn Nam Bắc Thành được bổ sung hạng mục như thư viện, khu trưng bày vật dụng lao động, đồ dùng sinh hoạt; trang thiết bị phục vụ tốt hơn nhu cầu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của người dân trong thôn.

“Sau khoảng 3 năm đưa vào hoạt động mô hình “Nhà văn hóa cộng đồng – Ngôi nhà trí tuệ”, đến nay toàn tỉnh Hà Tĩnh đã ra mắt 116 mô hình “Nhà văn hóa cộng đồng – Ngôi nhà trí tuệ” hoạt động hiệu quả với kinh phí xã hội hóa hơn 22 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ 9,02 tỷ đồng, kêu gọi hỗ trợ hơn 20.000 đầu sách các loại, góp phần tích cực vào việc xây dựng khối đại đoàn kết tại khu dân cư, tổ dân phố, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần ở cơ sở, góp phần xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu”.

Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng Bộ phận Kế hoạch, Nghiệp vụ, Giám sát-Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Hà Tĩnh

Cụ thể, từ khi xây dựng được mô hình tích hợp trên, các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn thôn đã thành lập được các câu lạc bộ văn nghệ hát dân ca, ví dặm; câu lạc bộ bóng chuyền, bóng bàn, nhảy dân vũ cũng như nhóm đam mê đọc sách, học tiếng Anh… Người lớn tham gia các môn thể thao, trẻ em có điểm vui chơi công cộng lành mạnh, an toàn. Vậy là thay vì thường xuyên đóng cửa như trước, giờ đây, Nhà văn hóa cộng đồng-Ngôi nhà trí tuệ đã có nhiều hoạt động thường xuyên, sôi động, thu hút sự tham gia đông đảo của người dân trong thôn cũng như du khách đến thăm quan, học tập.

Tuy nhiên, để xây dựng được mô hình này đòi hỏi nguồn lực không nhỏ. Trưởng thôn Nam Bắc Thành chia sẻ: Để xây dựng mô hình Nhà văn hóa cộng đồng-Ngôi nhà trí tuệ, bên cạnh nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, thôn đã huy động thêm nguồn lực bằng cách đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trong thôn đóng góp. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp, con em trong thôn đang sinh sống, học tập mọi nơi để cùng chung sức xây dựng. Bên cạnh đó, để hoạt động của Nhà văn hóa cộng đồng-Ngôi nhà trí tuệ đạt hiệu quả, thôn đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức hội, đoàn thể, câu lạc bộ quản lý, giữ gìn tài sản.

Mô hình Nhà văn hóa cộng đồng-Ngôi nhà trí tuệ của thôn được xây dựng và hoàn thành đã phát huy thêm công năng của các công trình cơ sở vật chất văn hóa; trở thành sân chơi bổ ích, là nơi gắn kết tình làng, nghĩa xóm…

Trong những năm qua, với nguồn lực đầu tư của Nhà nước và sự chung tay, góp sức của Nhân dân cùng các nguồn lực xã hội hóa khác, nhiều thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp nhà văn hóa thôn đạt chuẩn tiêu chí NTM. Cụ thể đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 879/1.523 nhà văn hóa thôn đạt chuẩn và năm 2023, các đơn vị liên quan tiếp tục xây dựng mới, nâng cấp 37 nhà văn hóa thôn.

Tuy nhiên trên thực tế, do điều kiện địa hình chia cắt, nguồn lực đầu tư của Nhà nước và huy động nguồn lực xã hội hóa của người dân còn hạn chế nên diện tích khuôn viên nhà văn hóa ở nhiều thôn trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, chủ yếu vẫn ở mức “vừa đủ”, chưa đầu tư được đầy đủ trang thiết bị phục vụ nhu cầu sinh hoạt, văn hóa, văn nghệ của người dân. Từ đó, nhiều nhà văn hóa vẫn chỉ dừng lại ở việc tổ chức hội họp thông thường, chưa phát huy hết công năng sử dụng.

Khu vực thư viện trong khuôn viên Nhà văn hóa cộng đồng-Ngôi nhà trí tuệ thôn Nam Bắc Thành

Ông Hoàng Đăng Dũng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa triển khai được mô hình tương tự như mô hình Nhà văn hóa cộng đồng-Ngôi nhà trí tuệ như tại tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên thông qua việc tìm hiểu, học tập kinh nghiệm mô hình cho thấy đây là mô hình hay khi vừa đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí của người dân, vừa phát huy hiệu quả công trình cơ sở vật chất văn hóa được xây dựng. Trên cơ sở hiệu quả mà mô hình ở Hà Tĩnh đem lại, tùy vào điều kiện thực tiễn về cơ sở vật chất, điều kiện kinh tế, nhu cầu của người dân, các thôn trên địa bàn tỉnh có thể từng bước tìm hiểu, vận dụng xây dựng mô hình phù hợp. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân cũng như góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

 

TÂN AN